Chính quyền Trung Quốc đã cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường học.
Bộ Giáo dục cho biết lệnh cấm, áp dụng cho cả các trường tiểu học và trung học, được đưa ra để ngăn chặn "chứng nghiện internet và trò chơi" và giúp học sinh tập trung vào việc học.
Lệnh cấm hạn chế học sinh mang điện thoại di động vào sân trường. Học sinh sẽ cần sự chấp thuận của phụ huynh, cùng với sự cho phép bằng văn bản của nhà trường, trước khi được phép mang thiết bị của mình đến trường.
Tuy nhiên, tất cả các điện thoại cho dù mang tới cũng phải được loại bỏ trong giờ học, Bộ cho biết trên trang web của mình hôm thứ Hai 1/2 vừa qua.
Trong một trường dạy nghề ở Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, có treo một giá đỡ để cất điện thoại di động của học sinh bên cạnh bảng đen. Điện thoại di động đã bị cấm ở các trường tiểu học và trung học của nước này. Ảnh: Getty Images
Chỉ thị này có hiệu lực tức thì nhằm "bảo vệ thị lực của học sinh, giúp các em tập trung vào học tập và tránh cho các em nghiện internet và game". Nó có thêm mục tiêu là "tăng cường phát triển thể chất và tâm lý của học sinh".
Năm 2019, Trung Quốc có 175 triệu người dùng Internet dưới 18 tuổi, với 74% được cho là có thiết bị di động của riêng mình, theo một báo cáo do Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc công bố năm ngoái. Báo cáo cũng cho thấy những người sử dụng điện thoại di động trong nhóm này chủ yếu sử dụng thiết bị của họ để học trực tuyến, nghe nhạc và chơi game.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đưa ra thông báo cấm giáo viên giao bài tập về nhà qua điện thoại di động hoặc yêu cầu học sinh hoàn thành bài tập trên điện thoại di động. Phương pháp này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Các trường học cũng được lệnh thiết lập nhiều điện thoại công cộng hơn và tìm cách khác để nói chuyện với phụ huynh mà không cần dựa vào điện thoại di động.
Một sinh viên nhặt lại điện thoại di động của mình sau khi thực hiện bài thi tại một trường kỹ thuật ở Tế Nam, Trung Quốc.
Tranh luận về việc sử dụng smartphone ở các trường học Trung Quốc đã bùng lên thường xuyên trong những năm gần đây, trước mối lo ngại rộng rãi về việc giới trẻ đang ngày càng "nghiện" thiết bị di động.
Tuy nhiên, Liu Yanping, hiệu trưởng Chi nhánh 1 của Trường Quốc khánh Bắc Kinh, nói rằng không khôn ngoan nếu áp dụng cách tiếp cận "một cho tất cả" như thế này.
Cô Liu cho rằng, mặc dù có thể chấp nhận được việc cấm trẻ em tiểu học mang điện thoại di động đến trường vì chúng thiếu tính tự giác, nhưng học sinh lớp lớn hơn nên được phép dùng thiết bị với sự chấp thuận của cha mẹ.
"Bạn không thể đơn giản loại bỏ chúng khỏi Internet trong kỷ nguyên kỹ thuật số", cô Liu nói.
Cô cho biết để giải quyết các vấn đề về thị lực và vấn đề nghiện game, các nhà chức trách nên giảm bớt gánh nặng học tập của học sinh để các em có nhiều thời gian tập thể dục hơn.
Cô nói thêm: "Điện thoại thông minh không phải là thứ để đổ lỗi đầu tiên".
Một học sinh dùng điện thoại thông minh cá nhân. Ảnh: Getty Images
Wu Hong, một nhà nghiên cứu tại Dett, một tổ chức giáo dục có trụ sở tại Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, lặp lại quan điểm của cô Liu rằng việc giải quyết vấn đề bằng cách ra lệnh cho giới trẻ ngừng sử dụng thiết bị di động là không thực tế.
"Thay vì cấm đoán, các trường nên dành nhiều thời gian hơn để trau dồi khả năng tự quản lý của trẻ bằng cách dạy chúng phân biệt sự khác biệt giữa thế giới thực và ảo; giữa tốt và xấu", ông Wu nói.
Tuy nhiên, chỉ thị của Bộ Giáo dục dường như lại được nhiều người ủng hộ.
Trong một cuộc khảo sát của thecover.cn được công bố trên Weibo, 54% trong số hơn 1.900 người được hỏi cho biết họ tin rằng học sinh không cần thiết phải mang điện thoại di động đến trường; hơn 1/4 người muốn có một chính sách linh hoạt hơn, với 20% nói rằng điện thoại di động nên được phép sử dụng trong khuôn viên trường học.
Việc sử dụng điện thoại di động trong trường học đã gây tranh luận không chỉ ở Trung Quốc. Vào năm 2018, Pháp đã thông qua luật cấm trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng điện thoại di động trong sân trường và Hy Lạp cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.