Dân Việt

“Phao cứu sinh” của lao động thất nghiệp

Nguyệt Tạ 22/02/2021 07:00 GMT+7
Dịch bệnh khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp quý IV/2020 của Việt Nam tăng vọt, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thực trạng đó càng cho thấy tầm quan trọng của các kênh thông tin việc làm uy tín như: Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam; trang thông tin của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội…

Tăng số người tìm việc trực tuyến

Ngay từ ngày mùng 6 Tết, anh Nguyễn Trọng Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) đã loay hoay tìm kiếm việc làm trên mạng. Anh Nam cho biết, trước đây anh làm hướng dẫn viên du lịch, dịch bệnh Covid -19 bùng phát khiến công ty anh làm phá sản.

"Trong lúc chờ đợi có công việc phù hợp, tôi tìm tới Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và được hướng dẫn tham gia nhiều phiên tuyển dụng trực tiếp qua cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam của trung tâm. Rất mừng là ngày 19/2 vừa qua, bên công ty dịch vụ có gọi điện thông báo là tôi đã trúng tuyển làm quản lý cho nhãn hàng ở Siêu thị AEON Mall Hà Đông" - anh Nam tâm sự.

“Phao cứu sinh” của lao động thất nghiệp  - Ảnh 1.

Lao động tìm kiếm việc làm qua kênh tuyển dụng trực tuyến. Ảnh: N.T

"Số hóa, hiện đại hóa thông tin việc làm là mục tiêu trọng tâm trong năm 2021. Trên cơ sở chuyển đổi số về công nghệ, Cục Việc làm quyết tâm thực hiện giao dịch việc làm số, mở đầu là thực hiện phiên giao dịch việc làm ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội".

Ông Nguyễn Văn Bình -

Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)

Còn chị Nguyễn Thị Vân Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau nhiều lần tìm tới phiên giao dịch và tham gia tuyển dụng trực tiếp ở các công ty. "Bản thân mình đi phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp cũng thấy mệt, có lần phải đi hàng chục km để tới nơi hẹn phỏng vấn. Không những vậy lại phải chờ đợi, lo ngại dịch bệnh...", chị Vân Anh chia sẻ.

Từ ngày biết có việc tuyển dụng trực tuyến qua Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam và trang thông tin của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, chị Vân Anh đã đăng ký ứng tuyển ngay.

Theo chị, việc ứng tuyển online không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn giúp cả những người đi xin việc như chị cũng như đơn vị tuyển dụng đảm bảo an toàn, phòng ngừa dịch Covid-19.

Đẩy mạnh kênh quản lý, tuyển dụng toàn quốc

Đầu năm 2021, Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp các Sở LĐTBXH ở một số tỉnh, thành làm lễ ra mắt và hoạt động Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip).

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng, sự kiện đánh dấu bước phát triển trong việc quản lý, điều phối thị trường lao động của Việt Nam. "Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid -19 thì việc số hóa các giao dịch việc làm, cũng như sử dụng phương thức tuyển dụng trực tuyến sẽ góp phần mang lại hiệu quả tối ưu, an toàn phòng dịch tuyệt đối cho lao động cũng như nhà tuyển dụng" - bà Lan Hương nói.

Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cổng thông tin Esip sẽ giúp thúc đẩy giao dịch về việc làm trên thị trường, tạo điều kiện cho người lao động, và doanh nghiệp kết nối với nhau một cách dễ hơn. Chi phí giao dịch qua môi giới sẽ giảm xuống đáng kể. Đây chính là động lực để thúc đẩy thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

"Qua cổng thông tin Esip, chúng ta có thể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ ngành thừa sang ngành thiếu, đặc biệt tạo ra những cơ hội việc làm cho lao động phi chính thức, lao động nông thôn, trong đó có lao động nông nghiệp. Đây cũng là cách thức để hiện thực hóa mục tiêu giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động trong năm 2021" - ông Bình chia sẻ.

Chỉ sau hơn 1 tháng khởi động, Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip), tới nay đã ghi nhận gần 30 tin tuyển dụng của các doanh nghiệp với hơn 20.000 lượt người truy cập, kết nối việc làm cho hàng trăm lao động.

Hiện tại, các trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương đang kết nối và sớm hoàn tất việc chuyển dữ liệu hòa vào Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam vào thời gian tới.