Vẫn có trường muốn "vượt rào" tuyển sinh
Mùa tuyển sinh 2020, một số cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy không thông báo rõ ràng, tổ chức tuyển sinh chưa đảm bảo đúng quy trình gây khó khăn cho học sinh và khiến dư luận bức xúc.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) - thông tin: "Trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin triệt để trong tất cả các khâu từ đăng ký, thi tuyển đến xét tuyển. Công tác tuyển sinh sẽ đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo, đồng thời kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường".
|
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh. Nghị định cũng quy định, phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh với mức phạt tối đa 100 triệu đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động tuyển sinh và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các cơ sở chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2021. Tức là mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, nếu trường nào vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý theo các quy định đã có và mức phạt cụ thể như vậy.
Theo GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT), việc ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm tuyển sinh là cần thiết bởi nhiều năm qua, trên thực tế, vẫn có những trường bất chấp quy định để "vượt rào". Chỉ đến khi người học bức xúc lên tiếng hoặc khi thanh kiểm tra bị phát hiện, các trường mới dừng tuyển sinh. Khi đó, người học đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng không thu lại kết quả như mong muốn.
TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục - thì bày tỏ: Đính kèm với phạt tiền là tạm đình chỉ giấy phép, dừng tuyển sinh, đào tạo trong một thời gian, như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số tin cậy của nhà trường, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tuyển sinh của năm sau, những trường đó mất uy tín, không còn tuyển sinh được nữa. Khi uy tín của nhà trường trong mắt của sinh viên hay học viên đều không còn, khó tuyển sinh, sẽ là đe dọa đến "sự sống còn" của các trường đại học, cao đẳng.
Phạt 100 triệu đồng là quá nhẹ so với nhiều trường
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, xử phạt là cần thiết, nhưng mức phạt đến 100 triệu đồng vẫn còn quá nhẹ đối với những sai phạm này. Trao đổi với PV ĐS&PL, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cũng cho rằng: "Vi phạm trong tuyển sinh tại các trường đại học, cao đẳng là lỗi rất nghiêm trọng, tự ý làm sai quy định thì chắc chắn phải bị xử lý. Tuy nhiên, mức tối đa là 100 triệu đồng như quy định là quá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe".
Theo ông, cần phải nâng mức xử phạt này lên để đảm bảo tính răn đe. Thậm chí, tập trung nhiều hơn vào các hình thức xử phạt bổ sung, như tạm đình chỉ, tước giấy phép hoạt động..., bởi, học phí một chương trình của học viên tại một số trường cũng rất cao, nếu mức xử phạt nhẹ như vậy, sẽ có hiện tượng bất chấp để thu những nguồn sai quy định đó.
Đồng tình với quan điểm phạt tối đa 100 triệu đồng đối với những trường có ý định "lấp liếm" trong tuyển sinh để thu lợi, là quá bèo bọt, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh - chỉ ra: "Nghị định 04/2021 của Chính phủ vừa ban hành quy định các vi phạm về tuyển sinh của cơ sở giáo dục có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, mức phạt này có tác động nhất định nhưng cũng đối với tùy trường. Với phần lớn các trường công lập, mức phạt đó là vừa; nhưng với các trường tư có học phí cao thì mức phạt 100 triệu đồng chỉ tương đương học phí của 2 sinh viên/năm. Như vậy, sẽ có nhiều trường bất chấp, sẵn sàng chịu phạt để tuyển vượt chỉ tiêu".
"Do vậy cần có quy định vượt bao nhiêu chỉ tiêu thì phạt 20% học phí 4 năm. Chẳng hạn, vượt 30 sinh viên trường có mức học phí 50 triệu đồng/sinh viên/năm sẽ bị phạt 20%x30x50x4=1,2 tỷ đồng. Mức phạt như vậy mới đủ sức ngăn chặn sai phạm trong tuyển sinh. Và quan trọng hơn cả, bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực tế năng lực đào tạo của các trường. Các trường sai phạm bị phạt rồi nhưng người học vẫn không được đảm bảo quyền lợi khi điều kiện học tập không đảm bảo chất lượng" - Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh gợi ý.
Có thể chỉ mang tính cảnh báo Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo (trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh), quy định xử phạt có thể chỉ mang tính chất cảnh báo, răn đe, vừa để các trường đại học, cao đẳng tự chấn chỉnh lại, vừa như một tiếng còi cảnh báo cho sinh viên, học viên. "Hiện nay, khi đã giao quyền tự chủ về tay các trường đại học, cần thiết nhất là sự công khai, minh bạch của từng trường. Còn về những quy định, quan trọng nhất vẫn là thể hiện tính quyết tâm để ổn định tình hình tuyển sinh tại các nhà trường" - PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh. *Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại |