Các chuyên gia cho rằng đây là tiền đề tốt để VinSmart nói riêng và các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam nói chung cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới.
Định vị chất xám Việt ở cái nôi công nghệ
Ba mẫu điện thoại trên được xác định là sản phẩm do Việt Nam sản xuất nhờ bộ mã (ID) bắt đầu bằng chữ "V": V340U (Fusion Z), V341U (Motivate ) và V350U (Maestro Plus). Đối chiếu với dữ liệu công khai của Uỷ ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) - nơi kiểm tra và cấp chứng nhận cho các thiết bị điện tử được lưu hành tại Mỹ cho thấy, tên nhà sản xuất chính là VinSmart.
Dữ liệu từ FCC cũng thể hiện rõ, ngoài 3 mẫu trên, còn 7 sản phẩm điện thoại của VinSmart đã vượt qua các bài kiểm thử, có thể bán tại Mỹ bất kì lúc nào.
Ông Bùi Thanh Duy, kĩ sư công nghệ người Việt đang làm việc tại Seattle (bang Washington, Mỹ) nhận định, đây là một dấu mốc rất đáng nhớ bởi lần đầu tiên, những chiếc điện thoại nhỏ bé nhưng mang hàm lượng công nghệ cao do Việt Nam sản xuất “lên kệ” ở thị trường xứ cờ hoa.
Theo ông Duy, động thái này đã xóa tan mọi nghi ngờ về khả năng tiếp cận những thị trường khó tính bậc nhất như Mỹ của doanh nghiệp Việt. Mặc dù từ tháng 10/2020, nhiều hãng tin tức lớn như Nikkei hay Bloomberg đã đồng loạt hé lộ thông tin VinSmart sẽ xuất khẩu 2 triệu điện thoại cho “một nhà mạng lớn của Mỹ”, nhưng vẫn có ý kiến ngờ vực về tính khả thi bởi đây là điều chưa từng có đối với ngành sản xuất công nghệ cao của Việt Nam.
Tuy nhiên chỉ sau đó ít lâu, Uỷ ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đã đăng tải thông tin công khai về loạt điện thoại mới nằm trong hạng mục EAS (Thiết bị điện tử sắp được bán tại Mỹ), trong đó có những hình ảnh đầu tiên của các sản phẩm “make in Việt Nam”.
Ông Bùi Thanh Duy cho hay, những bài test để vào Mỹ có lẽ thuộc loại khắc nghiệt nhất trong các thị trường. Ngoài tiêu chuẩn về giao thức mạng, chất lượng sóng vô tuyến, pin, thành phần độc hại,... phải tuân theo bộ tiêu chí chung khắt khe, yêu cầu do các nhà mạng lớn của Mỹ đặt ra cho nhà sản xuất còn cao hơn nữa với hàng nghìn lần kiểm tra, từ thả rơi tự do, tới ủ sương muối hay test phòng lab,...
Vì vậy, ông Duy nhận xét, việc được cấp chứng nhận đủ chuẩn bán tại thị trường Mỹ và có mặt trên kệ của một trong những nhà mạng lớn nhất thế giới là điều rất đáng tự hào của nhà sản xuất Việt. “Nhìn rộng ra, điều này cho thấy năng lực của các nhà sản xuất Việt Nam đã phần nào bắt kịp với quốc tế”, ông Duy nhận định.
Mang lại sự tự tin cho các doanh nghiệp sản xuất Việt
Trước khi nhận đơn đặt hàng 2 triệu điện thoại từ nhà mạng Mỹ, VinSmart đã viết nên kì tích khi chiếm vị trí Top 3 thị trường điện thoại di động Việt chỉ sau khoảng 2 năm ra mắt. Theo đánh giá của giới chuyên gia, vị thế hiện tại cũng như tầm nhìn vươn tầm quốc tế của thương hiệu điện thoại Việt là điều dễ hiểu, xét về năng lực sản xuất.
“Tôi đã đi thăm nhà máy và có thể khẳng định năng lực công nghệ và dây chuyền sản xuất của VinSmart không thua kém bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới về mức độ hiện đại”, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT-TT) Mai Liêm Trực cho biết.
Có một bộ rễ khỏe, VinSmart nắm trong tay hoàn toàn vòng đời của một sản phẩm, từ nghiên cứu phát triển, thiết kế và sản xuất. Điều ấy đồng nghĩa, hãng có thể chủ động phát triển, tối ưu sản phẩm. Đây là một lợi thế không có nhà sản xuất điện thoại thông minh Việt nào có được.
Chính nhờ lợi thế này, VinSmart có thể bắt tay với nhiều đối tác lớn, theo PGS, TS Nguyễn Đức Minh (Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông, ĐHBK Hà Nội). Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là điểm cộng khiến ông lớn viễn thông Mỹ bị thuyết phục bởi hãng điện thoại “tuổi trẻ, chí lớn” của Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, ông Bùi Thanh Duy nhắc tới việc làm chủ công nghệ "ở đẳng cấp tiên phong" của VinSmart. Đơn cử như chiếc Vsmart Aris Pro, một trong những mẫu điện thoại đầu tiên trên thế giới có công nghệ camera ẩn dưới màn hình do chính đội ngũ kĩ sư người Việt làm nên.
Theo ông Duy, có thể tin rằng những sản phẩm phổ thông như Fusion Z, Motivate và Maestro Plus sản xuất cho AT&T chỉ là khởi đầu, sau đó hãng điện thoại Việt sẽ đưa những dòng sản phẩm cao cấp vào thị trường Mỹ để thử sức.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vị kĩ sư công nghệ đã làm việc nhiều năm tại Mỹ cho rằng, việc các mẫu điện thoại do VinSmart sản xuất chính thức được tung ra thị trường Mỹ là một “tin rất vui” không chỉ cho hãng điện thoại Việt, mà còn cho cả ngành sản xuất công nghệ cao Việt Nam.
"Tôi cho rằng sau sự thành công của VinSmart, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao của Việt Nam tự tin đầu tư và mạnh dạn cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, vị kĩ sư nói.