Theo đó, PGS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mục tiêu bài thi đánh giá năng lực của trường này là hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học bằng hình thức đánh giá năng lực tư duy tổng thể của học sinh theo hướng tiếp cận với phương pháp của các nước phát triển trên thế giới; đồng thời từng bước hoàn thiện để tiến tới hoàn toàn tự chủ trong công tác tuyển sinh.
Nhà trường tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế; đánh giá hiểu biết về Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh); đánh giá năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xác định và chuẩn bị khá kỹ cho việc tổ chức kỳ thi này. Dự kiến năm 2021, trường vẫn tổ chức thi viết và hướng tới tổ chức thi trên máy trong những năm tới.
PGS.TS Trần Trung Kiên cũng cho biết: "Năm 2021 thay vì sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi THPT và bài kiểm tra tư duy, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng bài kiểm tra tư duy như một phương án xét tuyển riêng".
Cụ thể, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm của Miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 - 10.000 thí sinh.
Thí sinh dự thi bài thi tổ hợp trong 180 phút. Nội dung bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận.
Phần đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Tiến Thảo- Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết năm học 2021 - 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông, trong đó bài thi có nhiều mục đích, hướng tới đánh giá toàn diện cho học sinh sau khi kết thúc bậc học trung học phổ thông.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông sẽ gồm 3 nhóm năng lực chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá khoa học (tự nhiên – xã hội) và ứng dụng công nghệ; theo hướng cá thể hóa.
Lưu ý, thí sinh khi làm bài thi đánh giá năng phải thực hiện tuần tự từ phần 1 (định lượng) đến phần 2 (định tính) rồi sang phần 3 (khoa học). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay trở lại làm các câu hỏi của phần 1.
“Bài thi sẽ gồm tổng số 150 câu hỏi trong có 50 câu hỏi thuộc tư duy định lượng, 50 câu hỏi tư duy định tính, 50 câu hỏi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Thời lượng làm bài thi là 195 phút.
Theo kế hoạch dự kiến ngày 15/3/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố bài thi mẫu để thí sinh tham khảo. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi này với quy mô khoảng 10.000 thí sinh chia thành 6 đợt/năm, trong đó đợt 1 dự kiến bắt đầu ngày 8-9/5/2021 đến hết tháng 7/2021”, GS. Nguyễn Tiến Thảo cho hay.
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội 2021 sẽ tiếp cận theo hướng phi truyền thống nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh THPT.