"Người tình" Vân Hòa
Tại huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), cô Ngô Thị Mười (thường gọi là Út Mười) được nhiều người quen mặt trong các hội thi thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng, từ thiện,… Hiện Út Mười là nữ hộ sinh tại Trung tâm Y tế Sơn Hòa; thành viên Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Sông Ba (Hội VHNT Phú Yên). Cô còn là chủ thương hiệu Mắm thơm Út Mười, Vân Hòa. Nhóm những người bạn của cô còn là những nhà sản xuất, quảng bá nhiều đặc sản địa phương như các loại rượu trái đỏ, nho rừng, sim rừng, muối é Phú Yên…
"Những hướng dẫn viên du lịch tình nguyện là người có tấm lòng với quê hương. Tôi thấy họ chụp ảnh, làm clip, viết Facebook… giới thiệu về cảnh sắc, ẩm thực cao nguyên Vân Hòa rất sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, chị Út Mười và nhóm bạn còn trực tiếp làm thương hiệu các đặc sản Vân Hòa như mắm thơm, muối é rừng, rượu nho rừng, rượu trái đỏ,… Điều này đã góp phần quảng bá hiệu quả, phong phú thêm sản phẩm du lịch cao nguyên Vân Hòa".
Ông Nguyễn Thiện Tình - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Ngày 26/9/2020, tỉnh Phú Yên tổ chức khai trương tuyến du lịch cao nguyên Vân Hòa. Thế nhưng trước đó, rất nhiều người đã đến du lịch, khám phá vùng cao nguyên nổi tiếng nhất ở Phú Yên. Tại lễ khai trương, nhiều người bất ngờ khi thấy cô Út Mười đeo máy ảnh, bán các lọ mắm thơm kiêm hướng dẫn viên cặn kẽ về Vân Hòa. Đây là vùng đất gồm các xã Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định (thuộc huyện Sơn Hòa) và một phần các xã kề cận thuộc huyện Tuy An. Nằm ở độ cao 400m, cao nguyên Vân Hòa đầy nắng gió và cả sương mờ. Điều thú vị ở nơi này là khí hậu bốn mùa luôn ôn hòa dịu mát, trong khi các khu vực kề cận thường xuyên nắng nóng. Buổi sáng sương mờ giăng trên những đoạn đèo, mặt hồ, cỏ cây xanh ngút quanh năm. Chính vì vậy, cao nguyên Vân Hòa được ví như một Đà Lạt của Phú Yên.
Ngày trước, vùng cao nguyên đất đỏ Vân Hòa đã nổi tiếng với các loại cây ăn trái, giao thương mạnh với duyên hải "mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên". Ngay ngã ba khu vực Ba xã Vân Hòa là chợ Đồn sầm uất "Chợ Đồn phiên họp người đông/Thấy thơm, thấy mít sao không thấy nàng" (ca dao). Nơi đây còn có nhiều di tích, địa chỉ du lịch độc đáo. Tất cả các sắc độ, nhịp điệu, cảnh vật, con người Vân Hòa đã được cô Út Mười miệt mài thu vào ống kính, giới thiệu trên nhiều kênh thông tin.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh (Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Sông Ba) nhìn nhận: "Chị Út Mười rất chịu khó học hỏi, tay máy nhiếp ảnh đang ngày càng chín, có nhiều tác phẩm ấn tượng. Chị là người luôn nhiệt tình chăm lo hậu cần cho anh em CLB trong những chuyến đi xa sáng tác ảnh. Đặc biệt, chương trình từ thiện "Bánh chưng yêu thương" mỗi dịp tết của CLB luôn có sự vận động đóng góp tích cực của chị. Là người hiểu rõ về cao nguyên Vân Hòa - Sơn Hòa, chị đang hoạt động như một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện nhiệt thành, hiệu quả".
