Kể từ ngày 27/1 đến nay, chúng ta phải đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới. Những người am hiểu chuyên môn đều có chung nhận định dù chúng ta vẫn phải "trường kỳ kháng chiến" trong công cuộc "chống dịch như chống giặc" nhưng Chính phủ đang có một chiến lược phòng, chống Covid-19 khá hiệu quả, bài bản.
Người dân hoàn toàn nhận thức được sự nguy hiểm của dịch lần này bởi giải trình tự gene trường hợp sang Nhật thì thấy đã biến chủng, tốc độ lây nhiễm nhanh, bệnh tăng nặng, kể cả ở người trẻ. Điểm khác nữa là chu kỳ lây bệnh trước là 4-5 ngày, nay chỉ còn rất ngắn, gần như xoá chu kỳ lây nhiễm. Thời gian khởi phát rất nhanh; khả năng nhân lên của virus và mầm bệnh rất cao. Mới 4 ngày qua đã có chu kỳ lây nhiễm thứ 4 là rất nguy hiểm. Cơ chế lây cũng dễ hơn trước. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt và nhanh hơn.
Dường như Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có kịch bản phù hợp, để đảm bảo an toàn cho người dân và vẫn phải bảo đảm cuộc sống cho chính người dân. Nói cho cùng thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm vẫn là thước đo năng lực lãnh đạo của chính quyền từ trung ương tới các địa phương. Bản lĩnh của những người cầm trịch công cuộc phòng, chống dịch đã được kiểm chứng và lãnh đạo các địa phương cần phải học tập.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, các địa phương cần tiếp tục khẩn cấp truy vết, xét nghiệm để phân loại, sàng lọc, tổ chức cách ly… Kinh nghiệm cho thấy địa phương nào chủ động làm sớm thì hiệu quả cao và ngược lại.
Đã trải qua 1 năm chung sống với Covid-19 người dân thấu hiểu chống dịch phải làm kiên trì, bản lĩnh; khi cần thiết thì phải tiến hành cách ly, phong toả, nhưng phong toả phải ở diện nhỏ nhất có thể vì còn liên quan đến đời sống của người dân.
"Nếu cứ khoanh vùng, cách ly rộng nhất, dài nhất là những quyết định dễ dàng cho người quản lý nhưng rất khổ cho người dân. Thay vì phong tỏa cả huyện thì chúng ta phong tỏa một vài xã, thay vì phong tỏa cả xã thì phong tỏa một vài thôn. Đây là bản lĩnh của người quản lý", phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được người dân đồng tình ủng hộ.
Kinh nghiệm chống dịch thành công của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian quan là làm sao để người dân phải biết tự bảo vệ mình, hạn chế thấp nhất đến mức lây nhiễm chứ không chỉ ỉ lại, trông chờ vào Nhà nước. Để người dân hiểu và cùng nhau tuân thủ các chỉ dẫn phòng chống dịch 5K của Bộ Y tế; chúng ta phải biết bảo vệ những người thân yêu như trẻ em, cụ già dễ tổn thương; bạn ho, sốt, bạn hãy ở nhà; con bạn ho, sốt, hãy để con bạn ở nhà.
Chúng ta hãy cùng nhau thay đổi nhận thức, thói quen và hành động để cùng Chính phủ tránh một cuộc phong tỏa diện rộng mang tính hủy diệt kinh tế, tàn phá việc làm và sinh kế của chính chúng ta. Ngay sau khi phong tỏa cấp tỉnh thì người ta đã thấy người dân điêu đứng như thế nào khi hàng tỷ đồng tiền trồng đào sẽ tan thành mây khói. Sẽ đến lúc chúng ta sẽ tự phải trả lời, liệu đó có phải là phương án tốt nhất chưa? Nếu đó là phương án duy nhất thì người dân sẽ chia sẻ với khó khăn của chính quyền và ngược lại.
Chống Covid-19 được nhận định sẽ là một cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút. Dù muốn hay không chúng ta sẽ ở trong một cuộc chiến giằng co ba mặt giữa bảo vệ sức khỏe, bảo tồn kinh tế và chấp nhận xã hội. Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Der Spielgel, nhà dịch tễ học Gabriel Leung của Hồng Kông, nhận định cuộc marathon còn kéo dài cho đến khi ít nhất một nửa dân số thế giới có được miễn dịch. Và chỉ có hai cách để có được miễn dịch: Một là thông qua nhiễm trùng và phục hồi, hai là bằng vắc-xin. Nhân loại còn ít nhất 9 tháng và nhiều khả năng hơn, một năm rưỡi nữa để có một loại vắc-xin sẵn sàng áp dụng rộng rãi có hiệu quả và an toàn.
Các địa phương không nên vội vàng ngăn sông cấm chợ, kỳ thị người Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và các vùng dịch khác khi trở về quê hương nếu như không không nằm trong diện phải cách ly tập trung. Bộ Y tế đã công bố các địa chỉ trên toàn quốc đang bị phong tỏa, cách ly, người dân nơi đó hãy đứng yên tại chỗ, vì sức khỏe của cộng đồng. Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương không được làm quá trong phòng dịch, gây cản trở người dân về quê ăn Tết, mà hãy thực hiện "lửa nhỏ khoanh nhỏ, lửa to khoanh to" như chỉ đạo của Chính phủ, và sớm điều chỉnh quy định về ngăn chặn, cách ly người từ các vùng có dịch về quê.
Chính quyền các địa phương phải biết rõ giới hạn của sự chịu đựng được và đưa ra các giải pháp để phù hợp với tình hình. Điều này được xác định đầu tiên bởi số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) bạn có, và số lượng bác sĩ và y tá chăm sóc các giường đó. Như vậy các quyết định phòng, chống dịch ở Hải Dương có thể khác Quảng Ninh và càng khác xa Hà Nội.
"Nếu mất thêm Tết này thì bà con còn khó khăn đến nhường nào!" – lời bày tỏ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành cho người dân nghèo đang được cộng đồng chia sẻ. Hãy nghĩ đến việc quản lý đại dịch thông minh hơn và theo cách ngăn chặn thiệt hại phụ không cần thiết chứ khoan hãy vội nghĩ đến một viễn cảnh dập tắt ngay được dịch bằng các biện pháp hành chính, cứng rắn đơn thuần. Không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác đã thất bại trong ý muốn đưa về zero ca nhiễm, điều không tưởng lúc này.