Khi điện thoại đổ chuông lần đầu, Giovanni Trapattoni còn đang ngủ. Thực ra đa số người ở Turin năm 1976 đều đang say giấc vào lúc 6h30 sáng. Nhưng khi điện thoại reo cũng vào giờ đấy những ngày sau đó thì Trapattoni đã có thể nghe máy bởi ông đặt báo thức lúc 6h25. Điều cuối cùng ông muốn thấy – hay nói đúng hơn là điều cuối cùng mà bất kỳ người Italia nào muốn thấy – chính là sự bực dọc của L’avvocato.
L’avvocato – tức “Luật sư” theo tiếng Italia – là kẻ mà cả nước Ý không ai không biết. Một người được trọng vọng và có thế lực hàng đầu, với cái tên Gianni Agnelli. Vào lúc 6h30 sáng thì Agnelli đã ngủ dậy được một lúc lâu rồi. Ông thường thức giấc lúc 5h sáng, ăn điểm tâm, uống trà, đọc báo sáng rồi gọi điện cho bạn bè trên khắp thế giới: từ Tổng thống, Thống đốc ngân hàng, các nghệ sĩ hay cây viết hàng đầu, từ Kennedy, Henry Kissinger tới David Rockefeller. Có lúc Agnelli cũng gọi tới hãng Fiat – Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu mà ông đang là chủ tịch. Ông thích nói về tài chính, bởi dù gì thì tài sản của gia đình cũng cho phép ông nắm trong tay 1/4 số cổ phiếu lưu hành tại Italy thời ấy. Cũng có khi ông thích nói chuyện với giới hoàng tộc, bởi mối quan hệ với họ đã cho ông danh hiệu “De Facto”, hoặc ông sẽ hỏi thăm Juventus – đội bóng mà ông đang sở hữu – giống như buổi sáng năm 1976 ấy, khi ông chiêu mộ Giovanni Trapattoni.
Lần tiếp theo khi chuông điện thoại kêu lúc 6h30 sáng, Trapattoni đã thức giấc và sẵn sàng nghe điện. Ông cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo dù lúc đó vẫn là sáng sớm, đồng thời cũng cảm thấy thương cho quản gia của nhà Agnelli bởi phải gọi trước để xem người nghe điện đã thức giấc chưa.
Một giọng nói quen thuộc ở đầu dây bên kia “Chào buổi sáng, Trapattoni.” Agnelli nói “Ông khỏe không?”
Trapattoni cảm thấy hơi run sợ. Chuyện Juve mời ông làm HLV vẫn còn là điều gì đó khó tin, đặc biệt là khi nó là quyết định của chính Agnelli. Sinh ra và lớn lên tại Cusano Milanino, một thị trấn nhỏ ở phía Bắc Milan trong một gia đình công nhân, Trapattoni trải qua phần lớn sự nghiệp của mình với tư cách là một tiền vệ cần mẫn trong đội hình của AC Milan giành cúp C1 các năm 1963 và 1969 dưới thời Nereo Rocco – một trong những bậc thầy Catenaccio. Sau này, Trapattoni cũng có những thành công trong nghiệp huấn luyện, nhưng dù đi đâu và có gì trong tay, ông vẫn luôn tâm niệm mình chỉ là một cậu bé tới từ Cusano Milanino.
Agnelli thì yêu thích những thứ đẹp đẽ. Ông ta lái những chiếc siêu xe, hẹn hò với các cô gái đẹp và sở hữu những dinh thự bậc nhất trên khắp Châu Âu. Bộ sưu tập nghệ thuật của Agnelli lớn đến nỗi phải mua hẳn một căn villa chỉ để chứa các tác phẩm thuộc sở hữu của mình, và bản thân ông cũng là một biểu tượng thời trang với kiểu thắt cà-vạt lệch một bên, nút cổ luôn được thả ra và đồng hồ để bên ngoài cổ tay áo. Mặc dù sở hữu Tập đoàn Fiat, nhưng khả năng giao tiếp khiến Agnelli trông giống một ngôi sao giải trí hơn là thương nhân.
Khi ấy, rất nhiều người đã tò mò về việc đội bóng của Agnelli quyết định chiêu mộ Trapattoni, bởi nhìn chung HLV này có bảng lý lịch từa tựa Rocco – tức là một người không có gì quá nổi bật trong thời gian đầu. Ở tuổi 36, Trapattoni không có nhiều kinh nghiệm huấn luyện. Trong mùa giải đầu tiên được làm HLV trưởng, Trapattoni đã đưa AC Milan giành vị trí thứ 3 Serie A, song khi nghe bạn bè nói rằng Juve muốn chiêu mộ mình thì ông cũng không khỏi bật cười.
