Tại Trung Hoa vào thời cổ đại, những vị Hoàng đế của các vương triều phong kiến thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động cúng tế. Và một trong những tế phẩm không thể thiếu vào thời bấy giờ đó chính là các món làm từ thịt.
Theo Qulishi, thịt cúng thời xưa thường có tên gọi chung là "tộ nhục", nguồn gốc chủ yếu được lấy từ 3 loại gia súc là trâu, cừu và lợn.
Thế nhưng khác với những món sơn hào hải vị thường thấy của hoàng gia, món "tộ nhục" này từng là ám ảnh của các vị đại thần thời xưa mỗi khi được ban thưởng. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ các lý do dưới đây.
Vào thời phong kiến, những buổi cúng tế thường diễn ra trong thời gian rất dài, có khi kéo dài tới hàng giờ đồng hồ thậm chí là vài ngày. Trong khi đó, những món đồ cúng phải được chuẩn bị xong xuôi từ trước khi nghi thức diễn ra.
Như vậy sau khi các nghi lễ được tiến hành xong xuôi, những món đồ này đương nhiên sẽ không còn giữ được hương vị tươi ngon như lúc ban đầu.
Đó là chưa kể tới việc kỹ thuật bảo quản đồ ăn của thời xưa còn chưa được phát triển. Những công cụ bảo quản như tủ lạnh hay màng bọc thực phẩm cũng chưa ra đời.
Vì vậy trải qua một khoảng thời gian dài ở ngoài môi trường, những món thịt cúng đương nhiên sẽ mất đi sự tươi ngon, thậm chí còn có nguy cơ ôi thiu nếu gặp thời tiết khắc nghiệt.
Đó là một trong những lý do mà khi được nhà vua ban thưởng cho món này, các đại thần thời bấy giờ hầu như đều âm thầm than thở trong lòng.
Theo Qulishi, thứ gọi là "tộ nhục" thời xưa chẳng qua cũng chỉ là một cách gọi khác của món thịt luộc mà thôi.
Thế nhưng thịt luộc thời bấy giờ không được nêm nếm bất kỳ gia vị gì mà chỉ đơn thuần được luộc qua nước sôi cho tới khi chín. Vì vậy, việc thịt cúng có hương vị nhạt nhẽo là điều khó tránh.
Hơn nữa, nhà vua sớm đã giữ lại những phần thịt nạc cho bản thân hoặc các thành viên trong hoàng tộc.
Do đó phần thịt cúng được thưởng cho quan lại hầu hết đều là thịt mỡ. Độ ngấy của những phần thịt mỡ này quả thực là thứ mà ít ai có thể ăn được.
Chưa dừng lại ở đó, nhà vua còn có ngự thiện phòng chế biến nước chấm. Vì vậy phần thịt cúng của Hoàng đế dù thua kém sơn hào hải vị nhưng ít ra cũng còn dễ ăn. Còn các đại thần thì rất ít khi có được phúc phần này.
Thế nhưng dù có khó nuốt tới đâu thì đây vẫn là ân huệ của Thiên tử. Hơn nữa để tránh bị thất thố, các quan viên thời bấy giờ chỉ còn cách vui vẻ lĩnh chỉ tạ ơn mỗi khi được ban thưởng món thịt này.
Tuy nhiên có một sự thực hài hước là không phải ai cũng hãi hùng trước các món thịt cúng của nhà vua.
Tương truyền rằng vào thời nhà Thanh, có viên quan tên Kỷ Hiểu Lam nổi tiếng là người thích ăn thịt. Vì vậy nên mỗi lần nhà vua ban thưởng món thịt cúng, có lẽ chỉ có duy nhất Kỷ Hiểu Lam là thật lòng lĩnh chỉ tạ ơn vì yêu thích món này.