Dân Việt

Luật sư nói về việc xin "giấy phép con" ở TP.Hải Phòng: Trong luật không quy định, thiếu cơ sở pháp lý

Võ Hồng Nhân 07/02/2021 11:31 GMT+7
Theo luật sư, quy định phải xin giấy xác nhận ra khỏi địa phương là thiếu cơ sở pháp lý và có thể phản tác dụng nếu như việc tụ tập đông người, nháo nhào tại các phường, xã để xin giấy xác nhận.

UBND TP.Hải Phòng ban hành văn bản quy định kể từ 12h00 ngày 6/2, Hải Phòng sẽ kiểm soát tất cả các công dân ra và vào thành phố.

Theo đó, đối với công dân vào Hải Phòng phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi đi, trong đó nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố. Đối với công dân ra khỏi thành phố phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về lý do, lịch trình đi và khi trở lại.

Đến chiều 6/2, quy định này đã được thay đổi một phần. 

Xin giấy xác nhận ra khỏi địa phương là thiếu cơ sở pháp lý

hải phòng.jpg

Người dân nháo nhào đi xin giấy xác nhận ra ngoài thành phố về quê ăn tết. Ảnh Nguyễn Đại.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, công dân ra khỏi địa phương phải có giấy xác nhận là quy định của địa phương nhằm quản lý, kiểm soát và hạn chế đi lại trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, quy định này có thực sự hợp lý hay không, có phù hợp với quy định pháp luật hay không cần phải xem xét ở nhiều góc độ. Thực tế có nhiều cách để quản lý dân cư, quản lý việc đi lại của công dân, thông thường sẽ bằng các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh.

"Việc xin giấy phép ra khỏi địa phương thì pháp luật không có quy định, Hải Phòng quy định như vậy là khá lạ, mặc dù đó được coi là một trong những hoạt động để phòng chống bệnh Covid-19.

Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành về giãn cách xã hội, cách ly y tế, các biện pháp phòng dịch theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các nghị định hướng dẫn thi hành thì quy định phải xin giấy phép ra khỏi địa phương là thiếu cơ sở pháp lý và có thể phản tác dụng nếu như việc tụ tập đông người, nháo nhào tại các phường, xã để xin giấy xác nhận.

xin giấy phép.jpg

Người dân đổ xô xin giấy xác nhận tại Hải Phòng.

Bởi vậy quan điểm của cá nhân tôi là không nên áp dụng các biện pháp hành chính này, các thủ tục rườm rà rắc rối để gây cản trở các hoạt động dân sự, kinh tế của người dân cho dù mục đích của nó là tốt đẹp", luật sư Cường cho biết.

Cần biện pháp hiệu quả hơn

Theo vị luật sư, mọi hành vi của tổ chức, cá nhân đều phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật, phải lấy pháp luật để đánh giá tính hợp pháp của hành vi con người. Trong đó việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật cũng phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật.

Công dân có quyền tự do đi lại cư trú, không ai được phép cản trở hoặc hạn chế quyền này của công dân. Tuy nhiên quyền này sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng, việc hạn chế này được quy định trong các văn bản luật do Quốc Hội ban hành.

"Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, đối với những khu vực, địa điểm công bố có dịch bệnh, được xác định là “vùng có dịch” (thuộc nhóm A) theo quyết định công bố dịch quy định tại điều 38, điều 39 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì việc đi lại sẽ bị kiểm soát bằng các lệnh phong tỏa, đối với những vùng đã được công bố là có dịch thì việc đi lại phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là cần thiết để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Nội dung này được quy định tại điều 49 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và điều 1, Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính Phủ.

Ngoài những khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền công bố là vùng dịch mới bị kiểm soát nghiêm ngặt trong việc đi lại. Còn đối với những khu vực khác thì sẽ thực hiện theo các Chỉ thị 15/TTg, Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội tùy thuộc vào từng thời điểm và diễn biến cụ thể", vị luật sư nói.

Luật quy định thế nào vụ người dân đi xin giấy xác nhận tại Hải Phòng? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích việc người dân rời khỏi Hải Phòng.

The ông Cường, đối với các khu vực, địa điểm ở những thời điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các Nghị định, Thông tư, Quyết định, Chỉ thị của cơ quan có thẩm quyền thì người dân được quyền tự do đi lại, cư trú theo Luật cư trú hiện hành. 

 Về nguyên tắc áp dụng pháp luật thì những quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền đi lại, cư trú đã được Hiến pháp ghi nhận thì những quyền này chỉ bị hạn chế bởi văn bản luật do Quốc Hội ban hành. Ngoài Quốc Hội thì không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền được hạn chế những quyền cơ bản của công dân.

"Ở mỗi địa phương tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà chính quyền địa phương có thể ban hành các quy định, đưa ra các cơ chế giải pháp để phòng chống dịch bệnh tuy nhiên các quy định, giải pháp này phải trên cơ sở quy định pháp luật, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ, khoa học và có hiệu quả.

Tránh việc áp dụng các biện pháp phòng dịch không cần thiết, thậm chí cực đoan gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội.

Bởi vậy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và Chính phủ cần có những hoạt động kiểm tra, kiểm soát và có những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để đảm bảo hoạt động phòng chống dịch hiệu quả đồng thời không cản trở việc phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.

Vậy việc quy định các “giấy phép con” theo kiểu “xin cho”, gia tăng các thủ tục hành chính để hạn chế quyền đi lại của công dân ở những khu vực không phải là vùng có dịch là không cần thiết.

Nếu người dân đổ xô đến các phường, xã để xin giấy phép ra khỏi địa bàn mà không thực hiện tốt các biện pháp cách ly thì chính những nơi này có thể làm lây lan dịch bệnh. 

Bởi vậy chính quyền địa phương đưa ra những quy định này cần phải xem xét lại cho phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh và giảm bớt những phiền hà cho người dân", ông Cường cho hay.