Nhưng bản thân Agnelli là kẻ thích mạo hiểm, dù đó là trong cuộc sống hay chuyện bóng banh.
Tình yêu của Agnelli với Juventus bắt đầu từ thuở bé. Năm 1899, ông nội của ông là Giovanni Agnelli sáng lập ra hãng xe Fiat. Năm 1923, khi đã trở thành hãng ô tô hàng đầu nước Ý, Fiat nắm quyền sở hữu Juventus. Con trai của Giovanni là Edoardo trở thành Chủ tịch CLB và ông cũng thường xuyên đưa câu con cả là Gianni tới xem Juve tập luyện cũng như chơi bóng. Trong những năm 30, Juve có tới 5 Scudetto, và bản thân Gianni cũng đã quen với việc nhìn Bianconeri giành lấy mọi vinh quang.
Nhưng năm 1935, biến cố gia đình xảy đến khi Edoardo gặp tai nạn trên biển và qua đời. Mất cha, Gianni được ông nội Giovanni nuôi dạy và bảo ban. Ông theo học ngành luật tại Đại học Turin – bởi vậy sau này mới có biệt danh là L’avvocato dù ông không bao giờ hành nghề. Khi chiến tranh xảy ra, Gianni có mặt ở tiền tuyến phía Đông, bị thương 2 lần và suýt mất ngón tay vì băng giá. Sau đó, ông cũng tham gia mặt trận Bắc Phi và bị một sĩ quan Đức bắn vào tay khi ẩu đả tại quán bar vì giành một phụ nữ. Từ trước đến nay, Gianni luôn được biết đến là người không bao giờ phàn nàn, còn những câu chuyện như việc ông bị bắn hay không bao giờ uống cạn chén rượu của mình chỉ là những cơn gió thoảng qua.
Sau chiến tranh, Giovanni buộc phải từ chức bởi các nhà máy Fiat đã sản xuất xe cộ và máy móc phục vụ chiến tranh cho Mussolini. Không lâu sau, ông qua đời vào năm 1945. Cũng trong năm này, mẹ của Gianni là Phu nhân Virginia Bourbon del Monte – con gái của một Quý tộc thành Rome – cũng thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi.
24 tuổi, Gianni trở thành trụ cột gia đình, nhưng điều hành Fiat vào thời điểm này là việc quá sức với ông. Ông nội từng khuyên rằng cứ chơi đi khi còn trai trẻ, sự nghiệp tính sau, thế nên Gianni để gia đình Vittorio Valletta tạm thời nắm quyền điều hành Fiat và bay thẳng đến miền Bắc nước Pháp. Tại đây, ông đốt 100.000 USD để mua Leopolda, một khu villa với 28 phòng ở Địa Trung Hải từng thuộc sở hữu của Vua Leopold nước Bỉ. Bạn bè của ông tới Leopolda có thể ở cả tuần lễ nếu thích, rượu chè thả ga, cờ bạc phê pha ma túy đủ cả, thành thử những người tới đây có đủ loại, từ giới chức sắc của CH Dominica, các tay đua, lính tráng, nhà làm phim, diễn viên, vận động viên hay thậm chí là Hoàng tử xứ Sicily Raimondo Lanza.
Đàn bà – đó cũng là một phần không thể thiếu tại Leopolda, đồng thời cũng là đam mê của Agnelli. Bản thân ông cũng là một người rất ưa nhìn với gương mặt quý tộc, da rám nắng, tóc đen quăn và thân hình cân đối khỏe mạnh của quân nhân. Trong rất nhiều phụ nữ mà Agnelli, đáng chú ý có diễn viên Anita Ekberg, nhà thiết kế Jackie Rogers và Pamela Harriman – người từng là con dâu của Sir Winston Churchill. Agnelli thường mời người phụ nữ mình thích lên những chiếc Ferrari của mình, trong đó một chiếc được thiết kế riêng với 3 ghế trước, còn một chiếc khác có bằng lái xe loại 1. Hoặc cũng có khi là những chiếc du thuyền siêu sang màu đen hoặc đỏ.
Bên cạnh quãng thời gian “chơi tới bến”, Agnelli cũng nắm chức Chủ tịch Juventus từ năm 1947 tới 1953. Tuy nhiên quãng thời gian này vị trí của ông chỉ là cho có đủ lệ bộ. Khó mà nói rằng Agnelli đã dành bao nhiêu thời gian cho Juventus, nhưng có thể chắc chắn là ông để tâm tới nhiều thứ khác hơn.
Có lẽ Agnelli sợ nhất là sự buồn chán. Ông rất hay đến khu Cresta Run tại St. Moritz, Thụy Sĩ, thích nhất trò trượt với vận tốc 130km/h trên xe trượt băng và bản thân cũng gặp vài vụ tai nạn suýt chết khi trượt tuyết. Khi người ta đến Địa Trung Hải để lướt sóng thì Agnelli thích nhảy từ trực thăng xuống biển hơn. Trên đường phố Turin thì ông chạy xe bạt mạng, khiến mọi người đi cùng phải “dựng tóc gáy” – như lời miêu tả của Henry Kissinger. Cảnh sát thấy Agnelli phóng qua cũng chỉ vẫy tay chào. Chỉ duy nhất một lần có 2 cảnh sát đã chặn ông lại và nói “L’Avvocato, ông có cần phải lái chiếc Ferrari như thế trên đường hay không? Ông thực sự nghĩ là chúng tôi sẽ không chặn xe sao? Giờ chúng tôi phải khám xe ông.”
Năm 1952, sau một đêm trắng, Agnelli lái xe với tốc độ 200km/h và đâm thẳng vào một xe tải ở Monte Carlo. Hậu quả là chân phải gãy tới 7 chỗ, bản thân ông phải nằm trên giường bệnh 9 tháng và dùng thuốc giảm đau nhiều năm sau đó. Nhưng dường như vụ tai nạn này đã lôi ông ra khỏi những ngày tháng ăn chơi. Một năm sau, khi vẫn còn phải bó bột, Agnelli quyết định cưới Marella Caracciolo di Castagneto, một người phụ nữ Italia bình thường và từ chức Chủ tịch Juventus. Sau đó, ông làm việc cho Fiat với mục tiêu đảm nhiệm vị trí của Valletta, và Agnelli đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình.
Năm 1966, sau 3 năm làm Giám đốc điều hành Fiat, Agnelli chính thức tiếp quản vị trí chủ tịch từ Valletta. Khi đó ông 45 tuổi. Với tài kinh doanh cùng quan hệ rộng, ông đã biến Fiat thành một trong những hãng xe hàng đầu châu Âu, cùng với đó là mở rộng ra các lĩnh vực như ngân hàng, may mặc, thực phẩm và cả bảo hiểm. Nhưng công việc không hề khiến Agnelli động tâm.
“Tôi không biết việc trở thành doanh nhân có thể khiến ai đó hạnh phúc hay không. Đây không phải giấc mơ, mà là nghĩa vụ.”
Thứ từng là giấc mơ của ông khi ấy là dẫn dắt Juventus trở lại đỉnh cao, thế nên ông bắt đầu tạo sức ảnh hưởng tại đội bóng này.
Năm 1954, một năm sau ngày Gianni Agnelli từ chức Chủ tịch, vị trí này được chuyển sang cho em trai Umberto. Là một nhà điều hành xuất sắc, Umberto đã mang về tiền đạo người Argentina Omar Sivori từ River Plate và trung phong cao to người Wales là John Charles từ Leeds United. 2 cầu thủ này cùng đội trưởng Giampiero Boniperti lập thành “Bộ 3 huyền ảo” với sự kết hợp giữa kỹ thuật (Sivori), sức mạnh (Charles) và nhãn quan chiến thuật (Boniperti), đưa Juve tới 3 chức vô địch Serie từ năm 1958 tới 1961. Tuy nhiên một năm sau, Umberto từ chức, mở ra thời kỳ trầm lắng với chỉ duy nhất 1 Scudetto trong cả thập kỷ.
Những ngày tươi đẹp chỉ trở lại với vùng Piemondt khi nhà Agnelli trao quyền Chủ tịch cho Boniperti vào năm 1971. Dưới sự dẫn dắt của HLV Cestmir Vycpalek, Juve giành 3 chức vô địch chỉ trong 4 năm, chỉ để lọt duy nhất Scudetto 1974 vào tay Lazio. Tuy nhiên vào năm 1976, Juve ăn một cú đấm vào giữa mặt khi Torino lên ngôi vô địch, và họ quyết định sa thải HLV Carlo Parola để bổ nhiệm Trapattoni.
