Mỗi con người mang chứa lịch sử thân phận cá nhân, dòng tộc xã hội. Người diễn viên lớn hơn con người bình thường ở chỗ: trong sự nghiệp của mình họ được hóa thân vào nhiều dạng vai sống nhiều cuộc đời. Hoàng Dũng là một diễn viên thượng thặng, đã sống 65 năm nhưng dành hơn 40 năm cho những lịch sử "chồng lấn ấy". Đó là lịch sử của nền kịch nghệ, sân khấu từ thời bao cấp đến nay, lịch sử của ký ức nhiều thế hệ.
Nghĩ, viết về ông hay NSND Hoàng Cúc, tôi luôn khó điều tiết mình trong lưu lượng phức cảm cuộn chảy. Từ thời bé thơ, được xem những vở kịch qua ti vi đen trắng, nhiều lần nhờ hàng xóm, rồi tới khi bố mẹ chắt bóp mới mua được ti vi đen trắng Samsung 14 inch, tôi đã được xem các vở kịch của Đoàn Kịch nói Hà Nội (từ 1993 là Nhà hát Kịch Hà Nội), trong đó đa phần là kịch Lưu Quang Vũ.
Hoàng Cúc - Hoàng Dũng diễn hay đến độ cho tới khi xem họ đóng trong phim điện ảnh "Tướng về hưu", thì tôi tin chắc họ là... "vợ chồng". Mới thế mà đã hơn 30 năm. Giờ đã ở năm thứ 33 thi sĩ - kịch tác gia kiệt xuất Lưu Quang Vũ (1940 - 1988) ra đi, nhưng dư vang ảnh hưởng của tư tưởng, khát vọng và vẻ đẹp tâm hồn của ông vẫn còn rung ngân trong hàng triệu mạch nhớ. Chúng lại được nhấn mạnh, cộng hưởng vào mỗi Thu, khi Nhà hát Tuổi trẻ đưa kịch Lưu Quang Vũ tái hiện thường niên vào lịch kịch mục, bởi công chúng vẫn thích thú, mong chờ.
Mới thế mà đã hơn 30 năm ký ức tuổi thơ kể từ khi hâm mộ Kịch Hà Nội mà biểu tượng hiện thân tiêu biểu là Hoàng Cúc - Hoàng Dũng. Và với số đông tầng lớp khán giả thì nhắc tới hai Nghệ sĩ Nhân dân này, họ nhớ ngay tới vở kịch kinh điển "Tôi và chúng ta". Sau khi đất nước thống nhất, nghệ thuật sân khấu miền Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh - đất Cải lương vốn bị giãn cách, chưa hiểu biết về văn hóa nghệ thuật phía Bắc do hoàn cảnh chiến tranh chia cắt.
Thoạt đầu, công chúng phương Nam còn có phần bỡ ngỡ, nghi ngại. Nhưng Kịch Trung ương, Kịch Hà Nội đã Nam tiến áp đảo, gây chấn động, những cơn sốt bùng nổ ở Sài Gòn hoa lệ - "Hòn ngọc Viễn Đông". Hội diễn sân khấu toàn quốc lần đầu sau hòa bình, năm 1985 Kịch phía Bắc thành công đến độ, tới hôm nay trong trí nhớ của giới nghề và khán giả thì ví von của báo chí ngày ấy thì "Kịch Bắc như năm cỗ xe tăng tiến vào Sài Gòn" vẫn còn nguyên giá trị.
Và lúc này đây, khi đại dịch Covid-19 hoành hành đảo lộn thế giới hơn một năm qua. Cả nước ta đang căng thẳng chống dịch lây lan thì lối sống, tư tưởng sống biết vị tha, tương thân tương ái sẻ chia, vì an toàn và lợi ích của cộng đồng - đất nước, dám thẳng thắn trực diện đấu tranh trước cái ác cái xấu trong vở kịch "Tôi và chúng ta" vẫn đầy sống động. 8 Huy chương Vàng được trao cho vở diễn và 7 diễn viên: Trần Vân (Giám đốc Hoàng Việt), Trần Kiếm (công nhân Quých), Hoàng Dũng (Phó Giám đốc Chính), Hoàng Cúc (công nhân Thanh), Minh Trang (công nhân Ngà), Hồng Hạnh (bà Bộng)...
