Ông Nguyễn Ngọc Hiển kể, ngay từ khi lên 5 - 6 tuổi ông đã là một cậu bé có thể hình khỏe mạnh, do nhà ở gần bờ sông Đà, nên ngày nào ông cũng ra sông để tắm.
"Tuổi thiếu niên tôi đã sở hữu khả năng bơi lội rất tốt, mùa nước lũ con sông rộng đến 200 m, nhưng tôi vẫn có thể bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia, việc lặn xuống đáy sông sâu tới cả chục mét trong vài phút đồng hồ cũng được tôi thực hiện dễ dàng", ông Hiển tâm sự.
Ông Hiển nhận định, sông Đà là một con sông dữ, bởi khu vực này địa hình là đồi núi hiểm trở có độ dốc cao, vào mùa lũ nước chảy xiết. Đặc biệt, đoạn chảy qua thành phố Hòa Bình có đập thủy điện, việc đóng mở nước cũng ảnh hưởng đến dòng chảy, ban đầu nước sông chững lại, người tắm dưới sông cảm giác an toàn nên chủ quan. Chỉ sau vài phút, nước sông thay đổi đột ngột dâng cao thêm cả mét nước.
Với kinh nghiệm nhiều năm của ông thì việc nhận biết dòng xoáy trên sông là điều đơn giản, nhưng một người mới biết bơi lội kinh nghiệm chưa có thì rất dễ đuối nước.
Theo ông Hiển, chỉ có những người hay đi câu để ý sợi dây câu chuyển hướng do dòng chảy thay đổi mới biết được, người đi tắm bình thường thì không thể phát hiện.
"Đặc biệt, gần đập thủy điện Hòa Bình có một hố sâu tạo thành dòng nước xoáy, nước xoáy từng cơn. Đây là hố người ta hút cát để xây dựng đập thủy điện trước kia, hố sâu gần 30 m, về sau phù sa đã bồi lấp, hiện chỉ sâu khoảng hơn 10 m .
Ngày trước chúng tôi hay đi lặn gỗ ở hố này, phải dùng sào dài gắn mũi tên nhọn để thọc xuống, nếu phát hiện gỗ thì cắm sào để định vị phương hướng, rồi lặn xuống lấy gỗ lên", - ông Hiển chia sẻ.
Những năm tháng sống cạnh sông Đà, bản thân ông Hiển cũng không nhớ nổi đã bao lần ông ngụp lặn dưới dòng nước dữ để cứu vớt người.
Mỗi khi xảy ra chuyện là người ta lại nghĩ ngay đến ông, có trường hợp may mắn được cứu sống, nhưng không ít người khiến ông Hiển đau xót vì không đến kịp thời.
Ông vẫn nhớ như in, vào thứ 7 ngày 12/5/2012, một nam thanh niên trên địa bàn phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) đã ra sông tắm cùng với bạn bè thì bị đuối nước, thấy vậy người dân đã gọi cho ông.
Chỉ khoảng 20 phút tìm kiếm, anh thanh niên đã được đưa lên bờ, mặc dù làm mọi cách cứu chữa nhưng đã quá muộn, nạn nhân đã tử vong.
"Lượng người tắm ở sông Đà từ trước đến nay khá nhiều, có trường hợp đang 'giã gạo' là tôi phải bơi ra lôi vào ngay. Nhưng nhiều trường hợp không phát hiện kịp, người ta chỉ gọi tôi ra để tìm thi thể, rất tiếc nếu ra kịp thì tôi có lẽ đã cứu sống được", ông Hiển tiếc nuối.
Ông Hiển đau xót nhất vẫn là vụ việc 8 học sinh chết đuối thương tâm xảy ra vào năm 2019. Khoảng 15h35 phút chiều ngày 21/3, khi ông đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại của người thân rằng ra bờ sông cứu các cháu học sinh, chết đuối đông lắm, ông chỉ kịp đóng cửa rồi phóng xe máy tức tốc ra sông.
Lúc ông ra tới nơi người dân đứng rất đông, lực lượng chức năng cũng đã triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn và vớt được thi thể một cháu bé lên bờ.
Do đã quá quen thuộc với dòng nước, nên ông Hiển đã nhanh chóng phán đoán và xác định vị trí các nạn nhân còn lại chìm ở khu vực nào, ông nói với lực lượng cứu nạn cho thuyền bơi ra các khu vực đã nhận định.
"Nước rất trong và sâu, chỗ nông nhất cũng khoảng 4 - 5 m, tôi lặn được mấy hơi, khoảng 15 phút sau thì phát hiện ra thi thể một cháu nằm sấp, rồi tiếp tục là 2 cháu khác. Thi thể các cháu nằm rải rác, cách nhau ít nhất 10 m, có cháu cách xa chỗ tắm khoảng 70 m.
Cứ vậy, sau khoảng một giờ đồng hồ tôi và lực lượng chức năng đã lần lượt đưa được cả 8 thi thể các cháu lên bờ. Rất đau xót, nhưng cũng tìm thấy hết thi thể vì ngay hôm sau đến ngày xả nước để phục vụ cho nông nghiệp, nước rất lớn, khi đó việc tìm kiếm không hề thuận lợi.
Nhiều gia đình sau này mang tiền đến để cảm ơn, nhưng tôi không nhận, bởi tôi làm không phải vì tiền mà bằng lương tâm của mình. Đến giờ tôi vẫn thường xuyên ra sông nhắc nhở mọi người, nếu có tắm thì phải cẩn trọng, không được ra xa bờ và đoạn nước xoáy", ông Hiển nói.