Ngày trước, khi chưa có đường ô tô về làng, cậu Hải chính là người dám bỏ tiền ra mua một chiếc thuyền để chuyên chở phân bón về bán cho người làng rồi lại chở nông sản mang ra ngoài bán kiếm lời…
Do năng động từ sớm nên vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, cậu Hải là người đầu tiên của làng Lường xây được nhà hộp hay còn gọi là nhà mái bằng, dù ngồi nhà nhỏ và một tầng. Nhà được xây mới, song hướng chính cậu Hải vẫn giữ nguyên như cũ nên nhà vẫn cứ "khinh khỉnh" quay lưng ra phía đường.
Vợ chồng cậu Hải có ba đứa con, một trai hai gái. Hồi mới lấy nhau không hiểu sao mà mãi sau ba năm cậu mợ vẫn không có con. Đến khi đẻ được đứa đầu thì lại cứ sòn sòn mỗi năm một đứa, thế nên ba đứa lít nhít nối nhau ra đời.
Mỗi lần Phúc về quê chơi thường phải trông bế cả mấy đứa con nhà cậu Hải. Cả ba đứa chúng nó đều yêu quí Phúc và thích được nghe Phúc kể chuyện. Những đêm trăng nằm hóng mát trên triền đê, Phúc thường thấy mắt chúng nó sáng long lanh mỗi khi được nghe kể chuyện về thành phố, nơi có nhiều xe cộ và ánh đèn sáng rực vào ban đêm.
Thằng Hà là anh cả lên Hà Nội học đại học Xây Dựng. Ra trường nó xin được vào làm ở một công ty xây dựng có tiếng. Mấy năm sau Hà lấy vợ, vợ nó cũng là người ở quê song gia đình thuộc dạng hơi có điều kiện nên đã mua cho con gái một căn hộ trong một khu tập thể cũ kỹ được xây dựng từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Sau một thời gian làm lụng, dành dụm, vợ chồng nó cũng mới mua được căn nhà của riêng chúng, đó là một căn hộ nhỏ trong khu chung cư thu nhập thấp ở ngoại ô. Hai đứa hiện có hai con, gái lớn học lớp ba còn trai út vừa vào lớp một.
Con em kế thằng Hà tên là Hậu cũng ra Hà Nội học đại học rồi ở lại làm việc rồi lấy chồng trên đó. Cái Hằng là út, học xong cấp 3 thi trượt đại học thì đi làm công nhân ở một nhà máy may cách nhà hơn hai chục cây số. Nó quen và lấy chồng là người quê ở Hòa Bình cũng đang làm công nhân ở đó.
***
Chiếc xe ôm bon bon đưa hai bố con Phúc về làng. Con đường chính chạy xuyên qua làng Lường vắng vẻ một cách lạ thường. Đi gần hết cả con đường mà chỉ gặp mỗi một bà già tay cầm chiếc túi ni lông đựng hai quả trứng và mấy thứ gì đó xanh xanh đỏ đỏ bên trong đi bộ ngược chiều.
Đến cổng nhà ông cậu, Phúc vỗ vai bảo người lái xe ôm dừng lại. Trong lúc Phúc trả tiền thì đã thấy ông Hải từ trong sân loạng choạng chạy ra đón khách.
- Bố con thằng Phúc về chơi đấy hả?
- Vâng cậu…
Thấy ông cậu bước đi tập tễnh, Phúc bảo con chào ông rồi hỏi.
- Chân cậu bị làm sao vậy?
- Cậu bị gút ý mà… thỉnh thoảng lại bị một trận… thôi hai bố con vào nhà đi.
Nhà cậu Hải nằm ở dãy bên phía nam của con đường làng nên nhà chính cũng quay ngoắt lưng ra đường giống như các nhà khác. Từ cổng vào có một lối nhỏ đi men theo đầu hồi rồi mới dẫn đến cái sân gạch ở trước nhà. Trong khi đi từ cổng vào nhà, Phúc để ý không thấy bà mợ đâu thì hỏi.
- Mợ không có nhà hả cậu?
Ông Hải giọng phàn nàn.
