Dân Việt

Tào Ngụy từng có cơ hội diệt sạch dòng họ Tư Mã, vì sao bỏ lỡ?

Khánh An 22/02/2021 08:00 GMT+7
Cơ hội lật ngược thế cờ ấy vốn dĩ rất khả thi, chỉ tiếc là vào thời khắc quan trọng nhất, vua Tào Ngụy đã chọn nhầm người để giao việc quan trọng.

Từ khi Tào Phi xưng đế đến khi Tư Mã Viêm thay thế nhà Ngụy, nhà Ngụy chỉ tồn tại 45 năm, nhưng hoàng thất chỉ thật sự nắm quyền trong tay 29 năm. Kể từ sau sự biến lăng Cao Bình năm 249, quyền hành thực sự đã rơi vào tay ba cha con Tư Mã Ý cho đến ngày Ngụy quốc diệt vong.

Thực ra, hoàng đế nhà Ngụy sau này cũng không cam lòng nhìn quyền lực rơi vào tay kẻ khác, cũng từng nhiều lần nỗ lực giành lại quyền cai trị quốc gia, trong số ấy, cơ hội "xoay chuyển" cuối cùng mang tính khả thi nhất phải kể đến năm thứ hai khi Ngụy đế Tào Mao đăng cơ (tức năm 254).

Cơ hội lật ngược tình thế duy nhất của Tào Ngụy

Cuối tháng Giêng năm Chính Nguyên (tức năm 254), đại tướng quân Tư Mã Sư sau khi bình định phản loạn Hoài Nam do Trấn Đông đại tướng quân Quán Khâu Kiệm cùng Thứ sử Dương Châu Văn Khâm khởi xướng, trên đường hồi kinh, do bệnh nặng tái phát, mất tại Hứa Xương.

Sau khi tin tức truyền về Lạc Dương, Tào Mao khi ấy mới đăng cơ một năm đã nhận ra rằng, có thể nhân cơ hội này đoạt lại binh quyền, nếu thành công, cả họ Tư Mã sẽ giống như hổ mất nanh, không chỉ không thể tiếp tục lộng hành mà đến cả tính mạng cả nhà cũng sẽ nằm trong tay mình, nếu dám làm trái ý vua, sẽ chết không có đất chôn thây.

Tào Mao là một vị hoàng đế có ý chí kiên định, hành động dứt khoát, để tránh đêm dài lắm mộng, rơi vào bước đường như hoàng đế Tào Phương bị phế truất trước đây, ngay khi hạ quyết tâm, ông sẽ liền lập tức tiến hành kế hoạch.

Tào Ngụy từng có 1 cơ hội duy nhất khiến dòng họ Tư Mã chắc chắn sẽ chết không có đất chôn thây - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Tư Mã Sư trên phim.

Vì thế, ngay khi nhận được tin tức Tư Mã Sư lâm bệnh qua đời, Tào Mao lập tức chuẩn bị hai việc. Việc đầu tiên, ông hạ lệnh cho Thượng thư Phó Hỗ lập tức dẫn quân Nam chinh quay về Kinh Sư, đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị chính biến. Còn về Tư Mã Chiêu khi ấy đang chuẩn bị hậu sự cho anh là Tư Mã Sư, Tào Mao lệnh Tư Mã Chiêu tiếp tục trấn giữ Hứa Xương, không được theo quân về kinh.

Công bằng mà nói, cách làm của vị hoàng đế trẻ khi ấy không có gì là không hợp lí, một khi tiến hành thành công, Ngụy quốc chắc chắn có thể xoay chuyển tình thế, họ Tư Mã sẽ phải đối mặt với kết cục diệt vong.

Chỉ tiếc là giao trọng trách cho nhầm người

Song, kế hoạch dù có hay vẫn phải có đủ tính khả thi, đặc biệt là việc lựa chọn ai là người thực hiện lại càng quan trọng hơn nữa. Bi kịch thay, người được Tào Mao lựa chọn lại là Phó Hỗ.

Phó Hỗ không chỉ không là bề tôi trung thành với nhà Ngụy mà còn là tay sai trung thành của nhà Tư Mã, thế nên sai Phó Hỗ giúp mình lật đổ nhà Tư Mã chẳng khác nào kẻ điên nằm mộng. Vì thế, ngay khoảnh khắc Tào Mao hạ lệnh cho Phó Hỗ, kế hoạch của ông đã định trước sẽ thất bại thảm hại.

Quả nhiên không ngoài dự đoán, Phó Hỗ sau khi tiếp nhận thánh chỉ, không lập tức dẫn binh về kinh, mà cùng với tâm phúc của Tư Mã Chiêu là Chung Hội họp bàn, tiết lộ ý đồ của Hoàng đế cho Tư Mã Chiêu biết, đồng thời khuyên Tư Mã Chiêu lập tức dẫn binh về kinh, đoạt lấy chính quyền.

Tư Mã Chiêu nghe theo lời của Phó Hỗ và Chung Hội, phớt lờ mệnh lệnh của Tào Mao là phải trấn thủ Hứa Xương, đồng thời, lấy danh nghĩa là "bảo vệ Kinh Sư", đích thân dẫn theo sáu quân tiến về Lạc Dương.

