Dân Việt

Nhiều trường đại học lo ngại chất lượng nếu học trực tuyến kéo dài

NGHIÊM HUÊ ​ 24/02/2021 07:13 GMT+7
Ngày 22/2, phần lớn các trường đại học (ĐH) đã cho sinh viên học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. Khác với phổ thông, ở ĐH, quyền chủ động học thuộc về sinh viên. Tuy vậy, các trường vẫn “ngầm” giám sát để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nhiều trường đại học lo ngại chất lượng nếu học trực tuyến kéo dài - Ảnh 1.

PGS. TS Lê Thanh Hương, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, đang dạy trực tuyến học phần trí tuệ nhân tạo. Ảnh: BK


Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam, các trường ĐH quyết định chuyển từ tổ chức giảng dạy tập trung sang giảng dạy trực tuyến. Vấn đề được đặt ra với các cơ sở giáo dục ĐH là chưa có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, hạ tầng công nghệ thông tin, công cụ giảng dạy trực truyến, gói cước internet mà sinh viên sử dụng, khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy trực tuyến của giảng viên và mức độ thích ứng của sinh viên... Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi những khó khăn  nêu trên đã được giải quyết thì chất lượng giảng dạy đã và đang là vấn đề được chú trọng hàng đầu.

Thanh tra dạy và học online

GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, trường tổ chức dạy trực tuyến từ ngày 22/2 đối với toàn bộ sinh viên với các nội dung kiến thức lý thuyết. Các nội dung thí nghiệm, thực hành, học phần giáo dục thể chất...đã được nhà trường điều chỉnh kế hoạch tổ chức khi sinh viên quay trở lại trường học tập trung. Ông Chứ cho hay đã bố trí một giảng đường với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy trực tuyến gồm hơn 20 phòng học (phục vụ giảng viên vì lý do nào đó không thể giảng dạy ở nhà; khoa, bộ môn có thể đăng ký giảng dạy). Bộ phận thanh tra đào tạo được cấp tài khoản nên có thể tham gia vào các lớp học trong khoảng thời gian cho phép để thanh tra hoạt động dạy và học của giảng viên, sinh viên; hằng tuần báo cáo lãnh đạo nhà trường các vấn đề phát sinh để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Tương tự, việc giám sát lớp học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã được linh hoạt chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Tất cả các giảng viên đều phải cung cấp mã lớp cho cán bộ thanh tra pháp chế của trường. Đội ngũ thanh tra này có thể bất ngờ xuất hiện trong lớp học trực tuyến của các giảng viên để theo dõi chất lượng dạy và học.

Vẫn là giải pháp tình thế

Khẳng định đã chủ động triển khai dạy và học trực tuyến nhưng theo lãnh đạo các trường, đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo ông Chứ, vấn đề lo ngại nhất khi tổ chức giảng dạy trực tuyến kéo dài chính khả năng tiếp cận của người học đối với nguồn học liệu của nhà trường. Vì không phải tài liệu nào cũng tìm được trên Internet và giảng viên cũng không thể gửi hết tài liệu cho người học trước khi tổ chức lớp học. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ý thức tự học của người học (một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng trong đào tạo tín chỉ).

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng, phương thức dạy trực tuyến có một số điều kiện đảm bảo chất lượng khác biệt so với phương thức học trực tiếp, trong đó tập trung vào 3 yếu tố hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu, phương pháp sư phạm công nghệ và hệ thống hỗ trợ về phương pháp, kỹ năng và tâm lý cho người học.

Những khác biệt này đòi hỏi giảng viên, sinh viên, nhà trường phải thay đổi, thích nghi để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến. Theo bà Hiền, có lẽ điều mà các nhà giáo dục thấy lo ngại khi triển khai đào tạo trực tuyến là tâm lý của giảng viên, đặc biệt là của sinh viên trong các chương trình đào tạo tập trung.

“Việc thiếu tương tác trong môi trường thực sẽ khiến sinh viên bị hạn chế điều kiện để học hỏi và thực hành những kỹ năng, thái độ ứng xử nghề nghiệp và cuộc sống cần thiết cho tương lai sau này. Việc truyền cảm hứng từ giảng viên, bạn bè đến từng sinh viên qua môi trường mạng là tương đối khó khăn, ảnh hưởng đến động lực trong học tập và lòng yêu nghề của các em”, bà nói. Trường ĐH Ngoại thương đã thực hiện nhiều chương trình bổ trợ cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối để giúp họ tăng cường kết nối tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng, khám phá bản thân, phát huy năng lực, tự học để có thể thích nghi với những biến đổi của xã hội.

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại