Dân Việt

Cúng Tất niên 2021 đúng, chuẩn nhất để gia tiên phù hộ năm mới bình an, may mắn

Nguyên (Tổng hợp) 08/02/2021 06:31 GMT+7
Cúng Tất niên ngày nào tốt nhất để gia tiên phù hộ năm mới may mắn bình an? Cúng trong nhà hay ngoài trời? Mâm cỗ cúng Tất niên gồm những gì? Văn khấn cúng Tất niên ra sao?

1. Ý nghĩa lễ cúng Tất niên

Cuối năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên là vì theo quan niệm dân gian, một vị thần sẽ cai quản một năm. Hết năm, các vị thần năm cũ sẽ bàn giao mọi việc lại cho thần mới. Do đó, cúng Tất niên là để tiễn đưa thần cũ, đón thần mới.

Lễ cúng Tất niên còn là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Họ sẽ chia sẻ với nhau những gì đã trải qua trong năm. Con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cảm tạ trời đất và các vị thần linh đã gia hộ cho gia đình có được 1 năm bình an, tốt đẹp.

Vui vẻ và hào hứng là vậy, nhưng cúng Tất niên lại gây không ít lo lắng cho các gia đình. Vì không phải ai cũng biết cúng tất niên trong nhà hay ngoài trời mới đúng?

2. Cúng Tất niên trong nhà hay ngoài trời?

Để lễ cúng Tất niên diễn ra thật trang trọng, chúng ta sẽ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. Quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên. Chúng ta nên lau chùi sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng tất cả bàn thờ trong nhà.

Nếu dư giả về tài chính, chúng ta có thể chuẩn bị thêm một mâm cúng ngoài trời. Nếu không, gia đình chỉ cần một mâm trong nhà, trên bàn thờ gia tiên là được.

Phong tục cúng tất niên chủ yếu là cơ hội gia đình sum vầy, cung kính với tổ tiên, nên không cần bày vẽ. Chúng ta chỉ cần đảm bảo sự trang nghiêm, tấm lòng và trân quý những gì đang có.

Cúng Tất niên 2021 đúng, chuẩn nhất để gia tiên phù hộ năm mới bình an, may mắn  - Ảnh 2.

Cúng Tất niên 2021 ngày nào tốt nhất?

Cúng Tất niên là nghi thức quan trọng của người Việt đã có từ ngàn xưa. Mâm cỗ này như một lời chào tạm biệt năm cũ, chờ đón năm mới với nhiều niềm vui mới, thắng lợi mới. Đồng thời, cũng là lời cảm tạ thành kính với Thần Phật, gia tiên đã che chở cho gia đình trong cả một năm qua. 

Thường thì lễ cúng Tất niên sẽ được tiến hành vào chiều hoặc tối 30 Tết (với tháng đủ, hoặc 29 Tết với tháng thiếu), trước lễ cúng giao thừa. Tuy nhiên, cũng có gia đình làm sớm hơn để phù hợp với điều kiện riêng của mỗi người.

Tùy vào mỗi gia đình mà khung giờ cúng cũng linh hoạt. Nếu có làm lễ cúng cho các vị thần linh, thì chúng ta cúng ngoài trời trước, ông bà tổ tiên cúng sau. Theo phong thủy, việc này không phạm quy tắc, miễn sao gia chủ thành tâm dâng lễ lên ông bà tổ tiên và các vị thần linh.

Tháng Chạp năm Canh Tý, có 1 số ngày tốt có để làm lễ cúng lễ Tất niên gồm:

- Ngày 28 tháng Chạp (tức 9/2/2021 dương lịch): Ngày Mậu Tý, Lục nhâm Tốc hỷ.

- Ngày 29 tháng Chạp (tức 10/2/2021 dương lịch): Ngày Kỷ Sửu, Lục nhâm Xích khẩu.

- Ngày 30 tháng Chạp (tức 11/2/2021 dương lịch): Ngày Canh Dần, Lục nhâm Tiểu cát.

Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện riêng của mỗi nhà mà có thể lựa chọn ngày cúng Tất niên sao cho phù hợp. Quan trọng nhất là lễ vật cúng phải tươm tất, gia chủ nhất tâm thành kính.

Cúng Tất niên 2021 đúng, chuẩn nhất để gia tiên phù hộ năm mới bình an, may mắn  - Ảnh 4.

Mâm cúng Tất niên gồm những gì?

Trước tiên, khi chuẩn bị cúng Tất niên, gia chủ cần phải lau chùi và trang hoàng lại bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ, có mâm ngũ quả, đèn nến, hương, hoa đầy đủ.

Mẫm cỗ cúng Tất niên thường có 2 mâm chính, một mâm cúng trong nhà và một mâm cúng ngoài trời. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn không đủ điều kiện thì có thể gộp chung thành một mâm cúng cũng được.

Tùy vào địa lý, vùng miền khác nhau mà mâm cúng Tất niên sẽ có sự khác nhau, nhưng cơ bản sẽ gồm có:

- Mâm cúng ngày Tất niên của gia đình miền Bắc có: Bánh chưng/xôi, giò lụa/giò xào, canh bóng nấu thập cẩm, móng giò hầm măng, dưa hành muối, miến nấu…

- Mâm cúng ngày Tất niên của gia đình miền Trung có: Bánh chưng/bánh tét, canh măng khô ninh xương, cá chiên/chả ram, thịt đông, gà bóp rau dăm, dưa món, giò lụa Huế, thịt heo luộc, giá chua, miến Huế…

- Mâm cúng ngày Tất niên của gia đình miền Nam có: Bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, củ kiệu, chả giò, thịt kho tàu, thịt heo luộc, nem, canh khổ qua nhồi thịt, canh măng.

Văn khấn cúng Tất niên chuẩn nhất.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính lạy:

Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần.

Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn Thần.

Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương.

Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa. Ngài định Phúc Táo quân. Các ngày Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này.

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm (chọn ngày cúng nào thì đọc ngày đó)..................

Tín chủ chúng con là :……………Ngụ tại:…………

Trước Án tọa kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới. Nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể Gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh cụ soạn, sửa lễ Tất niên, dâng cúng Thiên Địa, Tôn Thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư Linh.

Theo như thường lệ Tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, Liệt vị Gia tiên, bản xứ tiền hậu Chủ hương linh, giáng lâm án tọa, phù thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn Gia, lớn bé trẻ già, bình an thịnh vượng. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông.

Người người được chữ bình an, tháng ngày được hưởng phần lợi lộc. Âm phù - Dương trợ, sở nguyện tòng tâm. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.

Dãi tấm lòng thành, Cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.