- Bà ấy đi ăn cưới từ sáng tới giờ vẫn chưa về vì phải chạy xô những ba đám…
- Chắc đám cưới con cháu bên nội hay ngoại cậu mợ…?
- Họ hàng gì đâu… người trong làng thôi. Nhưng họ cứ mời thì cũng phải đi chứ không cũng khó nhìn nhau…
- Sao cậu không đi bớt cho mợ?
- Cậu đang bị gút nên hạn chế… mà dẫu có không bị gút thì mợ mày cũng không cho đi vì chỉ sợ đi gặp phải mấy ông bợm rượu luôn kích bác để ép nhau uống, uống vào thì lại sinh ra bệnh…
Hai cậu cháu chuyện trò được một lúc thì có tiếng bước chân từ ngoài vọng vào. Ông cậu chẳng cần nhìn ra vẫn khẳng định.
- Bà ấy về rồi đấy…
Mợ Hòa tay xách ba chiếc túi ni lông đựng đồ ăn hiện ra trước cửa.
- Bà xem ai về chơi này…
- Mợ… - Phúc chào rồi bảo con - Đức chào bà đi con!
Thằng Đức lí nhí.
- Cháu chào bà…
- Ồ… Con bố Phúc lớn như vầy rồi sao… Thế hai bố con về lâu chưa…? - Bà Hòa bối rối để ba chiếc túi ni lông vào góc tường rồi nhìn chồng hỏi - Sao ông không nhắn gọi để tôi về đi chợ…?
- Biết bà đang ăn cỗ ở đám nào mà gọi… Mà thôi… con cháu trong nhà chứ khách khứa gì đâu… bà mang mấy phần cỗ kia ra đây cả nhà cùng ăn… chiều đi chợ sau…
Giờ thì Phúc đã biết, mấy chiếc túi ni lông kia chính là mấy phần cỗ mà bà mợ mang về.
- Phải đấy mợ ạ… cỗ cưới cũng toàn là món ngon mà.
Bà Hòa lưỡng lự một lúc thì nói.
- Vậy để tôi ra vườn hái nắm rau nấu thêm bát canh nữa.
Trong lúc bà vợ đi ra cửa, ông chồng giảng giải.
- Đi ăn cỗ giờ chỉ ăn món canh với xào vì có nước… còn các món khô thì ngầm để lại chia nhau mang về...
***
Người làng Lường từ lâu nay đã không còn muốn cấy lúa nữa vì công việc đồng áng quá vất vả mà thu nhập lại không xứng đáng. Không cấy lúa song không nhà nào dám trả ruộng cho xã vì nghe nói sắp tới tỉnh sẽ lấy đất để làm khu công nghiệp, đất ruộng sẽ được bồi thường tới mấy chục triệu một sào. Nhà nào để ruộng bỏ hoang sẽ bị xã thu lại nên các nhà đều phải tìm mọi cách để mà giữ. Nhưng đó là chuyện của chừng chục năm về trước, khi đó nếu nhà nào có ruộng để không có thể cho những nhà khác thuê lại. Nhưng gần đây thì ngược lại, người có ruộng lại phải trả tiền cho người cấy gọi là trả công giữ đất.
Cái giá phải trả cho người cày cấy giữ đất ban đầu còn rẻ song cứ tăng dần qua từng năm vì số người làm nông sau mỗi vụ lại ít dần. Đến lúc giá thuê cao quá thì nhiều nhà mách bảo nhau chẳng cần phải cày bừa gì hết, cứ đến vụ thì rắc vài cân thóc giống thẳng xuống lớp đất bùn gọi là có gieo cấy chứ không cần chăm sóc thu hoạch. Xã cũng biết là dân đối phó song cũng chẳng bắt bẻ vì mọi khoản phí các hộ vẫn nộp đủ.
