Dân Việt

7 lý do không nên đốt vàng mã ngày Tết Nguyên đán

Hà Thúy Phương 14/02/2021 08:00 GMT+7
Từ ngày 23 tháng Chạp cho đến ngày Rằm tháng Giêng dân ta vẫn có thói quen mua và đốt vàng mã trong mâm cơm cúng tổ tiên. Không những đốt vàng mã tại nhà dịp đi lễ đầu năm mà tại các đền, chùa người ta cũng đốt vàng mã.

7 lý do không nên đốt vàng mã

Đã có nhiều lần ý kiến cho là nên có quy định cấm đốt vàng mã vì vàng mã là hủ tục và chính các thành viên có uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng về việc này. Nhiều người cũng khẳng định nhà Phật không có giáo huấn Phật tử về đốt vàng mã như sự thể hiện niềm tin tôn giáo.

Đốt vàng mã là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Không khí hiện nay càng ngày càng bị nhiễm độc, trong đó có sự tác động từ hàng ngàn tấn vàng mã và nhang độc đốt hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, đặc biệt là mỗi dịp năm mới.

Đốt vàng mã còn gây lãng phí cho xã hội. Trước kia đốt vàng mã chỉ là tiền, vàng thì ngày nay "trần sao âm vậy". Nhiều người còn sắm cả nhà lầu, xe hơi... với quan niệm "trên có gì thì dưới có cái đó". Người ta có niềm tin mù quáng rằng, tặng cho người âm của cải vật chất, vàng, đô la và nhiều của cải thì sẽ được người âm cho lại những thứ đó. 

7 lý do không nên đốt vàng mã ngày Tết nguyên đán - Ảnh 2.

Đốt vàng mã ngày càng biến tướng với suy nghĩ "trần sao âm vậy".

Trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường – thành viên nhóm Đình làng Việt về nguồn gốc của tục lệ đốt vàng mã và những lý do không nên đốt vàng mã. Nhà nghiên cứu này cho biết: Từ ngàn năm nay đến khi có sự hiện diện của đạo Phật ở nước ta, việc đốt vàng mã, cắt sao giải hạn, bói toán…đều là ngoại đạo (đến từ Trung Quốc), tà đạo, lai căng không nằm trong đạo thờ Mẫu, thờ Phật, thánh, thần ở Việt Nam. Tiện nói về tục đốt vàng mã ngoại đạo này, xin nêu ra 7 lý do không nên đốt vàng mã:

1 – Loại giấy tờ tạp phế phẩm để làm ra giấy tiền vàng mã đều không phải là loại giấy sạch. Không lẽ con cháu lại lấy sự bẩn thỉu, ô uế dâng lên bàn thờ thanh tịnh, linh thiêng của nhà mình hay sao?

2 – Người sản xuất và nhà phân phối đồ vàng mã vì nắm được tâm lý chẳng ai đi đếm thứ tiền này nên chẳng xấp tiền nào, ngân lượng vàng mã nào là đầy đủ cả. Không lẽ con cháu chúng ta lại dâng sự gian lận, sự toan tính (dù vô tình hay hữu ý) lên các đấng bề trên anh linh hay sao?

3 – Giá trị của thứ vàng mã này hầu như rất nhỏ nếu như không muốn nói là không có. Mỗi một cảnh giới có quy luật chi phối riêng của nó. Tiền của cõi dương gian này làm sao phù hợp với cõi "âm" vô hình. Vậy không lẽ chúng ta lại áp đặt thứ giá trị rẻ tiền này lên cõi vô hình? Liệu có "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" hay không?

4 – Vòng đời của những thứ vàng mã này rất ngắn. Hiệu lực dường như chỉ có từ ở chợ về đến nhà mình hoặc đến nơi thờ cúng, sau khi hóa đi (đốt) thế là hết, vừa lãng phí vừa vô nghĩa.

7 lý do không nên đốt vàng mã ngày Tết nguyên đán - Ảnh 3.

Đốt vàng mã là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

5 – Chặt phá cây xanh bừa bãi: Để có giấy, nhà sản xuất buộc phải thu gom thân gỗ các loại. Tuy không thuộc nhóm tứ thiết như đinh, lim, sến, táu nhưng phần lớn giấy làm vàng mã được sản xuất từ các loại gỗ tạp, thân cây gỗ có tuổi đời thấp như gỗ keo, bạch đàn, gỗ thông, rơm rạ… Chúng được nghiền ra thành bột mịn. Để tạo màu sắc sặc sỡ và đa dạng, người sản xuất phải hòa với các phẩm màu, gây mất vệ sinh, đặc biệt là nguồn nước thải. Nếu không thông qua các bể lắng, bể xử lý mà đổ ngay ra sông, suối thì gây ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các loài thủy tộc.

6 – Vấn đề ô nhiễm môi trường: Chúng ta thử tưởng tượng nếu cùng một lúc người người, nhà nhà cùng đốt vàng mã thì ta có thể ví như một rừng cây bị thiêu rụi vì sự vô minh này của chúng ta. Khói bụi và tàn của giấy vàng mã chỉ làm cho môi trường thêm gánh nặng. Chưa khi nào mà vấn đề ô nhiễm môi trường lại đáng báo động như hiện nay. Nạn hồng thủy, động đất, sự nóng lên của trái đất, băng ở Bắc cực và Nam cực đang tan chảy… Tất thảy đều là những nguy cơ hủy hoại đời sống con người. Chỉ cần chúng ta ý thức được về vấn đề này thì môi trường quanh chúng ta sẽ tránh được một nguy cơ.

