Dân Việt

Thanh Hóa: Đoàn người "rồng rắn" lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm

Vũ Thượng 17/02/2021 20:08 GMT+7
Những ngày đầu năm Tân Sửu, từng đoàn người từ khắp nơi "rồng rắn" về đỉnh ngàn Nưa, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) để cầu may và vãn cảnh đầu xuân.

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, tại núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa, Na Sơn thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên, xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đông đảo du khách về cầu may và vãn cảnh đầu xuân.

Thanh Hóa: Hàng nghìn du khách lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm - Ảnh 1.

Du khách đến với Đền Nưa-Am Tiêm tuân thủ việc đeo khẩu trang để phòng chống Covid-19. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Hoàng Thị Liên (trú tại thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Năm nào gia đình tôi cũng lên đỉnh ngàn Nưa để dâng hương, cầu cho năm mới sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Năm nay, Covid-19 đang lây lan nhiều tỉnh thành nên tôi đã chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn và thời gian tham quan đỉnh ngàn Nưa cũng rút ngắn hơn so với mọi năm".

Từng đoàn người "rồng rắn" lên đỉnh ngàn Nưa để vãn cảnh, cầu may đầu xuân Tân Sửu.

Dãy núi Nưa thuộc địa phận 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) được quy hoạch với tổng diện tích 100 ha. Tại đây, khu di tích Am Tiên gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu vào năm 225-248.

Ngoài ra, trên đỉnh ngàn Nưa, ngoài Am Tiên là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật…còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, cho đến bây giờ dấu tích bàn cờ tiên vẫn đang còn.

Thanh Hóa: Hàng nghìn du khách lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm - Ảnh 3.

Giếng Tiên không bao giờ cạn, khi uống nước vào có vị ngọt. Ảnh: Vũ Thượng

 Hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được nhiều may mắn.

Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên…vì thế mà đến ngày nay, dưới đỉnh Am Tiên vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như các tiên ông xuống chợ, chuyện về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi dùng để cột voi…

Thanh Hóa: Hàng nghìn du khách lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm - Ảnh 4.

Trẻ nhỏ được bố mẹ đeo khẩu trang khi đi du xuân. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Trần Văn Thắng (trú tại thành phố Thanh Hóa) chia sẻ: "Mỗi lần đến Am Tiêm du xuân, điều quý giá nhất mà tôi nhận thấy ở đây là vẫn giữ được nét cổ kính xưa và quy tắc đền chùa, không bị thương mại hóa. Ngoài ra, không khí, môi trường, cảnh quan tại Am Tiêm khá nề nếp tạo cho tôi cảm thấy thoải mái khi du xuân đầu năm".

Thanh Hóa: Hàng nghìn du khách lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm - Ảnh 5.

Đền Nưa-Am Tiêm chốn linh thiêng. Ảnh: Vũ Thượng

Đặc biệt, trên dãy ngàn Nưa có một huyệt khí thiêng, đây được coi là nơi năng lượng vũ trụ của Trời và Đất giao hòa, cũng là một trong những "huyệt đạo" quan trọng nhất của nước Việt Nam. Năm 2009, khu di tích Đền Nưa-Am Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thanh Hóa: Hàng nghìn du khách lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm - Ảnh 6.

Đoàn người "rồng rắn" đến Đền Nưa-Am Tiêm du xuân đầu năm Tân Sửu 2021. Ảnh: Vũ Thượng

Tại khu di tích Đền Nưa-Am Tiêm cứ vào ngày mùng 9 tháng giêng Âm lịch hàng năm sẽ diễn ra lễ "mở cổng trời" thu hút đông đảo du khách. Đồng thời, các nghi lễ chính diễn ra tại lễ hội như: Rước cỗ, dâng lễ vật, tế lễ thiên địa, cúng thần linh, mong cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Thanh Hóa: Hàng nghìn du khách lên đỉnh ngàn Nưa cầu may đầu năm - Ảnh 7.

Biển hiệu tuyên truyền phòng chống Covid-19 được gắn dọc các lối đi vào Đền Nưa-Am Tiêm. Ảnh: Vũ Thượng

Tuy nhiên, nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND, trong đó yêu cầu tạm dừng các hoạt động lễ hội, sự kiện, hội nghị, hội thảo tập trung đông người khi không cần thiết. Nếu xét thấy thật sự cần thiết phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covd-19 tỉnh.