Chờ mãi đến dài cổ mà chẳng thấy cái dự án khu công nghiệp kia triển khai. Mấy người thạo tin nói do vị trí làng Lường không tiện đường giao thông nên chủ đầu tư đã quyết định tìm chọn chỗ khác. Thế là đất ruộng không những chẳng còn chút giá trị kinh tế nào mà còn tốn thêm tiền để mà giữ. Trong làng bắt đầu có nhà làm đơn xin trả lại ruộng khiến những mảng ruộng bị bỏ hoang như những vệt ố mốc bẩn thỉu dây vào bức họa đồng quê đẹp đẽ. Số nhà trả ruộng qua mỗi năm một nhiều thêm khiến vệt ố bẩn ngày một loang rộng ra, nham nhở…
Nhà cậu Hải thuộc một trong những nhà đầu tiên của làng Lường viết đơn xin trả lại đất cho xã. Nhưng mặc cho cậu Hải có nói gì thì nói, mợ Hòa vẫn nhất quyết phải giữ lại bằng được ba sào ruộng để trồng lúa sạch, rau sạch gửi lên thành phố cho con cháu.
Một chiều đầu hè, cậu Hải ra ruộng nhổ lạc thì bị bị cảm nắng phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Thằng Hà nghe tin hớt hải phóng xe về thăm hỏi rồi tuyên bố "Trả hết ruộng không làm gì nữa…" Thế là cậu mợ hết sạch banh không còn một tí ruộng nào cả.
Hết ruộng nhưng vẫn còn vườn. Mấy trăm mét vuông ao vườn cũng đủ khiến hai vợ chồng cậu mợ bận bịu từ sáng đến tối. Dưới ao thả cá, trên vườn trồng rau, thả gà… biết bao nhiêu việc lặt vặt cho cặp vợ chồng già chậm chạp.
***
Lần đầu cho con trai về thăm quê ngoại vả lại thời gian cũng chỉ có ít ngày nên ngay buổi chiều đầu tiên Phúc đã tranh thủ cho con đi ra sông, ra đồng chơi với ý định sẽ chỉ cho nó biết những cảnh hay, đẹp, lạ của đồng quê.
Song Phúc đã phải thẫn thờ, thất vọng, tiếc nuối… vì con sông tuổi thơ đẹp đẽ của mình đã không còn nữa. Thay vào đó là một con sông chết, nước đen sì và luôn bốc lên mùi thum thủm. Vậy là hai bố con phải buồn bã dắt díu nhau quay về.
Ngay khi vừa vào đến sân nhìn vào nhà thì Phúc thấy hai vợ chồng cậu Hải đang ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn uống nước với vẻ mặt buồn thiu. Mợ Hòa vừa nhìn thấy Phúc về thì gọi vào rồi nói:
- Cháu ngồi xuống đây cho cậu mợ hỏi một câu…
- Dạ…! - Phúc lo lắng không hiểu có chuyện gì mà bà mợ lại nói với vẻ nghiêm nghị như vậy - Mợ hỏi gì ạ?
- Mợ hỏi nhưng cháu phải trả lời thật lòng đấy nhé…?
- Vâng…! - Phúc vừa đáp vừa gật đầu.
- Cháu sống ở thành phố quen rồi, vậy nếu bắt cháu phải chuyển về quê sống thì cháu có về không?
- Về quê mình đây á?
- Ừ…!
Biết cậu mợ đang cần mình phải nói thành thật nên Phúc chẳng cần suy nghĩ đáp ngay:
- Nói thật với cậu mợ là cháu chỉ về chơi vài ngày thì được, chứ còn bảo về ở hẳn đây thì chắc cháu không thể vì… không quen…
- Ông thấy chưa? - Mợ Hòa nghe đến đây thì vội ngắt lời Phúc - Thằng Hà nó cũng không thích về quê sống đâu… Ông liệu mà quyết sớm đi…!
Cậu Hải nói lớn:
- Nhưng thằng Hà nhà mình thì khác, nó sinh ra và lớn lên ở đất này…
- Khác gì chứ? - Bà mợ lại ngắt lời chồng - Nó cũng ở thành phố cả chục năm nay rồi, con chúng nó đều được sinh ra và lớn lên ở thành phố… vậy thì đời nào chúng nó chịu về đây…
Thấy ông cậu im lặng, Phúc tò mò hỏi:
- Cậu mợ đang có chuyện gì khó xử vậy?
