Đình làng Thạch Tân được xây dựng hơn 300 năm trước để tưởng nhớ công ơn những người khai sinh vùng đất này. Trải qua nhiều lần trùng tu, đình được giữ nguyên hiện trạng kiến trúc của ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, một kiểu nhà 3 gian 4 mái với 2 mái phụ 2 đầu hồi gọi là 2 chái nhà.
Trong chiến tranh chống Mỹ vào năm 1964, thực hiện nghị quyết giải phóng vùng ven đô và vùng đồng bằng, TP Tam Kỳ được chia thành 2 vùng chiến lược. Vùng đông là xã Kỳ Anh nay là xã Tam Thăng và vùng tây là huyện Phú Ninh.
Thời điểm đó, người dân và cán bộ chiến sĩ tận dụng đình làng có vị trí thuận lợi cùng yếu tố tâm linh có thể tránh sự dòm ngó của địch. Người dân địa phương đào 2 căn hầm ngay dưới nền đình để làm nơi cứu thương và chứa lương thực tiếp tế cho vùng tây bắc Tam Kỳ chống Mỹ. Quân địch bất ngờ khi quân dân ta đào địa đạo thông hai căn hầm này.
Đường vào cửa hầm chỉ một người chui lọt. Căn hầm nằm phía sau đình, trước đây dùng đá ong cùng với loại đá xây dựng bịt cửa, tránh quân địch phát hiện, nay được phục dựng bằng một tấm bê tông.
Từ hai căn hầm này, tháng 5/1965, bộ đội, du kích và người dân đào địa đạo để trú ẩn, nuôi giấu cán bộ, đến năm 1967 hoàn thành. "Trong hai năm đã đào được 32 km, rộng 0,5-0,8 m, cao 0,8-1m. Tuyến địa đạo trở thành thành trì vững chắc giúp quân dân Kỳ Anh tổ chức phản công, tập kích địch bất ngờ khi chúng càn quét", ông Huỳnh Kim Ta, Ban quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh, cho biết.
Học sinh tham quan địa đạo. Địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, nên có lần phát hiện ra địch vẫn không dám xuống. Trong làng Thạch Tân, địa đạo men theo các bụi tre, lùm bụi, cây rơm… chạy khắp xã và có miệng hầm để tránh trú dễ dàng.
Đường lên một cửa hầm. Chiến tranh kết thúc, địa đạo bị sụt lún hư hỏng nhiều. "Hiện mới có khoảng 200 m được khôi phục, đưa vào sử dụng", ông Kim Ta nói. Theo sử sách, từ năm 1965 đến 1975, quân và dân Kỳ Anh đánh địch 1.052 trận, tiêu diệt hơn 3.700 tên. 3 máy bay, 15 xe quân sự của địch cũng bị bắn rơi tại xã này.
Một lối vào của địa đạo được ngụy trang dưới cây rơm nên địch khó phát hiện.
Căn hầm chỉ huy, dọc tuyến địa đạo có nhiều hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chứa lương thực… Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Đầu tháng 6/2017, tỉnh Quảng Nam khai trương điểm du lịch di tích lịch sử này.
Một cửa địa đạo thông với nhà dân để đưa lương thực, thực phẩm xuống nuôi cán bộ chiến sĩ.
Một khẩu súng, đạn, chông, cặp lồng... trong chiến tranh được tìm thấy trong quá trình khôi phục lại địa đạo. Chúng được trưng bày tại nhà hiện vật.
Đèn dầu, hộp đựng đạn và áo quần, vật dụng của chiến sĩ.
Du khách đến tham quan đình làng Thạch và địa đạo Kỳ Anh còn có thể khám phá nghề dệt chiếu. Theo các bậc lão làng, tiền nhân của họ khi vào khai cơ lập nghiệp ở vùng đất mới này đã mang theo nghề dệt chiếu cói để vừa giải quyết một phần lao động vào những lúc nông nhàn, đem lại thu nhập.
Đình làng Thạch Tân và địa đạo Kỳ Anh cách Trung tâm TP Tam Kỳ khoảng 7 km. Mỗi năm nơi đây đón gần 20.000 khách tham quan; năm 2020 ảnh hưởng của dịch Covid-19 có hơn 8.000 khách đến. Khách có thể tham quan miễn phí.