Giải thưởng danh giá này cũng là dấu ấn cho một trong các vai để đời của các nghệ sĩ nói trên, là Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp oanh liệt của cặp NSND Hoàng Cúc - Hoàng Dũng. Họ đồng hành với nhau hơn 30 năm công tác, những năm cuối tại Nhà hát thì Hoàng Cúc là Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật, Hoàng Dũng là Giám đốc.
Khi là sinh viên xem lại phim "Tướng về hưu" sau khi đọc tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, tôi mới thấu được ý nghĩa tác phẩm. Lúc là thiếu niên xem phim này, tôi chỉ thấy đan xen giữa hài hước và hoảng sợ. Hài hước về anh "thi sĩ vườn" - Khổng, làm ở xí nghiệp nước mắm lại thích thơ, hay làm thơ gửi báo Văn nghệ, mỗi lần được đăng lại mang báo sang biếu ông Thuấn (Mạnh Linh), lấy cớ để gặp Thủy (Hoàng Cúc) - người tình. Thủy là bác sĩ bệnh viện phụ sản chuyên lấy thai nhi bị nạo về cho vào máy xay thịt nấu cho chó béc giê ăn. Khổng và Thủy dám tình tự với nhau ngay trong buồng nhà ông tướng, khiến bà Thuấn vốn bị tâm thần uất ức suýt tự vẫn, thoát đuối nước ở ao rồi cũng chết vì bệnh.
Tôi nhớ hình ảnh "thi sĩ Khổng" đóng vai phó nháy bất đắc dĩ, đeo kính râm, mặc áo hoa, chân đi dép tông, trèo lên cây gọi mọi người tập trung chú ý để chụp ảnh. Đây là vai phụ, ngắn, Hoàng Dũng vẫn tạo sự hấp dẫn, dù nhân vật không xuất hiện sau cảnh đám tang bà Thuấn. Một gã trai lơ cặp bồ mà không bị ghét là bởi Hoàng Dũng đã thể hiện được sự ngây thơ và si tình, dung dị, chân thật. Ai mà chả có lỗi.
Trong một phim điện ảnh khác về tướng, Tiếng cồng định mệnh (nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết của chính ông - Khúc bi tráng cuối cùng, đạo diễn: NSND Nguyễn Khắc Lợi - Lê Thi), NSND Hoàng Dũng đóng vai chính - Tướng ngụy Phạm Ngọc Tuấn (nguyên mẫu từ tướng Phạm Ngọc Phú ở Tây Nguyên) đối đầu với phe ta, Tham mưu trưởng Phước (NSND Quốc Trị) cũng là tình địch khi cùng yêu một giai nhân - Huyền Trang (NSND Lê Khanh đóng) trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975.
Vai diễn này giúp Hoàng Dũng nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất Cánh diều Vàng năm 2004, song do phim không phát hành rộng rãi ra rạp nên ít được nhắc đến và trong những ngày qua nhiều bài viết trên báo mạng đã nhầm lẫn liệt kê đây là phim truyền hình.
Vai diễn điện ảnh thứ ba cũng là lần đóng góp cuối cùng của Hoàng Dũng với nghệ thuật thứ bảy là quý ông Vĩnh Nghị - người tình của Lý Lệ Hà, phim Gái già lắm chiêu 5. NSND Hoàng Dũng đã khiến đạo diễn và toàn bộ ê kíp sản xuất phương Nam tâm phục khẩu phục về tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhập vai cao độ, chan hòa và rất kỹ càng trong mọi khâu từ phục trang đến lao động dẫu là một cảnh nhỏ. Tiếc thay bộ phim đầu tư 45 tỷ đồng này đã không chiếu dịp Tết, hoãn ra mắt và trình chiếu vào tháng 4 năm nay. Chỉ là thử phục trang, Hoàng Dũng cũng cất công vào Nam trong khi đang đau.