Boniperti là người đã nói chuyện với Trappatoni về công việc này. Trong lần đầu tiên Gianni Agnelli gọi cho Trapattoni thì vị tân HLV còn đang ngủ, nhưng trong các lần sau ông đều nhấc máy.
Tất nhiên Agnelli gọi điện là có mục đích của mình: Ông muốn biết mọi thứ. Khi nói chuyện, ông sẽ hỏi dồn dập Trappatoni về các cầu thủ, ai đang vào phom, ai chơi không tốt. Trappatoni cũng vui vẻ trả lời, và càng vui hơn khi biết rằng cuộc sống riêng của Agnelli chẳng ăn nhập lắm với truyền thống của Juventus. Nhà Agnelli điều hành đội bóng như một doanh nghiệp, với mệnh lệnh và sự lạnh lùng. Cùng với đó, Trapattoni cũng nhận ra rằng mọi cuộc trò chuyện của ông đều không bị tiết lộ với báo chí, bất chấp việc nhà Agnelli sở hữu 2 đầu báo lớn nhất nước Ý.
Một điều nữa khiến Trapattoni hài lòng là chất lượng đội hình. Cũng như việc Agnelli có một khẩu vị độc đáo trong nghệ thuật và thời trang, đội bóng của ông cũng thường chọn đúng cầu thủ mình cần. Trong vài năm trước, Juve đã mang về thủ môn xuất chúng Dino Zoff từ Napoli, trung vệ dũng mãnh Claudio Gentile từ Varese, cầu thủ hào hoa Gaetano Scirea từ Atalanta và cả tiền vệ toàn năng Marco Tardelli từ Como. Sau đó, Trapattoni yêu cầu, và có được hậu vệ cánh Antonio Cabrini của Atalanta, tiền vệ cần mẫn Romeo Benetti từ AC Milan và tiền đạo đầy tốc độ Roberto Boninsegna từ Inter. Một vài thương vụ do đích thân Agnelli đàm phán, và đó là tiền đề tạo ra mối quan hệ bền chặt với Trapattoni.
Trước mùa giải, CLB Juventus có chuyến thăm hàng năm tới Villar Perosa – dinh thự của gia đình Agnelli, nơi Gianni và cả đội có dịp đi dạo và trò chuyện cùng nhau. Sau đó, ông xem một trận đấu giữa đội một và đội dự bị và đưa ra vài lời góp ý về chiến thuật và dùng người. tuy nhiên Trapattoni nhấn mạnh Agnelli không bao giờ ra lệnh phải làm cái này cái kia, chỉ thỉnh thoảng ông nói là “điều quan trọng”. Agnelli rất thích trò chuyện với các cầu thủ và đối xử với họ rất chừng mực. Nếu không gọi điện vào buổi sáng, ông sẽ tới tận sân tập bằng trực thăng, leo xuống và nói chuyện. Sau đó ông sẽ quay sang Trapattoni và hỏi ông tính dùng ai vào Chủ nhật này.
Trapattoni thừa biết Agnelli thích ai, nhưng nói với L’avvocato rằng một trong những cầu thủ mà ông ấy thích phải ngồi dự bị thì không phải ý hay lắm. Thay vào đó, Trapattoni sẽ cố tình lập lờ. “Cậu ta hả? Vâng, chúng tôi đang đánh giá tình trạng thể lực…” Mùa giải đầu tiên thành công ngoài mong đợi với Trapattoni. Juve đánh bại Torino để lên ngôi vô địch Serie A, đồng thời họ cũng giành UEFA cup sau khi vượt qua Manchester United. Mùa tiếp theo, Juve bảo vệ thành công Scudetto. Là một trong những CĐV nổi tiếng nhất của Juve, Agnelli tỏ ra rất hạnh phúc trên khu VIP.
Nhiều người tự hỏi làm thế nào mà Agnelli có thời gian để vừa điều hành Fiat vừa theo chân Juve, nhưng đó là bởi họ đã đánh giá quá thấp tình yêu vào cuộc sống của ông. Từ khi còn trẻ, Agnelli đã ngủ rất ít và hay tỏ ra buồn chán. Ông thường tới thăm 3 thành phố chỉ trong 1 ngày – Rome, Paris, London – rồi trở lại Turin. Ngoài ra ông cũng hay lui tới New York chủ yếu là để mua các tác phẩm nghệ thuật, tới vùng Riviera của Pháp để bơi thuyền và St. Moritz để thả mình với các trò mạo hiểm trên núi. Bạn bè của ông cũng thường xuyên phải thích nghi với thói hay thay đổi này.