Út Mười cho biết, cô không cộng tác với hãng du lịch nào. Bởi còn bận công việc ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa. Thế nhưng tự nhiên cứ muốn giới thiệu những điều hay đẹp của quê hương Vân Hòa đến với mọi người. Khách của cô chủ yếu là anh em làm nghiên cứu, văn hóa, báo chí, đồng nghiệp nhờ hướng dẫn giúp cái này, giải thích cái kia. Đôi khi họ nhờ cô làm nhân vật nói vài câu trong phóng sự, hay trực tiếp chế biến mắm thơm, làm món thịt gà kho mắm thơm để quay phim, chụp ảnh. Thế nên cô trở thành một hướng dẫn viên du lịch bán chuyên vào các dịp cuối tuần, lễ tết, khá nổi tiếng trên mạng xã hội.
"Mọi chuyện đến với tôi rất tự nhiên. Tôi lớn lên tại xã Sơn Định, cao nguyên Vân Hòa. Yêu thích từng sản vật vùng khí hậu mát lành, đất đai phì nhiêu này. Bản tính ham giao du, vậy là tôi giới thiệu đến bạn bè những cái hay của quê mình. Thấy mọi người thích, tôi… làm tới. Như chụp ảnh, quay clip về các cảnh đẹp, món ăn dân dã địa phương để quảng bá trên mạng. Bạn bè thân nhờ tổ chức đi du lịch Vân Hòa, tôi cũng sẵn sàng. Rất vui khi mọi người đều thích thú khi biết đến Vân Hòa. Tôi tự hào về vùng cao nguyên đất đỏ mát lành quê mình"- Út Mười bày tỏ.
Mít nhà bỗng dưng bị rao bán
Gần đây, đọc Facebook của Út Mười, tôi thấy chuyện lạ: Cây mít trăm tuổi của gia đình cô bỗng dưng bị người ngoài tự ý rao bán. Cô viết "Gia đình tôi đứng ngồi không yên vì nhà có cây mít 100 tuổi. Gia đình không sợ mất trái mít mà sợ… cò bán cây mít. Gia đình không có nhu cầu bán cây mít, vì đây là vật thể gắn với kỷ niệm nhiều thế hệ. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người tự ý đăng bán cây mít trên các mạng xã hội. Điều này khiến gia đình gặp nhiều phiền toái khi có không ít người tới hỏi mua".
Hôm có việc đi Vân Hòa, tôi điện Út Mười dẫn xem "mặt mũi" cây mít trăm tuổi, thì được biết cô đã xuống Tuy Hòa có việc. Cây mít này nằm giữa rẫy của gia đình cô, đường đến gập ghềnh đầy trơn trượt giữa mùa mưa. Sau nhiều cuộc điện thoại cho Út Mười, tôi cũng định vị tìm đến được cây mít đó. Mùa này mít không có trái, Út Mười nói đây là cây mít ráo rất thơm ngon, gắn bó với nhiều thế hệ trong gia tộc. Theo cụ Nguyễn Văn Quang (95 tuổi, ở Sơn Định - Vân Hòa), hồi ông mới vài tuổi, cây mít này đã có tán lá xum xuê, người làm rẫy thường ngồi dưới bóng để nghỉ ngơi uống nước.
Sau đó ít lâu, Út Mười cho tôi biết kết quả vụ cây mít "bỗng dưng bị rao bán". Qua tìm hiểu, thì ra "tác giả cò bán" là một số người viết Facebook ở địa phương "thích thì rao bán, vậy thôi". Thế là Út Mười tìm đến tận nơi, buộc phải tháo gỡ các bài đăng "khơi khơi bán mít nhà người ta". Cô cũng liên hệ với chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi cho cây mít của gia đình.
"Khi tôi viết trên Facebook về cây mít trăm tuổi của gia đình bỗng dưng bị rao bán, nhiều người tỏ ra rất bức xúc. Sau đó, những người "rao bán cây mít" đều đã gỡ các bài liên quan. Thực ra, trong số này có người quen biết nên tôi chỉ dừng ở mức buộc gỡ những dòng rao "vô duyên". Dưng mà tôi cũng đang dự định cùng bạn bè thực hiện một sản phẩm du lịch tại khu rẫy có cây mít trăm tuổi của gia đình. Chắc chắn sẽ thu hút du khách". Tôi thầm nghĩ: "Cô Út Mười lại bày kế quảng bá du lịch Vân Hòa".