Dân Việt

Đắk Lắk: Huyện Krông Pắk làm kênh dẫn nước tiền tỷ, thấp hơn mặt ruộng rồi… bỏ hoang

Ngọc Giàu 25/02/2021 13:51 GMT+7
Sau khi Bộ NN&PTNT đầu tư hồ chứa nước Krông Búk Hạ và hệ thống kênh chính, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã xây dựng tuyến kênh D3 với vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Nhưng kênh thấp hơn mặt ruộng nên bỏ hoang từ năm 2014 đến nay, nhiều vị trí hư hỏng, sạt lở phải đầu tư thêm kinh phí để sửa chữa.

Kênh bỏ hoang, tốn thêm tiền sửa chữa 

Ngày 23/2, ông Đinh Xuân Diệu – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết đã có báo cáo nhanh về việc kiểm tra hệ thống kênh dẫn nước D3 (thuộc dự án hồ chứa nước Krông Búk Hạ) vì bỏ hoang nhiều năm nay, mới đây phải bỏ tiền gia cố vì sạt lở nhiều nơi.

Đắk Lắk: Huyện quyết làm kênh dẫn thấp hơn mặt ruộng rồi… bỏ hoang - Ảnh 1.

Một đoạn kênh D3 bỏ hoang vì thấp hơn mặt ruộng

Theo tìm hiểu của PV, tuyến kênh đào D3 dài hơn 1km, lòng kênh đầy cỏ dại, cây bụi. Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Krông Búk dẫn phóng viên ra điểm cuối tuyến kênh D3 là cánh đồng thôn 9 rộng 65ha, thì chứng kiến cảnh dở khóc dở cười: Mặt kênh thấp hơn mặt ruộng.

Theo hồ sơ, Kênh D3 có chiều dài 1,2 km do UBND huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 15 tỷ đồng (thời điểm tháng 12/2014). 

Tuy nhiên Chủ tịch UBND xã Krông Búk Nguyễn Hải Sâm khẳng định gần 15 tỷ đồng đầu tư kênh D3 không hề phát huy hiệu quả. Ngược lại kênh bị sạt lở nhiều nơi, ngân sách phải chi thêm 850 triệu đồng để gia cố 4 điểm sạt lở.

Đắk Lắk: Huyện quyết làm kênh dẫn thấp hơn mặt ruộng rồi… bỏ hoang - Ảnh 2.

Cánh đồng thôn 9 nứt nẻ vì thiếu nước tưới

Về nguyên nhân dẫn đến công trình bỏ hoang, đại diện chủ đầu tư nói công trình làm theo thiết kế do Ban Quản lý dự án thủy lợi 8 thuộc Bộ NN&PTNT (gọi tắt là Ban 8) chuyển xuống. 

Trong khi đó, ông Mai Quang Vượng – Giám đốc Ban 8 cho rằng "huyện này bất nhất quá". Theo ông Vượng, kênh D3 do chi nhánh Tây Nguyên của Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ Trường Đại học Thuỷ lợi thiết kế cơ sở. 

UBND huyện Krông Pắk là đơn vị phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công để tổ chức đấu thầu, thi công ngoài thực địa. "Huyện nói chỉ làm theo thiết kế cơ sở do Ban 8 bàn giao là thiếu trách nhiệm và không đúng thực tế", ông Vượng khẳng định.

Từng có đề nghị dừng thi công vì không hiệu quả 

Không những vậy, theo ông Vượng ngày 27/9/2013, Ban 8 có văn bản đề nghị huyện ngừng thi công kênh D3 vì đây là kênh đào nên không thể tưới tự chảy mà chỉ tạo nguồn, sau đó dùng máy bơm để tưới cho cây cà phê ở hai bên kênh. Tuyến kênh đi theo địa hình phức tạp, vốn đầu tư xây lắp công trình và bồi thường giải phóng mặt bằng (giá năm 2011) khoảng 16 tỷ đồng. Tính ra để tưới cho 1ha phải chi 180 triệu đồng, khó đảm bảo tính hiệu quả.

Hồ chứa nước Krông Búk Hạ nằm trên địa bàn huyện Krông Pắk, do Bộ NN&PTNT quyết định chủ trương đầu tư hơn 1.630 tỷ đồng (điều chỉnh năm 2009) bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, cung cấp nước tưới cho hơn 11.400ha. Trong đó Bộ NN&PTNT chủ trì các hợp phần công trình đầu mối, kênh chính và hệ thống kênh có diện tích tưới trên 150ha với tổng mức đầu tư hơn 1.076 tỉ đồng. UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện hợp phần giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, hệ thống kênh, công trình có diện tích tưới dưới 150ha với tổng vốn đầu tư gần 554 tỉ đồng, trong đó có kênh D3.

Ngày 4/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (lúc đó là ông Nguyễn Sỹ Kỷ) ký văn bản trả lời Ban 8, thừa nhận suất đầu tư kênh D3 khá lớn nhưng cho rằng việc đầu tư công trình này là "hết sức cần thiết", "sẽ phát huy hiệu quả và mang tính lâu dài, từng bước ổn định đời sống người dân….". 

Phóng viên có liên lạc với ông Kỷ để hỏi về lý do huyện quyết tâm làm kênh rồi bỏ hoang nhưng không nhận được phản hồi.

Đắk Lắk: Huyện quyết làm kênh dẫn thấp hơn mặt ruộng rồi… bỏ hoang - Ảnh 4.

Kênh D3 không phát huy tác dụng, huyện Krông Pắk lại phải chi thêm tiền sửa chữa

Nói về vấn đề này, ông Đinh Xuân Diệu – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, khẳng định có việc kênh dẫn D3 bỏ hoang nhiều năm nay, không phát huy hiệu quả. Huyện đã lập đoàn kiểm tra và có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh. 

Sở NN&PTNT cũng đang tiếp tục kiểm tra nguyên nhân dẫn đến sự việc này. Ông Diệu cũng nói sẽ kiểm tra lại việc Ban 8 có văn bản đề nghị dừng nhưng chủ tịch tiền nhiệm kiên quyết thực hiện dự án đến cùng là do đâu.