Không khí xuân đang lan tỏa trên mọi ngã phố, len lỏi trong mọi ngõ nhà chợt lắng đọng và thấp thỏm. Người Sài Gòn đón một cái Tết lạ nhất từ trước đến nay. Không rộn ràng, không náo nhiệt, không tưng bừng như các mùa xuân đã qua.
Sài Gòn vốn dĩ là miền đất lành với nhiều lưu dân tìm đến mưu sinh và lập nghiệp. Họ như một phần chẳng thể thiếu của Sài Gòn. Phố xá thị thành ngày giáp Tết chộn rộn hơn với những chuyến trở về của nhiều phận đời cả năm bôn ba nhọc nhằn cơm áo gạo tiền thiện lương. Họ dáo dác hỏi nhau, lo lắng từ điểm nóng Sài Gòn về quê thì có bị cách ly hay không?. Âu Minh Phương, một bạn trẻ quê tận Bảo Lộc hiện làm Digital cho một công ty ở quận 3 tâm sự: "Xã vừa thông báo nếu em trở về từ nơi có dịch thì phải thực hiện khai báo y tế, nếu nơi làm việc hay nơi trọ nằm ngay khu vực có F1, hay F2 thì phải tự cách ly ở nhà".
Và rồi Phương vẫn xuôi chuyến xe đò tối ngày hai tám Tết để về quê. Một năm dài chỉ có mấy ngày Tết để về quét lại mộ cho bố, phụ mẹ gói bánh chưng, thắp nhang đêm giao thừa cho nhà thêm ấm. "Thôi em phải về, Tết là về nhà, năm nay chẳng la cà đi đâu hết. Tết chỉ cần bên cạnh người thân vậy cũng đã là xuân". Cả đời người, sống mấy trăm vạn ngày, đâu chừng mấy chục cái Tết để còn biết thương xứ mình mà tìm về. Dẫu trắc trở cũng dặn lòng phải về cho bằng được.
Không hẳn chỉ là những người gá thân mình vào mảnh đất Sài Thành này, đón một cái Tết mùa dịch căng thẳng chọn hai chữ sum vầy, nhiều người Sài Gòn cũng chọn một cái Tết bình thường nhưng mới mẻ như vậy. Nếu là mọi khi, chỉ cần hai mươi ba chạp là người Sài Gòn đã nô nức sắm sửa, đã háo hức với các hoạt động vui chơi giải trí, lựa chọn các điểm du lịch, thì nay, Tết với họ là an toàn cho bản thân và gia đình.
Chọn cho mình một cái Tết gói gọn như tìm về giá trị cốt lõi của Tết Việt tinh túy xưa xa ông bà để lại, chị Khánh Linh (BQL chợ Tân Định) chia sẻ: "Cơn dịch lan ra, ngay lập tức các tiểu thương bán chợ phải đeo khẩu trang hàng ngày, được lấy mẫu xét nghiệm, và khai báo y tế. Mọi người đều được khuyến khích ăn Tết giản đơn, hạn chế đi chơi các nơi đông người. Gia đình tôi cũng chỉ tập trung quây quần chúc Tết lẫn nhau, bày các trò chơi để mọi người cùng tham gia, hay nấu các món ăn truyền thống để mọi người vừa được ăn Tết vui".
Chị Khánh Linh cùng gia đình chúc Tết và chơi trò chơi dân gian mấy ngày Tết.
Đêm ba mươi, bên bàn cúng giao thừa, nhiều gia đình Sài Gòn nguyện cầu cho một năm mới cơn đại dịch sớm đi qua để mọi người an ổn mà làm ăn thuận lợi. Nén nhang trầm ngát thơm lộng gió. Tết chẳng pháo bông nhưng tiếng chúc Tết, tiếng cười nói giòn tan của đêm trừ tịch đoàn viên cũng đủ khiến lòng người rộn rã.
Đó là câu nói của anh Phùng Trọng Thiện, hiện làm quản lý kho, một người trẻ Sài Gòn chính gốc vốn quen lối sống cởi mở không thích sự ràng buộc như bản tánh cố hữu của người Sài Gòn. Từ Bình Tân, sáng hai chín Tết, anh vẫn tìm về cái chợ hoa Bến Bình Đông trứ danh "trên bến dưới thuyền" để sắm Tết. Với những người Sài Gòn, vốn dĩ "tấc đất tấc vàng", ít có nhà nào đủ rộng rải để có khoảng sân mà trồng bông trồng hoa. Tết về, họ luôn tìm đến các chợ hoa xuân lựa chọn những chậu cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, hướng dương hay mồng gà… để về nhà chưng hai bên cửa, hoặc trang trí bên trong nhà cho nét xuân thêm đậm đà rạng rỡ. Tuy nhiên, Tết thời Covid nên trong những chợ hoa như thế, người Sài Gòn vẫn luôn ý thức làm bạn cùng chiếc khẩu trang, để bảo vệ cho chính mình.
