Tính tới ngày 19/2 (tức chỉ trong vòng 3 ngày ra mắt), kênh Tiktok của nghệ sĩ Hoài Linh đã cán mốc hơn 3 triệu lượt theo dõi, hơn 12 triệu lượt thích. Mỗi video NSƯT Hoài Linh đăng tải thu hút trung bình khoảng 5-6 triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận. Danh hài đình đám cũng đồng thời tấn công mạng xã hội Youtube và có gần nửa triệu lượt người đăng ký kênh sau một thời gian ngắn.
Sự xuất hiện của nghệ sĩ quyền lực bậc nhất showbiz Việt trên các mạng xã hội chia sẻ video cho thấy, việc sao Việt tham gia vào các ứng dụng này đang dần trở thành "chuyện hiển nhiên" và "cần làm". Trước Hoài Linh, hàng loạt tên tuổi đã sử dụng Youtube, Tiktok để giữ kết nối với khán giả như: Hồ Ngọc Hà (với liveshow trực tuyến Love songs), Đàm Vĩnh Hưng, Vũ Hà (sử dụng kênh Youtube để chia sẻ các hoạt động thường ngày) hay Trấn Thành, Chi Pu, Noo Phước Thịnh (các clip ngắn, hài hước và bắt trend trên Tiktok)...
Có thể thấy, các nền tảng như Youtube, Tiktok sở hữu một thị trường rộng lớn với đông đảo công chúng tìm kiếm các giá trị giải trí tức thời. Nếu một video thú vị hoặc hấp dẫn thì nó sẽ được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Đó là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nghệ sĩ dùng các kênh truyền thông này để đến gần hơn với khán giả.
Việc các hoạt động giải trí bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phần nào là lý do cho sự xuất hiện tấp nập của giới nghệ sĩ trên các nền tảng trực tuyến. Diva Thanh Lam - người từng tham gia vào liveshow Music Home trên ứng dụng Youtube vào tháng 7/2020 chia sẻ: "Những ngày tháng "stay home, stay safe" khiến nghệ sĩ chúng tôi đều khao khát được hát. Việc xuất hiện trong các liveshow trực tuyến khiến chúng tôi không chỉ có hội gặp gỡ khán giả của mình mà còn khiến chúng tôi hạnh phúc khi được góp phần chung tay cổ vũ cộng đồng vững tin chiến thắng dịch bệnh".
Nữ ca sĩ Ái Phương cũng từng cho biết, tham gia Tiktok giúp cô đỡ nhớ nghề trong thời gian trống lịch. "Việc tạo video hơi mất thời gian nhưng khi ra thành phẩm rồi lại cảm thấy rất vui và thú vị", nữ ca sĩ chia sẻ.
Anh Lê Kiều Thuận, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực marketing, nhà quản lý nhãn hàng tại Hà Nội chia sẻ: "Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng trở thành người sáng tạo nội dung trên những nền tảng như Youtube, Tiktok là một xu thế tất yếu của thời đại. Với sự phát triển của công nghệ, sự phổ biến của Smart phone, Smart Tivi cũng như công nghệ 4G - 5G ngày càng dễ dàng tiếp cận đa số người dân. Các nền tảng mạng xã hội đã trở thành kênh quảng bá sản phẩm, hình ảnh cũng như tiếp thị hiệu quả, chi phí hợp lý cũng như tiện lợi của nghệ sĩ, kols (người tạo ảnh hưởng).
Bên cạnh đó còn là việc kiếm tiền từ chính các nền tảng này cũng như doanh thu quảng cáo nhãn hàng trả cho nghệ sĩ từ những clip/bài post trên mạng xã hội. Số tiền này tôi phải khẳng định là không hề nhỏ nếu so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Tóm lại, việc tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng về cơ bản mang lại nhiều lợi ích cho cả nghệ sĩ lẫn khán giả và sẽ khiến nền giải trí/văn hóa/ nghệ thuật thêm sôi động".
Nói về thu nhập của các nghệ sĩ thông qua các kênh mạng xã hội, anh Lê Kiều Thuận cho rằng: "Đừng tin những thống kê của các trang thống kê Youtube nước ngoài về doanh thu của các kênh Youtube Việt Nam. Nó chỉ là con số trung bình và dành cho những lượt xem tại các thị trường được trả doanh thu cao như Châu Âu hoặc Mỹ. Còn con số thực tế tại Việt Nam thấp hơn nhiều thực tế. Nói nôm na thế này, 1 triệu views Việt Nam được hiển thị quảng cáo, người sáng tạo nội dung sẽ được trả khoảng 15 đến 25 triệu đồng tùy thực tế về thể loại, nội dung, hình thức quảng cáo.
Con số doanh thu của một MV lọt top trending Việt Nam trong vòng 1 tháng có thể là 10 hoặc 20 ngàn đô tùy vào việc MV này có được xem ở nước ngoài nhiều hay không, người hâm mộ nghệ sĩ đó ở nước ngoài có nhiều không? Tuy nhiên, nghệ sĩ còn có doanh thu quảng cáo từ nhãn hàng, doanh thu từ Youtube hay Tiktok cũng chỉ là bề nổi. Ngược lại, những vlogger như Hưng Vlog hay Sang Vlog gần như chỉ có doanh thu từ Youtube nên thu nhập thực tế sẽ kém hơn nghệ sĩ/kols khá nhiều".
Việc nghệ sĩ tham gia vào các mạng xã hội chia sẻ video phần nào giúp môi trường internet ngày càng trở nên phong phú, sinh động. Khán giả cũng có thể dễ dàng kết nối, tương tác với những ngôi sao mà mình yêu thích. Một nền âm nhạc có sản phẩm hay sản phẩm dở, một nền điện ảnh cũng có sản phẩm hay sản phẩm dở nên như một tất yếu, những nội dung trên mạng xã hội như Tiktok hay Youtube cũng có sản phẩm hay và sản phẩm dở. Nó xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng về cơ bản là một tất yếu không thể tránh khỏi.
"Khán giả hay giới truyền thông hay nhà chức trách nên đối xử với những nội dung trên mạng xã hội như những sản phẩm văn hóa - giải trí bình thường, tức là hay, có ý nghĩa thì ủng hộ, không hay thì phê phán. Người làm nội dung cũng nên tự ý thức để có những sản phẩm không ngừng tốt lên", anh Lê Kiều Thuận khẳng định.