Cậu Hải lúc này mới quay sang nhìn Phúc nói:
- Chả là thế này… vợ chồng cái Hằng nhà cậu mợ mấy năm nay chúng nó vẫn ở nhà thuê… không hiểu do điều kiện ăn ở hay sao mà mãi mà vẫn không có con cái gì cả… Cậu mợ nghĩ cũng thương chúng nó nên bảo cho chúng nó mấy chục mét vuông đất ao ở trước nhà kia, hai đứa về san lấp đi rồi xây lấy cái nhà mà ở. Ban đầu chúng nó nhất định không chịu, song tháng trước thì đã đồng ý. Nhưng chỉ có điều mà cậu thấy không thể chấp nhận được, đó là vợ chồng chúng nó nhất định không chịu làm nhà ra chỗ cái ao mà cứ nhất quyết đòi phải cho phá cái nhà cũ này đi để làm nhà mới. Còn nếu không cho làm vậy thì chúng nó thôi không về… Cháu thấy vợ chồng chúng nó đặt điều kiện với cậu mợ như vậy có phải là quá tệ không?
- Tệ cái gì? - Bà mợ trả lời thay cháu - Con gái ông không xấu như ông nghĩ đâu, tôi đẻ ra nó tôi biết…
- Không xấu mà lại cư xử như vậy à…? Mà nó không có ý vậy thì chắc chắn là do thằng chồng nó bày ra thôi…
- Thì vợ chồng chúng nó cũng có ý tốt mà…! Chúng nó muốn tôi với ông qua ở cùng với vợ chồng chúng nó. Vợ chồng thằng Hà thì không biết bao giờ mới về… mà chắc gì chúng nó đã về chứ…? Tôi với ông thì cũng không thể bỏ nhà bỏ cửa ở đây để mà lên ở với chúng nó được. Vậy thì cũng phải có đứa nào đó về để ở cùng chứ? Già sắp xuống lỗ cả rồi…!
Phúc vội hỏi:
- Thế cậu mợ đã hỏi ý kiến vợ chồng chú Hà chưa?
- Hỏi rồi! - Cậu Hải nói - Theo lệ ở quê thì từ xưa tới nay tất cả nhà cửa, đất hương hoả đều được để lại cho trai đinh hoặc con trai trưởng. Nhà cậu mợ chỉ có mỗi thằng Hà là trai nên đương nhiên phải để lại cho nó. Thế nên cậu mợ cũng bảo cái Hằng là phải hỏi ý kiến của thằng Hà đã… Nhưng không ngờ khi vừa hỏi thì thằng Hà lập tức đồng ý cho con em nó tất tần tật toàn bộ khu đất này. Nó bảo con không có ý định về quê nên bố mẹ cứ cho vợ chồng cô chú ấy tất để cô chú ấy về làm nhà mà ở…
- Thế thì cậu mợ còn phải lăn tăn điều gì nữa…?
- Lăn tăn chứ! - Ông cậu giọng trầm ngâm - Thôi thì anh em chúng nó rộng bụng với nhau cũng tốt. Chỉ có điều cậu phải phân vân lo lắng đó là việc thờ cúng các cụ… chẳng lẽ sau này trông cậy cả vào con rể và cháu ngoại sao? Còn thêm điều này nữa, dẫu thằng Hà không lấy đất thì cậu cũng không thể quyết ngay theo ý của nó được vì còn thằng Nam. Cậu mợ có mỗi thằng Nam là cháu đích tôn, vậy thì ông bà cũng phải để lại cho nó một cái gì đó gọi là tài sản của các cụ để lại chứ… Chính vì vậy nên cậu còn chưa quyết để mong thằng Hà suy nghĩ lại. Nghĩ mà thấy buồn…
Phúc hiểu điều ông cậu đang tâm tư là cũng có lý bởi ở cái làng Lường này từ xưa tới nay cũng chưa có ai để cho con gái và con rể thờ cúng tổ tiên bên nội bao giờ.