“Phải nhớ là ông ấy không bao giờ ở một nơi nào quá lâu.” – Hoàng tử Nicolo Pignetelli nói. “Tôi từng tới Châu Phi với ông ấy trong khoảng nửa giờ, trước khi ông ấy nói rằng nơi đó quá nóng và lập tức quay trở về nhà tại Alps chỉ 2 tiếng sau đó. Vậy là từ một nơi phải cần quần áo mùa hè, chúng tôi lại tới nơi cần đồ ấm mùa đông.”
Tuy nhiên cuối những năm 70, Agnelli phải chăm lo cho nhiều thứ quan trọng hơn Juve. Thập kỷ đó Fiat đứng trước muôn vàn khó khăn, khi giá dầu tăng cao cùng sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Nhật Bản đã khiến doanh thu của họ tụt không phanh, và điều đó buộc Agnelli phải bán 10% cổ phần của mình cho Lafico, một doanh nghiệp đầu tư nhà nước của Libya dưới quyền điều hành của Tướng Gaddafi. Bên cạnh đó ông cũng đau đầu về nạn khủng bố trong nước. Nhóm khủng bố cực đoan có tên “Lữ đoàn đỏ” khi ấy liên tục tiến hành những cuộc bắt cóc và sát hại các doanh nhân và chính khách, một trong số các nạn nhân có Aldo Moro – Cố Thủ tướng mà chúng đã ám sát năm 1978. Agnelli có lý do để lo lắng cho sự an toàn của bản thân, bởi 4 lãnh đạo cao cấp của Fiat đã bị bắn chết trong thời gian này.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Agnelli sợ bọn khủng bố. Khi mà các doanh nhân lũ lượt trốn khỏi Italia, thì ông lại tin rằng bản thân mình – ông chủ của Fiat – trái tim của nền kinh tế quốc gia – phải ở lại Turin. Ông từ chối sống dưới sự bảo vệ của các vệ sĩ, bước đi hiên ngang ở trung tâm thành phố và tới xem Juventus chơi bóng, cùng với đó là việc lái xe Fiat đi làm – điều rất hiếm thấy từ trước tới nay. Nhưng ít tai biết rằng khi ấy Agnelli đã ngầm gắn động cơ xe Ferrari vào xe để nó có thể chạy nhanh hơn bình thường. Theo ký giả Taki Theodoracopulos, đã có lần bọn khủng bố đuổi theo Agnelli trên đường như không thể bắt được ông.
Sau những hiểm họa khủng bố là đến vấn đề công đoàn. Các công nhân Fiat – đa số là tầng lớp nghèo ở vùng phía Nam Italia – biểu tình để đòi điều kiện làm việc tốt hơn. Do tình hình kinh doanh xe cộ giảm sút, Fiat thông báo họ sẽ phải cắt giảm 10.000 công nhân, và tới năm 1980, vấn đề lên tới đỉnh điểm khi các nhân công dựng các rào chắn trước nhà máy, và đinh công suốt 5 tuần lễ. Trapattoni cũng cảm nhận được bầu không khí căng thẳng này, bởi khi đề nghị mua cầu thủ nào với Agnelli, ông thường được nhắc rằng nên tìm một phương án rẻ hơn. Agnelli giải thích rằng, Juventus không nên chi nhiều tiền để mua cầu thủ vào thời điểm nhiều công nhân Fiat mất việc.
Đáp lại sự giận dữ của công đoàn, Agnelli đã có những hành động xoa dịu thích hợp. Fiat đứng ra xây trường học và trả tiền trợ cấp cho rất nhiều công nhân bị cắt giảm, điều đó giúp cho Juve dù là đội bóng bị ghét nhất nước nhưng cũng là đội được yêu mến nhất. Rất nhiều công nhân tham gia biểu tình tại các công xưởng của Fiat cũng bắt đầu theo dõi Juventus vào mỗi Chủ nhật, và cuối cùng tới tháng 10/1980, một nhóm 40.000 công nhân Fiat đã tới Turin để yêu cầu được đi làm trở lại. Chiến dịch xoa dịu này đã phát huy hiệu quả tích cực và mở cánh cửa đến với thập kỷ mới – thời kỳ mà cả Fiat lẫn Juventus đều tỏa sáng.
