Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) là rằm đầu tiên trong năm, nên với người Hà Nội nói riêng và người dân phía Bắc nói chung thông thường sắm lễ rất chu đáo, long trọng. Thậm chí một số vùng nông thôn của phía Bắc coi ngày Rằm tháng Giêng là cái Tết âm lịch thứ hai. Chính vì vậy, nhiều nơi còn tổ chức gói bánh chưng, ăn Tết thêm một đến hai ngày nữa.
Với lễ vật cúng Rằm tháng Giêng ở miền Bắc cũng rất đa dạng và phong phú, nhiều nơi làm cầu kỳ và theo đúng lối truyền thống của ông cha ta ngày xưa.
Với những gia đình gốc Hà Nội, thường tổ chức cúng ngày Rằm tháng Giêng cầu kỳ, chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Trước tiên là mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên thì lễ vật cúng Rằm tháng Giêng luôn có nhiều món, nhưng trong đó có những món cổ truyền không thể thiếu trên mâm cỗ cúng.
Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu món gà luộc. Đây là món truyền thống của người Việt Nam không thể thiếu trên mâm cỗ dù là ngày lễ Tết hay trong dịp quan trọng như thượng thọ, đám cưới, đám hiếu, sinh nhật, tân gia.
Món gà luộc gắn liền với thần thoại xưa, là vật cúng tế linh thiêng đem lại may mắn cho gia đình. Gà luộc sau khi làm sạch thường được đun với nước, gừng đập dập trong 15-25 phút. Thành quả gà đẹp phải bóng mượt, vàng ươm nhờ thoa chút mỡ nghệ vào da, sau đó có thể dùng tăm tạo dáng thế gà đẹp mắt dâng tổ tiên.
Một trong những lễ vật cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu nữa đó là bánh chưng, tượng trưng cho đất, là sự nảy nở, sinh sôi của vạn vật muôn loài. Món Xôi gấc thì có màu đỏ không chỉ khiến mâm cúng trở nên bắt mắt hơn mà theo quan niệm dân gian màu đỏ của xôi gấc sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.
Chân giò lợn cũng là một lễ vật cúng Rằm tháng Giêng quan trọng trong mâm cúng. Việc cúng chân giò lợn có thể được hiểu là mong muốn cho năm mới được đầy đủ, sung túc hơn. Ở giữa mâm cúng mặn, gia đình sẽ đặt bát nước chấm thơm ngon tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
Bên cạnh đó lễ vật cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu trong mâm cơm cúng của người Hà Nội xưa đó là canh bóng thả (hoặc bát canh măng chân giò), giò, nem, dưa hành…
Ngoài ra, một số nơi, lễ vật cúng Rằm tháng Giêng quan trọng nữa đó là có thêm đĩa bánh trôi. Bánh trôi tượng trưng cho sự tròn trịa, đầy đặn, mang ý nghĩa no đủ, hanh thông, thuận lợi đầu năm. Các gia đình còn có thể dâng lễ vật thanh tịnh bằng các loại xôi chè, chè kho…
Với cha ông ta ngày xưa, ngày Rằm tháng Giêng bên cạnh mâm cỗ cúng thì lễ vật cúng Rằm tháng Giêng cần có thêm mâm ngũ quả.
Nếu những ngày lễ như mồng một, rằm có thể chỉ cần mâm hoa quả bình thường được bày trước bàn thờ, thì vào ngày Rằm tháng Giêng nhất thiết sẽ phải có mâm ngũ quả bên cạnh mâm cơm cúng.
Bởi mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra các loại quả nhiều trái như Nho, Sung, Na, Dưa Hấu…còn tượng trưng cho sự sung túc, nảy nở.
Bên cạnh mâm cơm cúng, mâm ngũ quả thì một mâm cúng âm linh cô hồn trong ngày Rằm tháng Giêng được cha ông ta cúng.
Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng của mâm cúng này được chuẩn bị là giấy tiền vàng bạc, muối, gạo, bánh trái, xôi, chè, cơm, canh… và phải có cúng cháo trắng loãng.
Với nhiều gia đình miền Bắc, cỗ cúng ngày rằm tháng Giêng bao giờ cũng phải được thực hiện trước 12h. Người dân quan niệm giờ Ngọ là giờ đẹp, thường bắt đầu từ 11h đến 13h.
Nhìn chung, cỗ cúng ngày rằm tháng Giêng không có khác biệt nhiều so với Tết Nguyên Đán. Nhưng với nhiều gia đình ngày nay, mâm cúng rằm tháng Giêng còn được thêm vào các món ăn mới hợp khẩu vị gia đình, bên cạnh sự thành tâm.