Giọng ông cậu lại vang lên:
- Đất đai cha ông truyền lại qua bao đời, vậy mà nay nó quyết cho đi cứ nhẹ như không vậy… Là con độc đinh mà chẳng thèm nghĩ gì đến việc tiếp quản và thờ cúng tổ tiên… Nó còn nghĩ như thế thì còn trông mong gì đến đời con cháu nó sau này nữa… Vậy thử hỏi cậu không buồn làm sao được?
Mợ Hòa nghe chồng mình than vãn như vậy thì nhẹ giọng nói:
- Biết là thế…! Nhưng đến con mình đẻ ra ở đây, khôn lớn lên cũng ở đây… vậy mà nó còn không ở được phải ra thành phố sinh sống, vậy thì đến đời con chúng nó còn quay về đất này làm gì nữa?
- Nhưng còn việc thờ phụng ông bà, tổ tiên… Không còn nhà còn đất thì các cụ lấy chỗ nào mà về cơ chứ…?
- Ông nói lạ! - Bà mợ nói - Nhà chúng nó xây trên đất này mà ông lại nói không còn nhà còn đất là sao?
- Nhà của con gái con rể thì sao lại coi là nhà mình được chứ?
Bà vợ nhìn ông chồng trách móc:
- Mà cũng tại ông cả đấy…!
- Ơ…! - Cậu Hòa ngẩn người ra một lúc rồi hỏi lại - Sao lại tại tôi…?
- Chả phải từ khi chúng nó còn nhỏ ông đã suốt ngày động viên chúng nó… là chúng mày phải cố gắng mà học cho giỏi để đi ra khỏi lũy tre làng, để để… khỏi phải cấy cày… khỏi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là gì…? Cái ý nghĩ phải bằng mọi cách phải rời bỏ quê cha đất tổ hình thành trong đầu nó không phải là do ông nhồi nhét dần vào đó hay sao…?
- Thì… thì…! - Ông cậu ngẩn người và có vẻ đuối lý - Tôi chỉ không muốn chúng làm nông vất vả chứ không có ý nói chúng phải từ bỏ quê hương, từ bỏ quê cha đất tổ… Tôi muốn sau này chúng nó phải quay về. Không những con mà còn cháu nữa, tôi với bà có mỗi đứa cháu đích tôn. Đây là đất các cụ để lại, con nó dẫu không dùng đến thì cháu nó phải được hưởng. Giờ mà tôi quyết cho con gái hết đất đai thì hoá ra triệt hết đường quay về của chúng nó à…?
Nghe hai vợ chồng ông cậu hết tự than vãn lại quay sang trách móc lẫn nhau Phúc bất chợt cảm thấy mình cũng có lỗi một phần nào trong suy nghĩ của thằng Hà. Ngày thằng Hà còn nhỏ, mỗi lần về quê chơi Phúc vẫn thường kể về những điều hay ho, đẹp đẽ mà chỉ ở thành phố mới có. Có thể những câu chuyện về thành phố ngày đó cũng đã phần nào kích động quyết tâm bỏ quê lên thành phố trong đầu của thằng Hà. Để cậu mợ không phải trách móc lẫn nhau, Phúc nói:
- Thôi cậu mợ đừng trách móc nhau nữa, để mai cháu lên Hà Nội gặp chú Hà rồi sẽ khuyên bảo chú ấy vài lời xem sao…
- Ừ…! - Ông cậu như chỉ đợi có vậy để vịn vào - Cháu thử khuyên bảo nó giúp cậu với… Từ xưa đến nay nó vẫn hay nghe lời khuyên bảo của cháu… Biết đâu lần này cũng vậy…
***
Mang theo hi vọng của vợ chồng ông cậu lên Hà Nội, Phúc vội bấm số gọi ngay cho thằng Hà khi vừa về đến nhà bố mẹ đẻ. Sau mấy hồi chuông thì đầu dây bên kia bắt máy, giọng thằng Hà vang lên:
- A lô! Anh Phúc hả?
- Ừ! Anh đây… Anh vừa về quê thăm cậu mợ… anh muốn gặp chú có chuyện muốn nói…
Phúc vừa nói đến đó thì thằng Hà đã cướp lời:
- Em biết anh sẽ nói về chuyện gì rồi! Nhưng mà cũng lâu không gặp anh nên để em chạy qua ngồi với anh một lúc nhân tiện thăm hai bác luôn thể.