Vào thời điểm Fiat chìm trong các cuộc đình công, Juve cũng liên tiếp thất bại, phần lớn là bởi chính sách cấm cầu thủ nước ngoài của Serie A, điều mà Agnelli vẫn luôn miệng nguyền rủa. Nhưng tới năm 1980, khi lệnh cấm này được gỡ bỏ, Juve lập tức mang về tiền vệ kiến thiết Liam Brady từ Arsenal. Điều này lập tức phát huy hiệu quả: Brady tỏa sáng giúp Juve giành Scudetto ngay trong mùa giải đầu tiên của mình.
Năm 1981, Juve tiếp tục đưa về tiền đạo sát thủ Paolo Rossi, bất chấp việc cầu thủ này bị treo giò 2 năm vì dính líu tới việc dàn xếp tỉ số trong scandal Totonero. Khi này, mỗi đội được phép mua 2 cầu thủ nước ngoài, thế nên Juve đã mang về Zbigniew Boniek, một trong những chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Ba Lan. Khi mùa giải sắp khép lại, Juve và Fiorentina đang cạnh tranh ngôi vô địch, Agnelli để mắt tới Michel Platini, tài năng sáng giá người Pháp sẽ hết hạn hợp đồng với St. Etienne mùa hè năm đó. Cuối tháng 4, Platini cùng người đại diện bí mật bay tới Turin, họ lặng lẽ ra khỏi sân bay, leo lên một chiếc limousine chống đạn – bởi nhóm “Lữ đoàn đỏ” vẫn đang lẩn khuất đâu đó. Hai người gặp Boniperti và hoàn tất hợp đồng.
Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc Juve thừa ra một cầu thủ nước ngoài. Thế nên chỉ 3 ngày sau khi có thông báo gia hạn hợp đồng, Brady lại nhận quyết định sẽ bị bán. Theo Brady, điều đã khiến Agnelli đưa ra quyết định này là thất bại của Juve tại vòng 2 Cúp C1 trước Anderlecht.
“Cúp C1 như Chén thánh, họ không thể cho là mình bằng vai phải lứa với những đội bóng như Real Madrid nếu chưa vô địch giải này. Inter và AC Milan vượt qua Juventus bởi họ đã giành Cúp C1, và đó là mối trăn trở với gia đình Agnelli”.
Nhưng mùa giải đó vẫn chưa khép lại. Tại vòng cuối cùng của Serie A, Juve đã vượt qua Fiorentina nhờ hệ số bàn thắng khi họ làm khách của Catanzaro. Juve được hưởng phạt đền khi trận đấu chỉ còn 15 phút, và Brady là người ghi bàn, trong khi đó Fiorentina chỉ có 1 trận hòa 0-0 trước Cagliari, và Bianconeri có Scudetto thứ 20.
Mùa hè năm đó, Brady rời turin với 2 chức vô địch Serie A chỉ sau 2 năm.
“Những gì xảy ra với tôi trong những ngày cuối cùng tại Juventus là rất khó hiểu, nhưng giờ thì tôi cũng hiểu được. Khi ấy tôi đã bị shock, nhưng đó là điều không thể khác được. Có một cầu thủ nước ngoài mà Agnelli muốn có – đó là Platini – và một khi Agnelli đã muốn thì ông ấy sẽ có được.”
Mùa hè năm 1982, sau khi ĐT Italia giành chức vô địch World Cup, Juventus bắt đầu mơ về cú đúp Serie A và Cúp C1. Nhưng đầu mùa giải những lo lắng bắt đầu xuất hiện khi Platini tỏ ra không mấy hòa nhập. Tiền vệ này bị cô lập, bị các đồng đội gọi là “gã người Pháp” chứ không phải bằng tên Michel. Ngoài ra, bản thân Platini cũng không đẹp đẽ lắm khi xuất hiện trước báo giới bởi chứng mất ngủ và nghiện thuốc lá. Nhưng theo lời Trapattoni, một khi bước ra sân thì Platini trở thành một người mà ông trước nay chưa từng thấy. Dù đá ở hàng tiền vệ, song Platini lại trở thành vua phá lưới Serie A ngay trong năm đầu tiên với 16 bàn thắng, và năm 1983 có Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp.
