Cuốn sách giới thiệu với đồng đội và những người quan tâm
Thiếu tướng Hoàng Kiền kể: Khi đến thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh, tôi hỏi, dạo này thủ trưởng có đọc sách không? Đại tướng Phùng Quang Thanh nói ngay: Có chứ, phải đọc để bổ sung thêm kiến thức và rèn luyện trí nhớ của mình.
Tôi đã mang sẵn hai quyển sách, ký tặng thủ trưởng cũ của mình. Trao tặng Đại tướng cuốn sách "Trường Sơn Huyền Thoại", ông nói ngay: Anh Kiền tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam thấy hoạt động tích cực lắm.
Tôi cảm ơn Đại tướng và nói với trọng trách là Phó Chủ tịch cũng cố gắng tham gia hoạt động để phát huy truyền thống của Trường Sơn Anh hùng và làm việc nghĩa tình đồng đội.
Tôi vốn là thầy giáo cấp hai, tháng 8/1970, lên đường vào chiến trường đánh Mỹ, được bổ sung quân cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Gần sáu năm trên chiến trường Trường Sơn, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt bên nước bạn Lào, đến tháng 4/1976 tôi cùng đơn vị rút quân về nước.
Năm 1997 về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh, trong 10 năm tôi sang Lào rất nhiều lần để giúp lực lượng Công binh nước bạn, rồi được Bộ quốc phòng giao nhiệm vụ khảo sát lập dự án xây dựng công trình quan trọng ATK giúp bạn. Năm 2007 đến 2014 sang làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới, lại có dịp sang Lào nhiều lần. Tôi đã đi khắp nước Lào và xem lại các tuyến đường Trường Sơn năm xưa trong điều kiện thuận lợi hơn.
Tiếp sau là hơn 5 năm tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam với cương vị Phó Chủ tịch Hội, hoạt động tích cực, liên tục, rất nhiều lần đi thăm lại chiến trường xưa, tìm hiểu thêm các thông tin qua mỗi chuyến đi. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu, lịch sử, sách báo cả của ta và phía bên kia viết, qua đó đã hiểu thêm khá đầy đủ và sâu sắc về Đường Trường Sơn huyền thoại. Qua thực tế hoạt động và nghiên cứu, chọn lọc, được một số nơi mời đi nói chuyện về Đường Trường Sơn, tôi đã hết sức cố gắng chọn lọc, biên tập, viết nên cuốn sách này để giới thiệu với đồng đội và những người quan tâm.
Hôm đến chúc Tết và tặng cuốn sách cho Đại tướng Phùng Quang Thanh còn có ý nghĩa nữa. Cuốn sách có viết về chiến dịch Đường 9 Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971). Ngày 30/1/ 1971 cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ quyền và 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất. Với số lượng lớn binh khí kỹ thuật, gồm 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52).
Quân giải phóng đã mở chiến dịch phản công qui mô lớn. Ngày 23/3/1971 chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Trong chiến dịch này, bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa tham gia chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược cho các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra.
Đồng chí Phùng Quang Thanh đã tham gia chiến dịch này. Ngày 11/2/1971, đồng chí Phùng Quang Thanh là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Đồng chí Phùng Quang Thanh chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng đồng chí Phùng Quang Thanh diệt 8 tên.
Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, đồng chí Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng anh xin ở lại chiến đấu. Đồng chí Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo nắp cho 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội do đồng chí chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng. Qua chiến dịch này, đồng chí Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Thêm tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Cầm cuốn sách "Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam" (sách in lưu hành nội bộ) của tôi tặng, Đại tướng Phùng QuangThanh nói: Năm 1994, tôi là Cục trưởng cục tác chiến, đi cùng Thiếu tướng Đào Trọng Lịch - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đến thăm Trung đoàn Công binh 83, khi ấy anh Hoàng Kiền là Trung đoàn trưởng kiêm Giám đốc Công ty xây lắp Hải công, hai tay hai dấu, lúc ấy đơn vị là một trong những đơn vị có bể bơi sớm nhất trong toàn quân.
Đại tướng cũng kể khi ra Trường Sa cùng Thượng tướng Nguyễn Chơn, Thứ trưởng Bộ quốc phòng phụ trách về Biển đảo, được thấy những công trình do Trung đoàn 83 xây dựng rất tốt, anh em ngoài Trường Sa đánh giá rất cao sự đóng góp của Trung đoàn trưởng Hoàng Kiền đối với nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ ở Trường Sa.
Còn cá nhân tôi, với gần 16 năm công tác ở Quân chủng Hải quân cả trên cơ quan và dưới đơn vị, gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ, với quần đảo Trường Sa, đã đi khắp các đảo trên Vịnh Bắc Bộ, các đảo của Việt Nam.
Năm 1997 tôi về công tác ở Bộ Tư lệnh Công binh và trong 10 năm công tác tại đây tôi tham gia một số mặt về Công trình DK1, và chỉ đạo Kỹ thuật xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Tôi dành thời gian nghiên cứu rất nhiều về biển đảo.
Qua những năm gắn bó với Hải quân, với biển đảo Việt Nam, 45 năm đời quân ngũ, tôi được đồng đội tín nhiệm bầu làm Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Hải quân Thành phố Hà Nội; Trưởng ban liên lạc thứ hai Hội Cựu chiến binh Hải quân tỉnh Nam Định; Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Hải quân huyện Giao Thuỷ. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiên cứu về biển đảo Việt Nam, về Hải quân Nhân dân Việt Nam, góp phần cung cấp thông tin cho các hội viên.
Nhân kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam, 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam", tôi viết cuốn sách "Chủ quyền biển đảo Việt Nam ", giới thiệu một số vấn đề về Hoàng Sa - Trường Sa - DK1 có hệ thống giúp cho những người quan tâm đọc hiểu thêm, để tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam, qua đó thêm tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hôm đến thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh tôi nhớ lại, ngày 2/9/2012, khi đó Bộ trưởng Phùng Quang Thanh điện cho tôi (Thiếu tướng Hoàng Kiền - Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới) lên báo cáo tình hình xây dựng Đường Tuần tra biên giới. Nghe xong, Đại tướng nói: Ai gặp tôi cũng nói Thiếu tướng Hoàng Kiền xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, tôi sẽ chỉ đạo báo cáo lên cấp trên phong tặng danh hiệu này cho anh. Đại tướng dặn, khi tôi báo cáo thành tích nhớ báo cáo cả nhiệm vụ xây dựng Đường tuần tra biên giới và xây dựng công trình chiến đấu trên quần Trường Sa nhé.
Nhờ Đại tướng Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ đạo qua nhiều bước với những ý kiến cụ thể sát sao, đến tháng 12/2015, tôi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân do Chủ tịch nước ký tặng.