Dân Việt

Chuyện về đội cứu hộ giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội

Gia Khiêm 14/02/2021 09:26 GMT+7
Đêm buông xuống cũng là lúc đội cứu hộ Fas Angel tỏa đi nhiều con phố ở Thủ đô với một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, đó là giúp những người không may bị tai nạn giao thông hoặc gặp sự cố khác trên đường.

"Tôi từng bị người đi đường bỏ rơi khi gặp nạn"

Đêm khuya 1 ngày cuối năm khi Tết đang cận kề, vẫn như mọi ngày, anh Phạm Quốc Việt (33 tuổi) cùng một số cộng sự tập trung ở số 42 Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) chuẩn bị hành trang lên đường làm nhiệm vụ đi tuần, trực sơ cấp cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông.

Anh Việt là đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel và cũng chính anh đã lập nên đội cứu hộ này từ tháng 9/2019 với thông điệp "Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi".

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 1.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 2.

Màn đêm buông xuống, Phạm Quốc Việt cùng một số cộng sự tập trung ở số 42 Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) chuẩn bị hành trang lên đường làm nhiệm vụ đi tuần, trực sơ cấp cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông.

Kể về ý tưởng thành lập đội cứu hộ, anh Việt cho biết, năm 2016, anh Việt bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến anh ngất luôn tại chỗ. Khi tỉnh lại, toàn thân chàng trai trẻ như Việt bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc tỉnh táo nhưng vẫn không có ai giúp đỡ.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 3.

Anh Việt từng là nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông được cứu giúp nên đã nảy sinh ra đội cứu hộ FAS Angel.

"Tôi bị người đi đường bỏ rơi khoảng 15 phút. Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng khi bản thân mình là một nạn nhân như thế. Trong thâm tâm lúc đó, tôi muốn những người đi qua đường hãy dừng lại để giúp đỡ mình nhưng tôi hoàn toàn bất lực trước dòng người. May mắn thay, cuối cùng cũng có một người qua đường quyết định dừng xe và đưa tôi đi cấp cứu, khiến tôi luôn nhớ mãi và biết ơn", anh Việt kể lại.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 4.

Nhóm của anh Việt tham gia cứu giúp người gặp nạn trên đường Nguyễn Trãi.

Năm 2017, khi xe ôm công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, anh Việt đăng ký tham gia. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối, vừa chở khách kiếm tiền, vừa chú ý quan sát, phát hiện chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông, có người bị thương, anh sẽ hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu.

Khi nhìn vào ánh mắt của những người gặp nạn, anh lại hồi ức về lần tai nạn ở Tuyên Quang. Đây cũng là động lực để anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng, dành thời gian thành lập đội tình nguyện FAS Angel (First Aid Support Angel) vào tháng 9/2019 với thông điệp "Không bỏ rơi ai cả".

Đội cứu hộ cứu giúp hơn 3000 người, nhận 23 lời cảm ơn….

Lúc đầu đội tình nguyện có 5 người tham gia. Mọi người đều là tài xế xe ôm, shipper bình thường. Cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 75 người tham gia. Trung bình mỗi ngày đội cứu hộ đã sơ cứu khoảng 8 – 12 ca, chủ yếu vào các giờ cao điểm và đêm. Công việc chính của đội là sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, chờ lực lượng chức năng đến xử lý. Mọi chi phí đi lại, trang bị dụng cụ, y tế sơ cứu vết thương đều từ tiền túi của thành viên.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 5.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 6.

Các thành viên học cách sơ cứu người gặp nạn do anh Việt hướng dẫn.

Các thành viên trong đội đều được đào tạo sơ cứu một cách bài bản, thường xuyên tổ chức các buổi dạy sơ cấp cứu miễn phí, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức chuyên về kỹ năng sơ cứu. Đội được chia thành từng nhóm, túc trực tại nhiều địa điểm khác nhau để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 7.

Chiếc xe máy chuẩn bị sẵn đồ cứu hộ lên đường bất cứ lúc nào nhận được thông tin.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 8.

Anh Việt lập đội cứu hộ với phương châm: "Không bỏ rơi ai cả".

"Các thành viên chia ca trực, khoảng 3,4 người mỗi đêm, được tôi quản lý, điều phối bằng một phần mềm trên điện thoại. Đến 21h30, mọi người lại gặp mặt tại 42 Nguyễn Xiển để họp, kiểm tra lại đồ đạc như băng gạc, cồn sát trùng, nước muối sinh lý… trước khi toả đi các tuyến đường", anh Việt thông tin.

Khi có tai nạn, các thành viên sẽ tiếp cận được hiện trường báo tin về. Khi nhận tin, căn cứ định vị, đội trưởng sẽ biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, từ đó trực tiếp điều phối họ tới sơ cứu nhanh chóng trong trường hợp xe cứu thương 115 không kịp đến.

