Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) bao năm qua nổi tiếng linh thiêng. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết, người dân đổ về đây cầu tài, cầu lộc đông nghịt. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nơi đây phải tạm đóng cửa, dừng đón khách. Không khí xung quanh phủ Tây Hồ vắng vẻ, lạ thường. Thi thoảng có một nhóm người là dân công sở, giới kinh doanh, người dân… tới vái vọng rồi rời đi.
Do vắng người đi lễ, hàng quán quanh phủ Tây Hồ không có khách. Nhiều gian viết sớ, bán hoa… phải đóng cửa. Buôn bán đồ lễ ở ngay cổng phủ Tây Hồ đến nay đã 40 năm, chưa bao giờ bà Liên (63 tuổi) lại chứng kiến cảnh vắng lặng tới vậy. Cả ngày không có một khách nào hỏi han, bà Liên gác chân chợp mắt ngủ.
Bà Liên cho hay, vào ngày đi làm đầu tiên của năm mới, bao giờ phủ Tây Hồ cũng đông. Khắp các ngả đường dòng người nườm nượp vào phủ đi viếng. Cửa hàng đồ lễ của bà Liên hoạt động liền tay, không ngừng nghỉ từ sáng cho tới tối.
"Mùng 1 Tết phủ Tây Hồ đã đông lắm rồi nhưng ngày mùng 6 Tết bao giờ cũng đông nhất. Ngày này tôi phải nhờ con cháu ra phụ tay bán hàng giúp. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phủ Tây Hồ đóng cửa dừng đón khách, có khi cả ngày chẳng ai hỏi gì. Chưa bao giờ nơi đây vắng khách thế này", bà Liên chia sẻ.
Theo bà Liên, năm trước cũng bị ảnh hưởng bởi dịch tuy nhiên thời điểm đầu năm phủ Tây Hồ không bị đóng cửa. Lượng người đổ về đây rất đông. Năm nay, dịch bệnh phức tạp nên tâm lý bà xác định, không buồn rầu vì vắng khách. Bà mong dịch bệnh sớm đẩy lùi để mọi người có thể yên tâm đi lễ.
"Dịch bệnh nên người dân một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh không ai lên đây. Những năm trước, người dân các tỉnh đổ về đây rất đông. Hàng quán khoe màu rực rỡ, bán luôn tay luôn chân không lúc nào nghỉ. Cả cái Tết không có thời gian nghỉ ngơi. Giờ nhiều người viết sớ không có khách, đóng cửa nghỉ cả rồi…", bà Liên chia sẻ thêm.
Có thâm niên bán đồ lễ ở phủ Tây Hồ đến nay 35 năm nhưng đây là năm duy nhất bà Hà có thời gian đón Tết trọn vẹn bên gia đình, con cháu.
"Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là tôi ở đây bán hàng. Cả Tết chẳng bao giờ có thời gian nghỉ ngơi, được ăn bữa cơm bên gia đình. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi có thời gian ở nhà làm giỗ, làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết, được đón Tết bên con cháu", bà Hà thành thật chia sẻ.
Bà Hà và nhiều tiểu thương ủng hộ chỉ đạo của TP.Hà Nội về việc đóng cửa các di tích, các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè để ngăn chặn dịch bệnh.
"Chính phủ, các cấp chính quyền… đang ra sức bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Sức khoẻ người dân là số 1. Năm nay không bán được hàng thì sang năm khi nào dịch bệnh được đẩy lùi thì lúc đó chúng tôi lại yên tâm bán hàng, phục vụ nhu cầu người dân. Dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ trở lại bình thường", bà Hà chia sẻ thêm.
Ngồi bên ngoài cửa hàng, bà Hồng Luyến (64 tuổi) được nữ nhân viên chậm rãi nhổ tóc bạc. Hơn 28 năm qua kể từ khi mở cửa bán hàng ở phủ Tây Hồ, đây là lúc bà Luyến thấy nhàn rỗi nhất. Do ảnh hưởng dịch bệnh, không có khách nên từ hơn 20 nhân viên phục vụ, bà Luyến nay chỉ tuyển vài người.
"Nhà tôi bán bánh tôm, bún, phở… mọi năm ngày mùng 6 Tết là đông nhất. Mọi người đi làm, chúc Tết nhau rồi cùng đi lễ. Sau khi lễ xong thì ai nấy thưởng thức món ngon tại đây. Có năm nhà tôi một ngày phải lấy hàng chục cân tôm làm bánh cho khách. Các tầng trong nhà đều kín không còn chỗ trống.
Không chỉ riêng nhà tôi mà nhà hàng nào cũng đông nghịt khách. Nhân viên cả ngày phục vụ không cả có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Năm nay, dịch bệnh, nhà tôi bố trí cả tấm chắn phòng dịch mà cả ngày được vài khách. Rãnh rỗi quá ngồi nhổ tóc bạc", bà Luyến cười nói.