Tào Ngụy từng có 1 cơ hội duy nhất khiến dòng họ Tư Mã chắc chắn sẽ chết không có đất chôn thây - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Chung Hội trên phim.

Tin tức truyền đến cung đã khiến cho Tào Mao khi ấy vẫn đang chìm đắm trong giấc mộng "lật đổ nhà Tư Mã" của mình phải kinh hoảng thất sắc, ngay lập tức nhận ra tính nghiêm trọng của việc này.

Cay đắng để họ Tư Mã nắm quyền hành

Đối với Tào Mao khi ấy, ông có hai lựa chọn: Thứ nhất, dựa vào tội danh làm trái lệnh vua, tự ý hành động, bãi miễn chức quan của Tư Mã Chiêu, xử phạt thật nặng; Thứ hai, coi như không có chuyện gì xảy ra, trao quyền hành cho Tư Mã Chiêu, bản thân tiếp tục là vị vua bù nhìn.

Tào Mao bản tính cương trực, chắc chắn không cam lòng làm con rối cho kẻ khác giật dây, nhưng Tư Mã Chiêu khi ấy nắm binh quyền trong tay, phe phái khắp nơi, muốn trừ bỏ Tư Mã Chiêu nào có phải chuyện dễ dàng? Một khi "trộm gà không được còn mất thêm nắm gạo", thì đến cả tính mạng bản thân cũng khó lòng bảo toàn, giang sơn xã tắc cũng sẽ tiêu vong.

Vì thế, sau khi cân nhắc kỹ càng, Tào Mao cũng phải ra quyết định đau lòng, tấn phong Tư Mã Chiêu làm Đại tướng quân, trao cho hắn quyền giám sát đốc thúc quân sự trong và ngoài nước, nắm giữ sổ sách, chấp chính thay anh trai là Tư Mã Sư, ngoài ra còn cho phép Tư Mã Chiêu có đặc quyền mang vũ khí lên triều.

Từ đó về sau, Tư Mã Chiêu trở thành "Hoàng đế không ngai" của nhà Ngụy. Sau 10 năm đào khoét căn cơ nhà Ngụy, cuối cùng Tư Mã Chiêu đã phế truất hoàng thất, để con trai trưởng là Tư Mã Viêm hoàn thành đại nghiệp, phế bỏ nhà Ngụy lập nên nhà Tấn. Mà cũng từ đó về sau, nhà Ngụy hoàn toàn mất đi cơ hội lật ngược thế cờ.

Tào Ngụy từng có 1 cơ hội duy nhất khiến dòng họ Tư Mã chắc chắn sẽ chết không có đất chôn thây - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân vật Tào Mao trên phim.

Sau khi Tư Mã Chiêu chấp chính, không ngừng chèn ép vua mà Tào Mao lại là người không chịu nhẫn nhục, cuối cùng vào mồng 6/5 năm Cam Lộ thứ năm (tức năm 260), Tào Mao quyết tâm chống trả. Khi ấy, Tào Mao không nghe lời khuyên can của các đại thần, tự mình dẫn theo hộ vệ trong cung cùng vài trăm nô bộc thảo phạt Tư Mã Chiêu.

Song, việc làm này chỉ là việc vô ích, không những không thể giành thắng lợi ngược lại còn tự rước lấy kết cục bi thảm. Quả nhiên, khi Tào Mao còn chưa đến được phủ của Tư Mã Chiêu, đã bị tâm phúc của Tư Mã Chiêu là Giả Sung chặn đường ở Nam Khuyết, cuối cùng chết thảm dưới đao của anh em vũ phu Thành Tế, Thành Túy, khi ấy Tào Mao mới chỉ 19 tuổi.

Sau khi Tư Mã Chiêu giết Tào Mao, lại lập Tào Hoán lên làm vua, lấy hiệu là Ngụy Nguyên Đế. Chỉ 5 năm sau, nhà Ngụy rơi vào diệt vong.

Song, mặc dù Tư Mã Chiêu nắm trọng quyền trong tay nhưng không được như ý nguyện trở thành vị hoàng đế khai quốc nhà Tấn mà lại chết bệnh bất ngờ ngay đêm trước ngày được nhường ngôi, mai táng dưới thân phận đại thần nhà Ngụy, quả thật nực cười!

Có lẽ ngay cả trời cao cũng căm phẫn trước hành vi ác độc của Tư Mã Chiêu, nên mới khiến ông ta không đạt được ý nguyện.

Tư Mã Chiêu giết Tào Mao, mở đầu cho tội ác thần tử giết vua, cho nên hậu thế sau này vẫn luôn coi hành vi ấy là loạn thần tặc tử.

Thậm chí đến 60 năm sau, khi cháu trai của Tư Mã Chiêu là Tấn Minh Đế khi nói đến đoạn quá khứ ấy, vẫn không thôi hổ thẹn, đau xót với hành động của tổ tiên mình, không ngừng than thở với Tể tướng Vương Đạo: "Nếu quả đúng như lời khanh nói, vậy thiên hạ nhà Tấn sao có thể lâu dài được đây?" (Trích trong "Thế thuyết tân ngữ- Ăn năn", nguyên văn là: Minh Đế vừa nghe xong, che mặt dưới gối mà nói: "Nếu như khanh nói, ngai vàng này sao có thể vững đây!")