7 - Sự lãng phí: Nếu chúng ta coi thứ vàng mã này là vốn thì với số tiền lãng phí hàng tỷ tỷ đồng trên được dành cho phát triển kinh tế sẽ có biết bao cơ hội việc làm được giải quyết, giá trị thặng dư của xã hội được tăng lên, đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước. Nếu chúng ta coi vàng mã là vật tài thí thì biết bao ngôi nhà tình nghĩa được ra đời, đời sống người nghèo được cải thiện, sưởi ấm biết bao tấm lòng hiu quạnh. Người xưa mình có câu: "Dù xây chín bậc phù đồ (stupa), không bằng làm phúc giúp cho một người" hay "Cứu một người phúc đẳng hà sa"... nhưng rất tiếc là: "Tro ơi! ở lại khói bụi đi nhé!". Trước đã đốt nay lại đốt nhiều hơn.

Đốt vàng mã - việc làm vô minh

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường cho biết thêm, đốt vàng mã là một hủ tục cần được loại bỏ khỏi cuộc sống hiện nay. Nếu chúng ta có đủ sự tỉnh táo và khôn ngoan đặt ra sự so sánh: Tại sao các nước phương Tây có mê tín, đốt vàng mã đâu mà sao đất nước họ lại phát triển và văn minh đến thế, vượt xa đất nước chúng ta hàng trăm năm (văn minh). Chuyện giàu nghèo đâu phải ở mấy đồng "bọ" này.

7 lý do không nên đốt vàng mã ngày Tết nguyên đán - Ảnh 4.

Thần thức không có hình tướng để thọ dụng các thứ vàng mã do người thân gửi cho.

Đốt vàng mã như một thứ ma lực, hấp dẫn người Việt mình đến lạ kỳ. Người người, nhà nhà cứ đến những ngày lễ, dịp Tết lại ít nhiều mua sắm thứ "vô giá" này. Phải chăng họ đang ngầm thừa nhận cõi "âm" đang tồn tại vì khi được hỏi họ đều đồng nhất cho rằng, việc gửi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ (hàng mã)… xuống cho người âm sử dụng là hoàn toàn được. 

Âu cũng là do con cháu lo cho sự thiếu thốn của các cụ. "Trần sao âm vậy", người xưa chẳng nói thế là gì. Sự xót thương nghe như có cơ sở. Tiền vàng mã càng nhiều, xe cộ, nhà cửa gửi càng to, càng hoành tráng bao nhiêu thì mức độ thành tâm càng cao lên bấy nhiêu. Sự thừa nhận có tồn tại của cõi âm tuy chưa có cơ sở khoa học chứng minh cụ thể nhưng cứ người nọ rỉ tai người kia khiến cho chủ đề này thêm phần huyền ảo, bí hiểm và kỳ bí.

Theo quan điểm của Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi cái chết diễn ra đối với một ai đó thì phần thần thức sẽ tách ra khỏi thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) theo nghiệp lực mà tái sanh vào cảnh giới tương ứng. May mắn thì được trở lại làm người hoặc siêu sanh về các cõi thanh tịnh hơn như cõi trời hay cõi Phật bằng không bị đọa vào cảnh giới của ngạ quỷ. 

Dường như khi nói về cõi âm là chúng ta nói về cõi ngạ quỷ này. Các hương linh cảm thấy đói khát về tình cảm, vật chất, nhà cửa, tiền bạc, các thói quen (hút thuốc, uống rượu, nghiện ngập, tiêm chích…), sự tham lam, ích kỷ và nhiều sự thiếu thốn, đói khát khác. Nhưng tiếc thay thần thức đó không có hình tướng để thọ dụng các thứ vàng mã do người thân gửi cho. Điều kỳ lạ là người thân càng gửi, càng ăn (thọ hưởng hay hưởng lộc) thì càng đói, càng khát càng bám víu. 

Cõi dương gian này vốn đã đầy sự khó khăn phức tạp lại hòa vào cái âm hưởng phức tạp của cõi âm nữa khiến cho sự u mê, lú lẫn của con người ngự trị, chi phối đời sống tinh thần. Vậy nên việc làm vô minh của chúng ta tưởng chừng như giúp đỡ cõi âm thì lại làm tăng thêm sự lệ thuộc, đắm chấp và khó gỡ thêm bội phần.

Quay trở lại với việc giúp các hương linh được giải thoát khỏi cõi âm u mê không gì khác ngoài sự thành tâm của những người còn sống, biết làm việc thiện để hồi hướng công đức cho những người đã khuất trong đó có gia tiên tiền tổ nhà mình. Ăn chay, niệm Phật, cúng dàng, phóng sanh, làm lành, lánh dữ là những công đức vô lượng gửi đến những người đã thác sanh, cầu mong họ sớm được vãng sinh về cõi niết bàn thanh tịnh, cõi Phật an vui. 

Hãy dùng trí tuệ để phá vỡ vô minh, dùng từ bi để đánh bại tham lam, ích kỷ. Và chỉ có từ bi hỷ xả, vô ngã, vị tha của Đạo Bụt (Phật) chân chính mới cảm hóa được muôn loài.