Agnelli vẫn luôn ưa thích các cầu thủ nhanh nhẹn và sáng tạo, thế nên ông thường xuyên trò chuyện với các cầu thủ này. Ông gọi Boniek là “Bello di note” – tức vẻ đẹp ban đêm –bởi tiền đạo này luôn chơi rất hay trong các trận đấu diễn ra buổi tối, nhưng cũng có thể ông thấy rằng cầu thủ này chơi không tốt vào ban ngày. Nhưng Platini là một trong số ít người dám đáp trả Agnelli.
Mặc dù có tài năng của Platini, song mùa giải đó Juve lại trắng tay. Họ kém AS Roma 4 điểm, và bại trận trước Hamburg ở Chung kết Cúp C1 với bàn thắng sớm của Felix Magath. Thất bại đó như một cái tát với Trapattoni, và ông nói với Boniperti về ý định từ chức. Không nghĩ ngợi nhiều, Boniperti bảo ông đợi cho một ngày. Sáng hôm sau, Trapattoni đọc báo và thấy Agnelli trả lời với các phóng viên rằng “Trapattoni đang, và sẽ tiếp tục là HLV của chúng tôi.”
Không ai dám nhờn với L’avvocato.
“Ông ấy khiến mọi người phải câm miệng, bao gồm cả tôi”.
Niềm tin của Agnelli với Trapattoni đã mang lại kết quả tuyệt vời. Trong 3 mùa giải tiếp theo, Juve giành 2 Scudetto, cùng với đó là Cúp C2 năm 1984, và rốt cuộc là Cúp C1 năm 1985 – trận đấu bị phủ màn đen bởi thảm họa Heysel. Nhưng khi chiến thắng đã trở thành thói quen, Trapattoni bắt đầu lo lắng rằng người ta sẽ nghĩ ai huấn luyện Juve chẳng được, bởi sức mạnh của họ tới từ đội bóng và các cầu thủ chứ không phải HLV. Thế là đến năm 1986, một thập kỷ sau cuộc gọi đầu tiên của Agnelli, Trapattoni từ chức.
Nhiều năm sau, Trapattoni vẫn nói về thời kỳ hoàng kim của mình tại Turin: “Nếu là một Chủ tịch khác, tôi không biết mình có đạt được những điều đó không.”
Trapattoni sau đó trở lại Juve vào năm 1991 song không thành công như nhiệm kỳ đầu tiên. Về phần Agnelli, ông từ chức Chủ tịch Fiat vào năm 1996, khi đã 75 tuổi. Boniperti thì rời khỏi Juve năm 1990, và quyền điều hành đội bóng được chuyển cho Roberto Bettega, Antonio Giraudo và Luciano Moggi. Sau này, Carlo Ancelotti – HLV của Juve trong giai đoạn 1999-2001 – viết rằng Agnelli chưa bao giờ qua lại thân thiết với bộ ba nói trên. Hệt như khi còn là một cậu bé 8 tuổi, Gianni Agnelli vẫn thích xem các ngôi sao mặc áo sọc trắng-đen chạy trên sân cỏ hơn.
Thậm chí tới khi qua đời vào năm 2003, Agnelli vẫn thường gọi cho Trapattoni, cũng như các HLV và cầu thủ Juventus. Antonio Conte sẽ không bao giờ quên cái đêm tháng 12 năm 2000, khi Juve mới đá trận đấu cuối cùng trước dịp Giáng sinh. Conte và một người bạn tên là Adriano vi vu khắp thành Rome, về khách sạn lúc 5h sáng và nằm vật lên giường. Một lúc sau thì điện thoại đổ chuông. Adriano – trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê – với tay ra cái điện thoại.
“Xin chào?”
“Xin chào, đây là nhà Agnelli. Có phải ông Conte không ạ? L’avvocato muốn nói chuyện với ông.”
Adriano để loa ngoài và đưa máy cho Conte. “Không biết là trò đùa hay thực sự là L’avvocato Agnelli đi nữa, thì có người muốn nói chuyện với cậu này.”
Conte bật dậy và nhìn đồng hồ: 6h30 phút. “Đưa tớ điện thoại ngay!”
“Vâng, xin chào… Conte đang nghe ạ.”
Sau vài giây im lặng, một giọng nói quen thuộc cất lên ở đầu bên kia.
“Chào buổi sáng Conte, cậu khỏe chứ? Đừng có nói với tôi là vẫn đang ngủ đấy nhé".