Điều bất ngờ về lý do 1 giờ có 60 phút, 1 phút có 60 giây
T.B
14/02/2021 18:32 GMT+7
Hệ lục thập phân được áp dụng tại vương quốc Sumer cổ đại từ thiên niên kỷ thứ 3 TCN, sau đó người Babylon kế thừa. Trong tính thời gian, hệ này phân chia 1 giờ thành 60 phút và 1 phút gồm 60 giây.
Hệ đếm thời gian với 1 giờ có 60 phút, một phút có 60 giây là hệ thời gian chuẩn của thế giới ngày nay. Ít ai biết rằng điều này có nguồn gốc từ Lưỡng Hà, nền văn minh rực rỡ ở Trung Đông thời cổ đại.
Theo đó, cư dân Lưỡng Hà hàng nghìn năm trước đã sử dụng hệ lục thập phân (hệ đếm cơ số 60) làm cơ sở cho toán học và ứng dụng trong đời sống thường ngày.
Hệ lục thập phân áp dụng tại vương quốc Sumer cổ đại từ thiên niên kỷ thứ 3 TCN, sau đó người Babylon kế thừa. Khi áp dụng tính thời gian, hệ này phân chia 1 giờ thành 60 phút và 1 phút gồm 60 giây.
Trên phương diện toán học số 60 là một con số đặc biệt. Nó là hợp số có 12 ước số, bao gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10, 12, 15, 20, 30, 60, trong đó 2, 3 và 5 là số nguyên tố. Với những ước số như vậy, nhiều đại lượng liên quan đến con số sáu mươi đã được đơn giản hóa, chia nhỏ ra.
Ví dụ, một giờ có thể chia đều thành các phần 30 phút, 20 phút, 15 phút, 12 phút, 10 phút, 6 phút, 5 phút, 4 phút, 3 phút, 2 phút và 1 phút. Điều này rất tiện lợi cho việc tính toán thời gian của con người.
Hệ đếm thời gian dựa trên số 60 được các nền văn minh phương Tây tiếp thu và trở thành hệ thống tiêu chuẩn trên toàn cầu cùng với việc phát minh ra đồng hồ cơ khí có độ chính xác cao.
Ngoài việc tính thời gian, hệ lục thập phân còn có những ứng dụng quan trọng khác, tiêu biểu là góc độ (360 độ), và tọa độ địa lý (360 kinh tuyến)...