Bố mẹ Phúc bữa nay có việc nên đang chạy đi đâu đó không có nhà. Nhưng do muốn được nói chuyện với thằng Hà nên Phúc không nói cho nó biết. Tắt điện thoại, Phúc ngồi xuống chiếc ghế trong phòng khách vừa xem ti vi vừa chờ. Một lúc sau thì thằng Hà đến. Anh em vừa chào hỏi xong còn chưa kịp bước vào trong nhà thì thằng Hà đã hỏi:
- Chắc là ông bà lại nhờ anh thuyết phục em về chuyện đất đai nhà cửa chứ gì…?
- Đoán hay vậy? Ngồi đi! - Phúc chỉ chỗ mời thằng Hà ngồi rồi nhìn thẳng vào mắt nó hỏi - Vậy chú cho anh biết lý do của chú được không?
- Thì trong tương lai gần em không có ý định về quê sống. Bố mẹ em cũng có tuổi rồi, lại hay ốm yếu bệnh tật cần phải có người ở bên cạnh để trông nom. Nhà bố mẹ em đang ở hiện cũng đã xuống cấp xập xệ… anh về nhìn thì cũng biết, trong khi vợ chồng cái Hằng lại đang cần đất để xây nhà… Như vậy cho chúng nó là hợp lý quá rồi đúng không anh…?
- Nhưng chúng nó vẫn có thể làm nhà ở đằng trước… chỗ cái ao đấy!
- Nói ra nhưng anh đừng nói với bố mẹ em nhé…!
Thằng Hà dừng lại chờ khiến Phúc phải gật đầu thay cho một lời cam kết.
- Việc bảo vợ chồng cái Hằng về xin đất làm nhà và cả việc đòi phải cho đập nhà cũ đi để làm nhà mới cũng đều là chủ ý của em đấy!
Phúc nghe vậy thì không khỏi ngạc nhiên:
- Hả…? Chú nói sao…?
Thằng Hà bèn cất giọng lên tiếng giảng giải:
- Nhà hiện tại đã cũ quá rồi! Em thì mới dồn hết tiền với cả phải vay thêm ngân hàng để mua căn chung cư nên chẳng có tiền để gửi về cho ông bà sửa chữa. Mà kiểu nhà cũ đấy dẫu có sửa thì cũng vẫn rất bất tiện vì bếp và khu vệ sinh không nằm ở trong nhà. Người già sinh hoạt như vậy sẽ không ổn. Đấy là những bất tiện đối với hai ông bà, còn với chúng em thì mỗi khi về quê dẫu có muốn cũng chẳng thể ở lại lâu bởi nhà chật, không có đủ chỗ để ngủ… Vậy nên em phải vận động cả hai vợ chồng cái Hằng cùng phải kiên quyết đưa ra quan điểm là ông bà phải cho đập bỏ nhà cũ đi để làm nhà mới tại chính chỗ đó thì mới làm còn không thì thôi. Chỉ có làm như vậy thì bố mẹ em mới chịu qua ở nhà mới cùng với vợ chồng chúng nó. Anh thử nghĩ xem, nếu mà vẫn còn cái nhà cũ lù lù ở đó thì bố mẹ em đời nào chịu sang ở nhà con rể có đúng không?
- Ừ…! - Phúc chỉ biết gật gù đồng tình - Chú tính vậy cũng phải…! Thế nhưng còn chuyện thờ cúng các cụ…?
- Con cháu ở đâu các cụ ở đó…! Mà các cụ toàn đi mây về gió nên có chỗ nào mà không đến được trong chớp mắt cơ chứ? Các cụ mình thường nói là trần sao âm vậy, vậy thì thỉnh thoảng được bay ra thành phố với con cháu thì các cụ chắc cũng thích lắm…!