Với thu nhập ít ỏi của nghề xe ôm, hàng tháng, anh Việt và các anh em thuộc đội FAS Angel vẫn sẵn sàng trích ra từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày để mua băng gạc, các dụng cụ y tế phục vụ cho công việc thiện nguyện mỗi đêm của mình.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 9.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 10.

Bất kể ngày hay đêm, đội cứu hộ sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn miễn phí.

Kể về những lần cứu người căng thẳng, anh Việt nhớ lại, có những hôm trắng đêm cứu hộ vì chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã nhận tới 4 vụ va chạm, nhiều người bị thương trên toàn thành phố. 

"Đến hiện trường, chúng tôi sợ nhất nạn nhân không trong tình trạng tỉnh táo. Nhiều người không biết thao tác sơ cứu nhưng lại hướng dẫn cách sơ cứu của họ và gần như quan điểm của họ đi ngược lại cách tôi làm.

Đôi khi, tôi rất đau lòng vì không thể cứu được những nạn nhân bị nặng. Những phút giây đó, tất cả đều thấy nghẹn lòng, có cảm giác bất lực nhưng với một niềm tin nào đó, tôi tin rằng họ cũng được an ủi phần nào khi có đội cứu hộ ở bên cạnh", anh Việt bày tỏ.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 11.

Chính sự ủng hộ của gia đình, những người trong đội cứu hộ giúp anh Việt thêm động lực cố gắng làm công việc này.

Làm công việc cứu giúp người này ban đầu không ai biết, nhiều người hỏi anh "Mày đi làm có nhiều tiền không? Sao suốt ngày đi con xe cũ nát như vậy?... Những câu hỏi đó khiến anh Việt không biết trả lời thế nào. Trong thâm tâm anh chỉ nghĩ đến công việc thầm lặng mình làm. Sau này, khi biết chuyện anh tham gia đội cứu hộ giúp người, ai gặp cũng hỏi thăm, động viên khiến anh xúc động.

"Một trong những điều tôi trân trọng, tự hào đó là những người anh em trong đội hằng ngày họ vẫn đang hi sinh rất nhiều. Nhiều cuốc xe đáng lý ra họ đang chở khách kiếm tiền nhưng nghe tin người gặp nạn họ đều bỏ dở để tập trung cứu giúp người. Tôi tin những người đã, đang được giúp đỡ kia một ngày nào đó sẽ tiếp nhận được ngọn lửa ấy để giúp đỡ người khác nữa", anh nói.

Tính đến nay, nhóm cứu hộ của anh Việt đã cứu giúp, sơ cứu cho gặp nạn, nhận 23 lời cảm ơn từ những người đã giúp đỡ…. Nhưng như thế cũng đủ để anh cùng mọi người tiếp tục công việc này nhiều hơn và tốt hơn nữa.

"Mỗi lần sơ cứu cho nạn nhân tới 2-3h sáng, tôi lại lủi thủi đi về một mình... Con người sợ nhất sự cô đơn chứ không sợ gì cả. Thế nhưng khi nghe lời động viên từ chính bố đẻ 'con hãy tiếp tục cố gắng lên, bố động viên, khích lệ con…'. Điều này khiến tôi phải nỗ lực hơn trước sự tin tưởng người thân và những người ở đội tôi hiểu giá trị giúp đỡ con người là như thế nào", anh Việt bày tỏ thêm.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 13.

Công việc cứu giúp người gặp nạn có khi kéo dài đến rạng sáng hôm sau.

Chuyện về đội cứu hộ làm xuyên đêm, giúp đỡ hàng nghìn người gặp nạn trên đường phố Hà Nội - Ảnh 14.

Bùi Văn Phương vui vẻ cho biết, tham gia đội cứu trợ đến nay đã hơn 5 tháng.

Là một thành viên trong đội, anh Bùi Văn Phương (SN 2001) cho biết, công việc chính của anh là xe ôm công nghệ. Phương cũng mới tham gia đội cứu trợ đến nay đã hơn 5 tháng.

"Tôi nghe thông tin đội cứu hộ từ người bạn của tôi gia nhập trước. Bản thân tôi cảm nhận đây là một hoạt động ý nghĩa, trước đây khi đi trên đường tôi cũng gặp một số trường hợp gặp nạn nhưng không biết làm gì để giúp người ta cả. Đây cũng là một nguyên nhân tôi xin gia nhập đội. Có những hôm trời lạnh vất vả nhưng nghĩ sau lưng còn nhiều người cần được giúp đỡ lại thôi thúc anh em chúng tôi tiếp tục làm công việc này", anh Phương nói.