Giò me (làm từ thịt con bê) đã trở thành một trong những đặc sản có tiếng của vùng đất Nghệ An.
Những ngày này, cơ sở sản xuất giò me của gia đình anh Lê Đình Chung ở thôn Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) công nhân làm việc khẩn trương, không ngừng nghỉ để cho ra những chiếc giò thơm ngon, chất lượng.
Anh Lê Đình Chung chia sẻ cơ duyên đến với nghề làm giò me: "Năm 1984, tôi lên đường nhập ngũ ở Quân khu 4 - Bộ tham mưu đến năm 1989 tôi xuất ngũ trở về quê hương. Từ truyền thống làm giò me của cha ông để lại, năm 2005 tôi bắt đầu liên kết với lò mổ, nhập thịt về làm giò me. Chính những kiến thức đó đã tạo nên nền tảng để tôi phối hợp nguyên liệu, sáng tạo nên một món ăn đặc sản của người dân Nghệ An".
Thời gian đầu rất khó khăn, để làm được món giò me này tôi phải lặn lội từ Nam chí Bắc để học hỏi cách làm. Cơ sở vững mạnh như ngày ngày hôm nay, sản phẩm giò me được thị trường đón nhận bởi hương vị thơm ngon, cũng đã trải qua những thăng trầm.
Clip: Giò me xứ Nghệ “cháy” hàng ngày sát Tết.
Ban đầu, cơ sở chỉ sản xuất giò thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất lẻ tẻ để cung ứng cho các mối quen. "Tiếng lành đồn xa", thị trường ngày càng được mở rộng. Để tăng độ tin cậy, đáp ứng nhu cầu của khách hàng với số vốn ban đầu anh Chung đã mạnh dạn vay mượn đầu tư nhà xưởng, các hệ thống máy móc, kho đông lạnh, máy hút chân không cỡ lớn, nồi hấp… tổng chi phí gần 20 tỷ đồng.
Sản phẩm giò me Chung Tài chú trọng mẫu mã, xây dựng thương hiệu, giữ vững hương vị đặc trưng truyền thống với tiêu chí "3 không": Không chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Các công đoạn cần phải tỉ mỉ, cẩn thận. Để giò đạt chất lượng như mong muốn, yếu tố đầu tiên là nguyên liệu thịt me phải chuẩn. Thịt bắp, ba chỉ nguyên miếng, con me non dưới 1 năm tuổi, ướp gia vị trong khoảng 24 tiếng ở nhiệt độ 100C, khi tất cả nguyên liệu được hòa quyện, dậy mùi, sau đó gói, cho cho vào lò hấp cách thuỷ ở nhiệt độ 100 độ C, để nguội, khâu cuối cùng là cho giò vào trong tủ để cấp đông" - Chị Phạm Thị Tài (vợ anh Chung), bật mí.
Theo chị Tài, dịp Tết Nguyên đán là đợt cao điểm nhất, chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm để đủ số lượng giò bán cho khách hàng. Bất kỳ thời điểm nào gia đình tôi cũng luôn giữ giá bình ổn từ 250.000 – 280.000 đồng/1kg giò me.
Trung bình mỗi năm xưởng giò me Chung Tài xuất ra thị trường 150 -200 tấn, sau khi trừ các chi phí gia đình tôi thu về hơn 550 – 600 triệu đồng/năm.
Ngoài việc, phát triển kinh tế cho gia đình, cơ sở sản xuất giò me Chung Tài còn tạo công ăn việc làm cho 30 lao động ở địa phương với mức lương từ 5 - 8 triệu/ tháng
Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm giò me Chung Tài được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm giò me đã có mặt trên 63 tỉnh thành và xuất khẩu ra nước ngoài.
Tháng 1/2020 cơ sở sản xuất giò me Chung Tài đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao về chất lượng.
Thời gian tới, anh Chung sẽ huy động thêm nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm hệ thống máy móc nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Trao đổi với PV Báo DANVIET.VN, ông Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, cho biết: "Cơ sở sản xuất giò me Chung Tài được thành lập đã được 15 năm. Trước đây cơ sở chủ yếu sản xuất bánh chưng sau này tập trung phát triển giò me.
Giò me Chung Tài vừa rồi đã tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận 3 sao. Ngoài tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình, cơ sở này còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện, cơ sở giò me Chung Tài đang hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng và quy mô để phục vụ khách hàng tốt hơn".
Vào lò sản xuất giò chả sạch bán Tết "học lỏm" bí quyết làm đồ ngon