Đồng quan điểm làm bạn cùng khẩu trang, anh Hứa Minh Tiến, nhà ở quận 6 cũng chọn cho mình một cái Tết du xuân nhưng phải an toàn, khẩu trang và nước rửa tay luôn đem theo bên mình. Các điểm tham quan vui chơi vẫn được phép mở cửa từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Người dân Sài Gòn vẫn có thể du xuân tham quan đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình, hoặc các hội xuân ở công viên Tao Đàn, bờ sông Phú Mỹ Hưng… Các hoạt động đều có thanh niên tình nguyện liên tục nhắc nhở khách đến mang khẩu trang và giản cách với nhau khi tham quan. Thậm chí ngay cả khi họ làm duyên chụp hình cùng các tiểu cảnh, cũng phải đeo khẩu trang. Nhiều người vẫn cười hồn nhiên bảo nhau, cứ có khẩu trang vừa an toàn vừa "auto đẹp".
Tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, một trong những điểm du xuân yêu thích từ vài năm trở lại đây của người Sài Gòn, không khó để bắt gặp sự nghiêm cẩn của bạn đọc yêu sách ghé đến. Quầy trưng bày báo Tết được nhiều người tham quan và chọn lấy báo Tết đồng giá 50.000 đồng cho một ấn phẩm xuân đẹp lung linh. Số tiền thu được sẽ được BGĐ Đường sách gây quỹ để giúp các hoàn cảnh khó khăn của thành phố. Chính hoạt động ý nghĩa mỗi dộ xuân về này, khiến cho lượng bạn đọc nô nức tìm về với một cái Tết sách đầy nhân văn. Như nhiều bạn đọc chia sẻ, Tết này là cái Tết hạn chế đi du lịch, quẩn quanh bên gia đình vui xuân, nên sách báo chính lại chính là món ăn tinh thần không thể thiếu. Một sáng bình yên bên hiên nhà, pha ly trà, nhẩn nha một cuốn sách hoặc tờ báo mình yêu thích, vậy là Tết cũng chu du khắp mọi miền đất nước rồi.
Đường sách những ngày Tết Tân Sửu 2021.
Một cái Tết vẫn bình thường nhưng đầy mới mẻ với người Sài Gòn. Tết ngay mùa dịch như một điều nhắc nhở chúng ta lắng lòng lại, quay về tìm những giá trị sống cốt lõi. Chúng ta biết trân quí thời gian này dành cho cuộc sum vầy bên người thân, cùng ngồi lại với nhau thay thế những chuyến đi xa, những lần vội vã, những cuộc tụ tập xa lạ. Tết nhắc nhớ chúng ta biết bảo vệ chính mình, biết chung tay lan tỏa điều tử tế từ việc nhỏ nhặt nhất như làm bạn cùng khẩu trang, để chung tay cùng cộng đồng phòng dịch. Chúng ta biết chẳng phải đi đến năm châu bốn biển mới có thể cho mình nhiều sự hiểu biết, mà đôi khi khởi nguồn từ các trang sách báo, kiến thức chính là nền tảng để chúng ta có thể vững bước hơn trên mọi nẻo đường nào đó mà mình muốn đi qua.
Ăn Tết thời Covid, người Sài Gòn biết "sống thuận", như lời cô Kim Hoàng ở Thủ Đức, công dân Sài Gòn hơn sáu mươi năm. "Một năm nhiều biến động, nhiều khó khăn chồng chất, đến cái Tết cũng phải gói ghém lại. Cơn đại dịch Covid tràn qua, cái nó để lại là bài học cho mình biết cách sống thuận. Thuận theo thiên ý, thuận theo lẽ đời và thuận theo lòng mình. Mọi chuyện cứ bình tĩnh mà đón nhận. Lòng mình nặng hay nhẹ là do mình. Nếu mình biết chọn cách thong dong mà sống thì cứ vậy rồi đời mình sẽ bình an".
Sáu mươi tuổi đời, đi qua nhiều biến chuyển của Sài Gòn, đón một cái Tết nhẹ nhàng ung dung bên cháu con, lời cô Kim Hoàng cũng như chính tâm tư của người Sài Gòn giữa "điểm nóng", lòng vẫn bình an mà đón Tết.