Làng Trạch Phổ (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) của tôi có 3 xóm, khoảng 400 hộ gia đình. So với các làng bên, Trạch Phổ quê tôi nghèo lắm. Cuộc sống thuần nông, chân lấm, tay bùn vất vả, song người dân Trạch Phổ nổi tiếng hiền lành, sống tình cảm.
Đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày thơ bé, lon ton chạy qua chạy lại các nhà trong xóm, trong làng chơi. Nhớ nhất là những đêm trăng sáng tụi trẻ xóm Đông An chúng tôi tập trung ở nhà mụ Hoa ru ri chơi đủ trò.
Nhà tôi cách nhà mụ Hoa ru ri một đoạn thôi. Mụ ở đầu xóm, bên con mương dẫn nước từ đập về. Không chồng, không con, mụ ở với một người cháu. Làm ruộng, nuôi gà…2 dì cháu nương tựa vào nhau, đắp đổi qua ngày. Đứa cháu gái lớn lên, đi lấy chồng xa, từ đó mụ Hoa ru ri thui thủi một mình. Mụ quá hiền lành, chân chất. Dân làng tôi bảo mụ hiền như đất, ai nói gì cũng cười. Chưa bao giờ tôi thấy mụ đôi co, to tiếng với ai. Từ cái dáng đi đến cách làm việc, giọng nói đều chậm rãi, từ tốn. Chậm đến mức có lúc nóng cả ruột. Có lẽ vì thế mà xóm tôi gắn 2 từ ru ri vào sau từ mụ Hoa (tôi chỉ đoán thế thôi). Vì theo như lời ba tôi thì ru ri là rù rì, chậm rãi.
Thầy cô giáo và học sinh trong thôn xã đến tặng quà cho mụ Hoa
Ngôi nhà nhỏ của mụ trở thành điểm hẹn của trẻ con trong xóm Đông An. Hiền như chiếc bóng, nhưng mụ Hoa ru ri cũng rất hài hước. Mụ có cả một kho truyện tiếu lâm và cổ tích. Mụ kể rành rọt từng câu chuyện, từng chi tiết. Những đêm trăng sáng, bọn trẻ trong xóm tôi kéo nhau đến sân nhà mụ Hoa chơi đủ trò: bịt mắt bắt dê, trốn tìm, kéo co… Nhảy, hét, cười, đùa náo động cả khoảng sân vườn. Thấm mệt, tất cả hái lá chuối khô lót xuống đất ngồi vòng tròn nghe mụ Hoa kể chuyện hài. Vì giọng nói quá chậm nên một tối mụ chỉ kể được 2 câu chuyện. Tôi nhớ có lần mụ kể chuyện Tấm Cám, đến đoạn ngày giỗ bố, cô Tấm trèo lên cây cau để hái quả cau, bị mẹ con Cám hại, đốn cây, Tấm té xuống và chết… con Nụ khóc tức tưởi vì thương cô Tấm xinh đẹp. Thế là mụ Hoa ru ri dừng kể, đến lau nước mắt, dỗ dành con bé Nụ… Cứ thế, chúng tôi lớn lên theo những câu chuyện cổ mụ Hoa ru ri kể. Nghe mụ Hoa kể chuyện, lâu ngày thành nghiện. Sau mỗi câu chuyện, bao giờ mụ cũng hỏi bọn trẻ "chuyện ni có hay không?, rồi mụ rút ra bài học, dặn dò chúng tôi. Kể chuyện Cây khế, mụ Hoa chậm rãi nói: "Trong cuộc sống, đừng có tham lam. Anh em ruột thịt luôn phải yêu thương nhau". Nghe mụ Hoa dặn, bọn trẻ chúng tôi đồng thanh trả lời "dạ" kèm theo tràng vỗ tay giòn vang cả sân nhà.
Tốt nghiệp cấp 3 trường huyện, tôi khăn gói vào thành phố học Đại học, rồi ra trường, đi làm. Công việc, cuộc sống mưu sinh tất bật nơi phố thị nên ít có thời gian về quê ghé thăm mụ Hoa. Mỗi lần điện thoại về cho ba, tôi vẫn không quên hỏi thăm mụ Hoa. Ngôi nhà tranh của mụ Hoa bị xiêu vẹo sau một cơn bão lớn. Chính quyền địa phương xây cho mụ Hoa một ngôi nhà tình thương cấp 4 dành cho người neo đơn khoảng chừng 30 mét vuông. Với mụ Hoa, đó là niềm vui lớn trong đời.
Tuổi già, ốm đau thường xuyên, không chồng, không con, mụ Hoa sống giữa tình cảm yêu thương sẻ chia của xóm làng. Năm nay về quê ăn Tết, tôi có ghé thăm mụ Hoa. Vẫn giọng nói rù rì, dáng điệu chậm rãi… sau bao nhiêu năm không gặp, mụ vẫn nhận ra tôi, gọi đúng tên tôi. Xúc động hơn nữa là mụ Hoa vẫn biết rõ công việc, gia đình nhỏ của tôi. Thì ra, dù không gặp tôi, không rời khỏi nhà, suốt ngày quanh quẩn ra sân,vào nhà… mụ Hoa vẫn thường xuyên hỏi thăm chuyện làm ăn, con cái của những đứa trẻ hay đến nhà nghe mụ kể chuyện năm xưa giờ đi làm ăn xa quê như tôi. Thú thật, gặp lại mụ Hoa, nghe mụ hỏi thăm từng đứa…tôi vừa cảm thấy ấm lòng, xúc động, vừa cảm thấy ăn năn, hối hận vì sự thờ ơ, vô tâm của mình.
Gặp lại mụ Hoa ru ri, ngồi nói chuyện với mụ, vẫn nụ cười hiền lành, vẫn cái giọng từ từ ấy, ký ức của hơn 30 năm về trước sống dậy trong tôi. Đi qua bao tháng năm, ngược xuôi trên con tàu mưu sinh, tất bật… song, mỗi lần trở về quê nhà, gặp lại những gương mặt thân thương thì lòng thấy an nhiên quá đỗi. Mụ Hoa năm nay đã qua tuổi 84, bóng thời gian in hằn lên hình dáng. Nhưng chắc chắn một điều rằng tấm lòng thảo thơm, chân chất của mụ và của những người phụ nữ quê tôi thì một đời không đổi thay.