Thấy Phúc ngẩn người ra thì thằng Hà bèn hạ giọng xuống như thủ thỉ:
- Em nói đùa thôi! Thực ra chúng em chỉ nghĩ là khi bố mẹ còn sống mà không báo hiếu được gì thì đến khi chết đi rồi còn làm gì cho có ý nghĩa nữa… Vợ chồng em cũng đã gãy lưỡi thuyết phục hai ông bà lên đây ở để gần con cháu và cũng tiện chăm sóc lúc ốm đau nhưng ông bà nhất định không chịu thì em biết làm thế nào... Còn việc thờ cúng các cụ gia tiên em cũng đâu dám coi thường. Chỉ là do điều kiện của em chưa thể lo nổi cho người sống thì sao có thể lo việc của các cụ cho được chu toàn…? Vậy nên cứ để cho vợ chồng cái Hằng lo cho bố mẹ em trước đã. Việc thờ cúng các cụ cứ để ban thờ ở nhà mới của cái Hằng. Đất vẫn là đất của các cụ để lại, con cháu thì dù dâu hay rể cũng vẫn là con cháu các cụ cả. Vậy thì chả có lý do gì mà các cụ lại không về cả. Sau này em có về quê sống thì chỉ xin lại chúng nó một mảnh đất nhỏ là đủ…
Phúc chăm chú lắng nghe thằng Hà nói ra từng lời và khi nó dừng lại thì Phúc biết mình chẳng có lý lẽ gì để có thể thuyết phục được nó làm theo ý muốn của ông cậu nữa.
Thằng Hà ra về đã được một lúc lâu mà Phúc vẫn còn ngẩn ngơ với những suy nghĩ lạc quan và tân tiến của nó. Càng nghĩ Phúc lại càng thấy thằng Hà suy tính như vậy quả là rất đúng đắn và nó thực sự là đứa biết suy nghĩ. Trong đầu Phúc bất chợt xuất hiện một câu hỏi:
- Phải nói thế nào cho ông cậu hiểu ra vấn đề và nghe theo đây?
***
Cuối cùng thì vợ chồng ông Hải cũng đã đồng ý cho vợ chồng con gái út phá ngôi nhà cũ đi để xây nhà mới. Mặc dù đã quyết là vậy nhưng đến hôm phá nhà, ông Hải vẫn khóc đến đỏ hoe cả hai mắt. Ông khóc một phần vì tiếc nuối, ngôi nhà tuy cũ kỹ, lạc hậu nhưng dù sao nó vẫn là thành quả của biết bao công sức và trí tuệ của vợ chồng ông và chính nó cũng đã từng là niềm tự hào của gia đình ông trong suốt một thời gian dài. Ông Hải khóc vì còn một lẽ nữa đó là cho đến lúc đó, ông vẫn không biết trong tương lai, khi phải ở cùng nhà với con rể, con gái thì cuộc sống của vợ chồng ông rồi sẽ thế nào…
Gần một năm sau thì ngôi nhà mới hai tầng rộng rãi, khang trang cũng đã cơ bản hoàn thành. Khu bếp và phòng vệ sinh được bố trí ở tầng một trong nhà. Hai ông bà cũng có cả một phòng riêng ở tầng dưới để khỏi phải leo trèo cầu thang vất vả, ảnh hưởng đến xương khớp. Trên tầng hai ngoài hai phòng ngủ ra lại có riêng một phòng nhỏ để đặt bàn thờ gia tiên…
So với dự tính ban đầu thì ngôi nhà mới có hai sự thay đổi lớn đáng phải kể đến. Đầu tiên đó là hướng của nhà không còn làm theo hướng nam truyền thống của các cụ mà quay ngược lại để nhìn ra con đường chính của làng. Cái Hằng bảo bây giờ có quạt máy, có điều hòa nhiệt độ rồi thì sợ gì nắng hè mà cứ phải khinh khỉnh quay lưng ra đường nữa. Thay đổi đáng kể thứ hai là vị trí ngôi nhà không nằm ở đúng vị trí của ngôi nhà cũ mà xây lùi hẳn vào phía sau, đúng vào vị trí của cái ao tù ngày trước. Khi đã phá tanh bành xong nhà cũ thì cái Hằng thủ thỉ với bố:
- Thôi chúng con lại xin xây lùi vào trong để phòng khi sau này vợ chồng anh Hà có muốn về quê sống thì anh ấy làm nhà ở bên ngoài, chúng con ở bên trong.