Dù rất đau, ông vẫn ngày đêm trên phim trường phim truyền hình dài tập thu thanh đồng bộ Trở về giữa yêu thương. Buổi họp báo ra mắt bộ phim này, chiều 11/12/2020 là lần cuối Hoàng Dũng xuất hiện trước báo chí. Ông thậm chí không thể đứng lên nếu không được dìu. Song không phải là lần xuất hiện sau chót của ông. Hoàng Dũng vẫn là giám khảo đồng hành cùng người em thân thiết NSND Lan Hương tại nhiều cuộc thi. Tiếp tục cắn răng chịu đau lên sân khấu trao giải Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên trẻ kịch nói toàn quốc với bờ môi Hoàng Dũng không tắt nụ cười, bàn tay ấm bắt tay động viên, khích lệ lớp con cháu nỗ lực làm nghề.
Khi xem những tập đầu phim Trở về giữa yêu thương, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy chú Hoàng Dũng gầy rõ, nét mặt mệt mỏi. Lúc đó, tôi không hề biết chú bị ung thư. Tôi chỉ an ủi mình bằng chính câu nói mà chú Dũng trả lời phỏng vấn: "Trước khi quay vài tháng này, đạo diễn Trịnh Lê Phong muốn tôi gầy đi để vào vai ông Phương hợp hơn, thương hơn".
Ông Phương góa vợ cả chục năm, ở vậy nuôi con, cả khi cậu út đã lấy vợ 2 năm mà vẫn canh cánh lo lắng cho con. Ông chẳng thiết nhận tình cảm của cô Sương hay bất cứ ai, không muốn tục huyền. Ông chỉ có mấy người bạn già. Tối mùng 6 Tết, phim tiếp tục phát tập 34. Tối mùng 7 Tết, là tập 35. Chú Hoàng Dũng đây, chỉ cách tôi chưa đầy 1m, trên màn hình ti vi 50 inch mà sao cách xa, không bao giờ chạm được nữa...
Vẫn như vai ông trùm Phan Quân trong phim Người phán xử (46 tập) được quay ở năm cuối khi Hoàng Dũng công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội và phát sóng khi ông nghỉ hưu, tạo ra hiện tượng đúp: sự chú ý cao độ của khán giả cả nước khi lần đầu tiên trong một vai phản diện là vai chính. Nhân vật phản diện nhưng không bị ghét bởi người đàn ông ấy sòng phẳng, quân tử, cương trực, hành động theo nguyên tắc: không động đến phụ nữ và trẻ em, không buôn bán ma túy, đặt gia đình lên cao nhất.
Hiện tượng nữa chính là Hoàng Dũng vẫn bền sáng phong độ nghề đỉnh cao, là ngôi sao đắt "show" sau tuổi 60 với các dự án phim, hợp đồng quảng cáo chưa ai có. Ông đã nhận giải VTV Award 2017 cho vai Phan Quân. Phim là kỷ niệm sâu sắc giữa hai nghệ sĩ Hoàng Dũng và Trung Anh lần đầu được đóng cùng nhau xuyên suốt và ăn ý, một vai khác biệt nhất gây thích thú mà tôi rất yêu mến - Lương Bổng do Trung Anh đóng - tay sát thủ máu lạnh đơn độc và trung thành với Phan Quân.
Cuộc đời sân khấu - màn ảnh của Hoàng Dũng, đã thấm sâu vào chính cuộc đời hiện thực của ông. Ông điềm tĩnh khi làm lãnh đạo, dựng vở, giảng dạy, mà đa cảm trong cuộc sống. Khi cùng Trung Anh xem tập cuối Người phán xử tại nhà mình, Hoàng Dũng đã khóc. Ông nói: "Tôi xem Phan Quân và khóc cho nhân vật".
Khi đóng ông Luật phim Về nhà đi con, đọc kịch bản để nhẩm thoại trước cảnh quay, Hoàng Dũng cũng giàn giụa nước mắt cho đến phim cuối cùng ông chia tay khán giả cả nước qua màn ảnh truyền hình. Hoàng Dũng vẫn diễn kĩ từng chi tiết, từng ánh mắt, cơ mặt. Thương vô cùng cảnh ông Phương sốc khi con dâu nhất quyết đòi ra ở riêng, ông bỏ đi đâu, các con tìm không thấy và rồi trở về trong lúc trời mưa gió, tóc và toàn thân ướt, khuôn mặt buồn bạc nhược, mà vẫn cố nói: "Bố không sao". Nặng trĩu lòng mà lúc họp với các con và đồng ý cho con ra ở riêng, còn cười ra điều ưng thuận, không vấn đề gì hết.
