Hàng không nội địa phục hồi
Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới sẽ có 2 kịch bản phát triển. Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại; kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Dự báo ngành hàng không Việt Nam sẽ theo kịch bản thứ nhất, đó là từng bước phục hồi theo mô hình chữ V. Qua đó, Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT vẫn đang phối hợp với các hãng hàng không nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến cho các hãng hàng không đối diện với những khó khăn tăng trưởng bị sụt giảm theo phương thẳng đứng, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, Vietjet đã lỗ 2.400 tỷ đồng. Tương tự, Vietnam Airlines cũng dự kiến lỗ khoảng14.000 - 15.000 tỷ đồng.
Nhận định về việc ngành hàng không sẽ phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến, thị trường hàng không Việt Nam sẽ dần dần phục hồi trong năm 2021 và tới năm 2023 sẽ phục hồi về mức như năm 2019.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến cho các hãng hàng không đối diện với những khó khăn tăng trưởng bị sụt giảm theo phương thẳng đứng, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, Vietjet đã lỗ 2.400 tỷ đồng. Tương tự, Vietnam Airlines cũng dự kiến lỗ khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng.
Những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021, do dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành hàng không nội địa đã có phục hồi. Đây cũng chính là dấu hiệu, tin vui đối với các hãng hàng không trong việc vượt qua "khủng hoảng" và phát triển bền vững trong năm 2021.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, thời gian qua Chính phủ cũng đã rất quan tâm tới phát triển của ngành hàng không. Ngoài việc bố trí nguồn vốn nhà nước hoặc tạo cơ chế để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm cả hạ tầng giao thông kết nối và phát triển đội tàu bay cho ngành, Chính phủ đã rất quan tâm xây dựng hành lang pháp lý để tạo môi trường hoạt động ngành hàng không ngày càng thuận lợi, bổ sung hoặc sửa đổi cơ chế chính sách, thay đổi các mô hình quản lý, đảm bảo cho các tổ chức, các doanh nghiệp trong ngành hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngành, Đảng, Nhà nước và trực tiếp Bộ GTVT đã có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.
"Tuy nhiên, ngành hàng không Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Chính vì thế, cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động, tích cực thông tin trao đổi các hoạt động của mình, cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thích hợp để đảm bảo cho ngành hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, đóng góp tích cực hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân"- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không
Đáng chú ý, niềm tin vào một ngành hàng không phục hồi vào năm 2021 càng được vững chắc hơn khi tại phiên họp 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí duy trì thực hiện chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2021 để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
Theo tờ trình của Chính phủ trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay đến hết 31/12/2020.
Trước đó, ngày 27/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2020 (giảm 30% so với mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay); từ 1/1/2021 mức thuế là 3.000 đồng/lít.
Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, tiền mặt, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng. Kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro, nhiều lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng không.
Chính phủ đề nghị để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế BVMT, cùng với các giải pháp khác thì việc tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2021 là giải pháp cần thiết.
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tác động tới giảm thu ngân sách nhà nước khi thực hiện chính sách điều chỉnh giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay như tờ trình của Chính phủ là không lớn (nếu quy định mức thuế 2.100 đồng/lít thì dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 chỉ khoảng 860-960 tỷ đồng).
"Do đó, để tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các hãng hàng không, đề nghị cần điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 30% lên 50% (tương ứng với mức 1.500 đồng/lít) so với mức thuế BVMT hiện hành (mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít), theo đó mức thuế này vẫn trong khung thuế BVMT được quy định tại Luật Thuế BVMT từ 1.000 - 3.000 đồng/lít hoặc có thể điều chỉnh giảm ở mức cao hơn"- ông Hải nói.