Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu cho bệnh nhân - Video tư liệu của Bệnh viện Châm cứu Trung ương
TS Thành cho biết, GS Nguyễn Tài Thu qua đời lúc gần 5h sáng ngày 14/2 (tức ngày mùng 3 Tết Tân Sửu), hưởng thọ 91 tuổi.
TS Thành tâm sự, Giáo sư Nguyễn Tài Thu qua đời là nỗi mất mát lớn của ngành châm cứu Việt Nam. Nhưng những thành tựu y học to lớn mà ông để lại vẫn tiếp tục được nhân rộng, truyền thụ qua các thế hệ, tiếp tục cứu chữa cho nhiều người bệnh.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh ngày 4/6/1931 tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông là Giáo sư bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực Đông y, đặc biệt là Châm cứu chữa bệnh. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam.
Trước khi qua đời, ông đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam.
Ông có quan hệ về khoa học kỹ thuật với 38 nước trên thế giới và là Giáo sư, Tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài. Với những thành tựu mà ông đã dày công nghiên cứu và ứng dụng, ông được mệnh danh "ông vua châm cứu", "huyền thoại sống", "thần kim"…
Tài sản lớn nhất của ông là hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận Đông y như Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm…, làm "cẩm nang" cho hàng ngàn y, bác sĩ sau này.
Đặc biệt, hai kỹ thuật Châm tê và Châm cứu cai nghiện Ma túy (được Bộ Y tế cho phép triển khai với tỷ lệ cắt cơn rất cao, chỉ có 5% đến 10% tái nghiện) do Nguyễn Tài Thu phát minh đã được giới thiệu tới gần 50 quốc gia.
Trong đó phương pháp Điện châm gây tê cho phẫu thuật của mình đã thực hiện trên 100.000 ca mổ gồm 60 loại phẫu thuật khác nhau đạt kết quả 98,3%. Ông cũng đã áp dụng thành công kỹ thuật Mãng châm với cây kim có chiều dài tới 60 cm để đi vào các huyệt sâu trong cơ thể, có hiệu quả cao trong chữa bệnh.
Trường phái tân châm do Nguyễn Tài Thu khởi xướng bắt đầu từ thủy châm. Ông nhận thấy trong khi chữa bệnh ta vẫn đưa thuốc vào cơ thể bằng tiêm thuốc vào tĩnh mạch, tiêm bắp, vậy ta cũng có thể tiêm thuốc thẳng vào các huyệt để thuốc càng có tác dụng nhanh.
Đặc biệt trường phái Tân châm do GS Tài Thu khởi xướng sử dụng kim dài châm xuyên huyệt theo đường kinh lạc hiệu quả chữa bệnh gấp nhiều lần so với trường phái khác và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân khỏi căn bệnh cấp mãn tính như thần kinh tọa, rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ, tai biến mạch máu não, cắt cơn cho người nghiện ma túy; chữa bệnh béo phì, rối loạn thần kinh thực vật, cắt cơn hen phế quản…
Năm 2000, Giáo sư đã được giải thưởng Nhà nước về công trình "Nghiên cứu phát triển lý luận và hoàn thiện kỹ thuật phương pháp tân châm trong chữa bệnh.
Cả đời Giáo sư Tài Thu đã gắn bó với cây châm, với người bệnh. Ông luôn nung nấu làm thế nào để chữa bệnh cho người dân đỡ đau đớn, đỡ tốn kém nhất.
Ông từng chia sẻ: "Châm cứu là phương pháp điều trị y học cổ truyền không tốn kém chi phí, không đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, mang đến hiệu quả cao, điều trị nhiều bệnh lý cấp và mãn tính".
Bí quyết chữa bệnh của ông không chỉ từ bàn tay vàng và những cây châm "thần kỳ" mà còn ở tình yêu dành cho bệnh nhân. Ông từng tâm sự: "Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ. Là người trải nghiệm qua gần hết phong ba bão táp cuộc đời, thậm chí có lúc phải đối mặt với đớn đau tưởng như chết đi sống lại, chính nó đã bồi tụ cho tôi thêm mạnh mẽ. Nhưng tôi là người rất dễ xúc động, dễ khóc".
Ông luôn chia sẻ, ông vui với nghề của mình. Ông chọn những cây kim để gắn bó cả đời vì những cây kim đó thể giúp bệnh nhân đỡ khổ, giúp những người ốm khỏe lại, giúp xoa dịu những nỗi đau, cứu nhiều cuộc đời...
Xin nghiêng mình tiễn biệt ông!
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, anh Lê Duy Linh – một học trò của Giáo sư Nguyễn Tài Thu đau buồn: "Thành kính vĩnh biệt thầy, Giáo sư Nguyễn Tài Thu, người thầy đáng kính dành cả cuộc đời cống hiến cho dân tộc, ân nhân của hàng vạn người bệnh hàng vạn cháu nhỏ, người thầy và cũng là tấm gương sáng cho hàng vạn bác sĩ Y học cổ truyền.
Chúng con sẽ tiếp tục gìn giữ ngọn đuốc tâm huyết mà thầy hy sinh cả đời để cống hiến cho ngành.
Sự ra đi của thầy là một tổn thất vô cùng to lớn cho ngành châm cứu, nhưng thầy vất vả cả đời rồi, đến lúc thầy phải nghỉ ngơi phải về trời thôi, thượng đế đã gọi thầy về, tạm biệt thầy!".