Phim - kịch vận vào cuộc đời. Nhiều diễn viên trẻ được ông đào tạo, dạy dỗ coi ông là người bố thứ hai, được ông coi như con trong đời, trước khi làm con ông trong phim dài tập như: Thanh Hương, Việt Anh, Hồng Đăng... và có lẽ Hoàng Dũng là nghệ sĩ có "nhiều con nhất".
Diễn kĩ như thế bởi tự trọng nghề nghiệp, tôn quý người xem, Hoàng Dũng đã coi diễn xuất và nghệ thuật là định mệnh cuộc đời. Bỏ qua việc khám kịp thời, chụp chiếu kỹ càng ngay khi đau lưng và khó đi lại, ông cứ cố quay cho xong phim rồi mới nhập viện. Có lúc đau bị ngất và nhiều lần phải dùng thuốc giảm đau, đau đến mức đứng dậy phải nhờ người đỡ mà ông vẫn cố hoàn tất phim. Đâu phải vì kinh tế, bởi đời sống của ông đã sung túc rồi! Mà vì ông quá đam mê. U bệnh phát triển chèn dây thần kinh đến mức không đứng nổi.
Ngờ đâu khi phát hiện thì đã ung thư đa xương tủy, di căn vào cột sống. Sau khi mổ tại Bệnh viện Việt Đức hôm 28/12, đôi chân yếu chuyển thành liệt nửa người dưới (từ bụng xuống) rồi NSND Hoàng Dũng phải chuyển sang nằm Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hôn mê sâu, đặt nội khí quản thở máy.
Không gì mua được thời gian! Và đây, người bạn đồng niên tri kỷ, đồng nghiệp thân thiết nhất của Hoàng Dũng - NSND Hoàng Cúc viết trong nước mắt: "Dũng ơi! Biết Dũng không khỏe từ lâu, mà chỉ kịp nhắn khi phim có hình Dũng dày đặc, vai nặng mà cảnh nào cũng thấy Dũng diễn như rút ruột, diễn như sợ mai không còn được diễn, hình hài cứ hao đi... tôi chỉ dám nhắc: "Tẩm bổ đi nhé!".
Nhiều điều để nhắc về Dũng, nhiều vai đóng đinh mà chỉ có Dũng là thăng hoa. Gần 50 năm khóc cười cho bao số phận kia mà... Vẫn thấy văng vẳng đâu đây tiếng đàn Mê Thảo, trong bể lửa đến tận cùng vai diễn. Dũng đẹp, quá đẹp đến nỗi mọi người phải thốt lên: "Ôi cái chết đẹp như tiên trời!", hệt như con thiêu thân lao vào vùng sáng chói lòa để rồi thoát xác mà vẫn còn thấm những giọt nước mắt và mồ hôi mà Trung Hiếu và cả Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ tiễn Dũng an yên.
Giờ thì Dũng sẽ mỉm cười nơi ấy trong nỗi buồn thương, như định mệnh: SỐNG GIỮA YÊU THƯƠNG trong mỗi người. Hoàng Cúc thảo lời ai điếu... mà vẫn chẳng bao giờ, không bao giờ tin rằng cây cầu đã gãy... Dũng mãi xa thật rồi!".
Sau tang lễ, thi hài NSND Hoàng Dũng - người trai phố Hàng Đường thuở ấy được đưa về an táng tại quê nhà tại Khoái Châu, Hưng Yên và được chôn cất một lần vĩnh viễn (không hỏa táng). Cặp bài trùng "Tôi và chúng ta" sống mãi trong trí nhớ người xem. Hoàng Cúc không ngờ có ngày viết điếu văn cho Hoàng Dũng. Đọc điếu văn là người em thân thiết, Giám đốc kế nhiệm Nhà hát - NSND Trung Hiếu - Trưởng ban tang lễ.
Làm sao có thể được gặp chú - NSND Hoàng Dũng, nắm bàn tay ấm ngón dài nổi gân xanh, nghe giọng nói hay mê hoặc. Những kỷ niệm vô giá tôi sẽ kể cho mọi người, cho các con tôi...