Nhu cầu này không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ xưa. Đời sống kinh tế của người dân ngày một khá giả thì nhu cầu sắm sửa, "có mới nới cũ" là chuyện thường tình. Chỉ có điều, xử lý đống "phế thải" thờ cúng sao đây?
Hồ "Hạ Đình", quận Thanh Xuân, Hà Nội, cách đây vài năm, được nhà nước quan tâm tôn tạo, lát gạch, đá viền bao quanh hồ gọn gàng, sạch đẹp để mọi người dân xung quanh được hưởng cái mát lành của không gian thoáng đãng – một trong những lá phổi của thủ đô Hà Nội. Mấy hôm nay, phần vì hồ thiếu mưa, phần vì ban quản lý điều tiết lượng nước tồn trong lòng hồ làm lộ chỏng trơ ra bàn thờ, lư hương, đèn dầu…, cơ man nào là đồ thờ cúng cũ của nhiều gia đình bị vứt quăng một cách vô ý thức xuống đó khiến môi trường hồ bị ô nhiễm và dĩ nhiên, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, khó coi.
Vì sao có cái ách nạn này? Người nhà chùa giải thích cho các Phật tử hay các bậc thầy cúng, thầy bói khuyên các con nhang đệ tử của mình vứt đồ thờ cúng, chân nhang và đồ vàng mã đã hóa xuống sông, hồ, ao…, với tư duy, miễn là chỗ nào có nước để hương linh, vong linh nhà mình được mát mẻ? Nhưng mát mẻ đâu chưa thấy, chỉ thấy ô nhiễm môi sinh, nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Xét về mặt tâm lý xã hội người Việt ta nói chung, trong ngũ hành tương sinh, tương khắc, thủy có chức năng khắc hỏa, nghĩa là lấy nước dập lửa là đúng về mặt nguyên lý.
Vứt đồ thờ cúng xuống ao hồ, sông ngòi, giải pháp này chỉ để thỏa mãn lòng tự lợi, đặt lợi ích của bản thân mình lên trên hết mà quên đi yếu tố lợi tha, nghĩa là đặt lợi ích của môi trường, của cộng đồng người xung quanh mình lên trên. Thân chủ chỉ nhìn thấy cây mà chưa nhìn thấy rừng, nhìn thấy cái tôi chứ chưa nhìn thấy cái ta, vị kỉ mà chưa vị tha. Nhìn lối sống bừa bãi, ưa "gắp lửa bỏ tay người", đùn đẩy, không tự chịu trách nhiệm, vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Nói có vẻ hơi nặng lời dành cho những ai có những hành vi vô lối, vô kỉ luật như vậy. Nhưng cứ thử hỏi, nếu ai ai cũng "giam cầm" lối tư duy vô trách nhiệm ấy thì xã hội ta bao giờ mới đạt đến chuẩn "văn minh đô thị". Hà Nội là thủ đô của cả nước mà không chỗ nào là không ô nhiễm môi trường, không vứt rác bừa bãi. Còn nếu xét trên phạm vi cả nước thì sao, những người thiện tâm, lòng trắc ẩn liệu có đau lòng không?
Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường cho biết: Ứng xử với người đã khuất là một câu chuyện tế nhị nhưng cũng hàm chứa sự minh triết cao siêu. Những đồ thờ cúng thay thế, cái nào còn dùng được thì dùng, không dùng được nữa thì hoặc là đem gói gọn vứt vào thùng rác, hoặc là cất đi để con cháu sau này còn có cái mà dùng hoặc cất giữ làm đồ cổ (để lâu cũng quý lắm vì nó (kỷ vật) nói lên tính thời gian – niên đại và sự chắt chiu trong đó).
Những thứ vàng mã, chân hương được hóa đi, hoặc được trộn với đất trồng cây nhà mình, hoặc được gói gọn vứt vào sọt rác cho gọn gàng, sạch sẽ. Khi hóa đồ cũ bỏ đi nhớ lâm râm khấn niệm mời Tổ tiên ông bà nhà mình ngự ở bàn thờ mới, đồ vật dụng mới sắm nhớ phải tẩy bằng nước sạch, đập gừng bỏ vô cho thơm. Tổ tiên sẽ chứng cho tấm lòng thơm thảo của con cháu mà không còn đắm chấp đồ cũ nữa. Quan trọng bậc nhất vẫn là cái Tâm của con cháu dành cho gia tiên tiền Tổ, không chuộng phần hình thức nhiêu khê, bày vẽ.
Ngưỡng vọng Tổ tiên là cái trân quý, cần được bảo tồn và phát huy nhưng phải văn minh, khoa học, và đặc biệt chúng ta phải biết giữ gìn môi sinh được xanh, sạch, đẹp để chúng ta được hưởng và vì tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Làm được như thế, ắt Tổ tiên của chúng ta cũng nở nụ cười mãn nguyện nơi chín suối.