Tam quốc diễn nghĩa: Hai câu nói ẩn chứa triết lý sâu xa nhất của Gia Cát Lượng.
Những câu nói của Gia Cát Lượng cũng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc và cũng không khỏi khiến cho người ta thương cảm.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, khi Gia Cát Lượng nói "Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi", là khi phạt Ngụy vốn đã trở thành điều không tưởng, rồi sau đó ông chết ở gò Ngũ Trượng.
"Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi" – Đó chính là tôn chỉ của Gia Cát Lượng khi phò tá nhà Thục Hán, đó không phải là ngu trung, mà thực ra đó mới chính là một người thấu hiểu mệnh trời và biết rõ sứ mệnh thật sự của mình.
Điều này đã nói rõ một điều rằng Gia Cát Lượng quả thực đã biết phò tá Lưu Bị thống nhất giang sơn là điều không thể. Đây chính là thiên ý, bản thân chỉ có thể gắng sức cho đến lúc chết mà thôi. Cách nói này không khỏi khiến người ta có phần thương cảm nhưng đó lại là sự thật.
Lão Tử đã từng giảng: "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo và Đạo thuận theo tự nhiên". Gia Cát Lượng là một người tu Đạo từ bé nên hết sức thấu hiểu được điều này.
Gia Cát Lượng dốc hết sức lực phò tá cha con Lưu Bị. Ông đã sáu lần ra Kỳ Sơn, nhưng vẫn phạt Ngụy thất bại. Trong hồi 103 Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng vắt hết óc, tỉ mỉ sắp đặt để cho cha con Tư Mã Ý đi vào phía trong cốc, đồng thời dùng củi khô và bó đuốc lấp đầy miệng hang, cho phóng hỏa và mìn nổ cùng một lúc.
Cha con Tư Mã Ý cùng quân Ngụy không còn biết tiến thoái đường nào nữa, lại còn gặp phải lửa cháy khắp nơi. Đúng lúc đó cuồng phong gào thét, mưa như trút nước, lửa cháy trong cốc đều bị mưa to làm tắt hết.
Cha con Tư Mã Ý thừa cơ phá vòng vây chạy ra, lúc này Gia Cát Lượng chỉ còn biết ngửa mặt lên trời thở dài nói: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, không thể cưỡng ép!". Câu nói này khiến người ta không thể không cảm thấy thương cảm.
Một câu nói đơn giản nhưng đã nói hết ra huyền cơ về sự thành công nơi thế gian. Dường như Lưu Bị xưng đế, Tôn Quyền chiếm lĩnh một phương, Tào Tháo thao túng thiên tử hiệu lệnh chư hầu, Quan Vũ bại trận đến Mạch Thành… hết thảy đều là ý trời.
Dù có tài "trên thông thiên văn dưới tường địa lý" ra sức xoay chuyển tình thế, thì cũng địch không lại ý trời. Bởi vậy có thể thấy được, một người vì mục tiêu của mình mà cố gắng thì cũng chỉ đạt tới trình độ có hạn mà thôi, mà cái 'thiên' trong thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới là yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến con người, đó mới là điểm mấu chốt để quyết định một việc thành hay bại.