Nghe con gái nói vậy thì ông Hải chỉ nghĩ cuối cùng thì chúng nó cũng đã biết nghĩ cho anh chị và các cháu. Ông Hải mừng lắm nên vội gật đầu đồng ý ngay tắp lự. Khi sắp làm đến cổng và tường rào thì thằng Hà về chơi, nó đứng ngắm nghía một lúc thì bàn với bố và em gái nên lùi tường rào vào hai mét để cho đoạn đường trước nhà được rộng hẳn ra. Nó nói để sau này có xe ô tô đi về thì có thể dễ dàng ra vào sân. Ông Hải nghĩ nó nói phét vậy cho oai mồm sang miệng chứ biết đến đời nào thì vợ chồng chúng nó mới mua được ô tô để mà đi. Nghĩ là vậy nhưng ông cũng đồng ý cho chúng nó được làm theo ý thích.
Không ngờ sau đó con Hằng lại đi vận động từng nhà ở hai bên đường cùng nhường đất để mở đường rộng ra. Sau khi được cái Hằng giơ điện thoại cho xem những bức ảnh chụp những con đường đã làm ở nơi khác và được nghe nó nói đến viễn cảnh con đường sau khi mở rộng sẽ đủ cho hai làn xe ô tô có thể tránh nhau, rãnh dọc ở hai bên đường sẽ có nắp đậy sạch sẽ, ban đêm đèn đường sáng choang như đường ở thành phố… thì các nhà bảo nhau đồng loạt hiến đất để làm đường. Nhà nào còn phân vân chưa quyết ngay thì có cả nhóm người khác kéo tới để vận động thêm.
***
Ngày khánh thành nhà mới, vợ chồng cậu Hải sợ Phúc ở xa, đi lại tốn kém vất vả nên không báo cho Phúc biết. Phúc chỉ được biết tin thông qua mẹ mình nên vội mua vé bay ra để về mừng cho cậu mợ.
Biết đường làng giờ đã rộng rãi thênh thang nên Phúc thuê một chiếc ô tô để đưa bố mẹ cùng về. Chiếc xe dễ dàng chạy tít vào tận trong sân. Nhìn chiếc sân rộng Phúc thầm tính phải còn đủ chỗ cho thêm ba chiếc xe nữa.
Khách đến dự lễ tân gia cũng không đông lắm, toàn là người thân thích hai bên nội ngoại nên ai cũng biết nhau. Mọi người lâu ngày gặp mặt nên hỏi han, chuyện trò râm ran suốt từ cổng vào đến trong nhà.
Vợ chồng cậu Hải mợ Hòa vui mừng ra mặt. Họ vui vẻ cười nói, hết chạy lên xắp xếp lễ vật trên ban thờ ở tầng hai rồi lại tất tả chạy xuống tiếp chuyện khách.
Dăm mâm cỗ được chế biến ngay tại bếp và được dọn ra bày trên mấy chiếc chiếu trải ở trong nhà nên chẳng cần phải mắc phông màn ngoài sân như mọi khi.
Đang ăn uống vui vẻ thì một trận mưa lớn bất ngờ trút xuống, mọi người chợt im lặng lo lắng nhìn ra. Cái Hằng nhanh chân chạy ra khép cửa sổ và cửa chính lại. Tiếng mưa gió im hẳn, tiếng nói cười lại vang lên…
Ăn xong thì trời cũng vừa tạnh. Trong lúc đám con cháu dọn dẹp thì các ông bà tiếp tục ngồi quây quần trò chuyện.
Mãi thì cũng đến lúc phải chào mọi người để quay về thành phố, Phúc để ý tìm mà không thấy bóng cậu Hải đâu. Đang định hỏi thì Phúc chợt nhớ và đoán ra, chắc ông cậu đã lại lỉnh ra ngoài để đứng đón ngõ.
Nhớ ra điều đó Phúc bất giác mỉm cười.