Năm ngoái, mưa dữ dội tối giao thừa quả là điềm báo chẳng lành. Nhưng vẫn xong cái Tết ko xáo động. Cả năm 2020 gian khó trăm bề, mà kì diệu thay, hay chính nhờ bản lĩnh Việt Nam, quốc gia bên biển Đông mấy ngàn năm chống chọi đủ loại thử thách, tính thích nghi nhanh, chịu thương chịu khó mà khiến nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Cả thế giới khâm phục và kinh ngạc về Việt Nam, chống - chế ngự dịch tốt mà lại vẫn phát triển được kinh tế.
Nhưng đến 2021 thì bão tố nổi lên từ tháng Chạp. Lại đón năm mới tại nhà, giao thừa thứ 40.
Lần đầu tiên, tôi đi xe máy một vòng Hà Nội cũ (Hà Nội ...mới gồm cả Hà Tây thì cả đời không đi hết nổi!). Từ Cầu Giấy, phía Tây thành phố, lên Hào Nam Ô Chợ Dừa, qua Văn Miếu, tới Cửa Nam, rồi theo đường Điện Biên Phủ sáng rực cờ hoa, đi qua lăng Bác. Đào rực hồng cả phố ngắn Bắc Sơn - Đài liệt sĩ linh thiêng trước quảng trường Ba Đình lịch sử kề sát Hoàng thành - lõi địa linh Thăng Long. Mấy chiến sĩ bảo vệ tuổi chắc ngoài 20, đang canh gác dọc phía ngoài Nhà Quốc hội. Hỏi thăm, một chiến sĩ nói: "Tụi em canh gác đến 1h sáng thay ca. 24h đều túc trực. Em thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an".
Đi khỏi nhà khi 22h20, lần đầu bát phố vào giờ cuối cùng năm, mới thấy nhiều hơn những người không được ăn cơm Tất niên, cùng gia đình đón chào năm mới, nhiều hơn "danh sách" nghề mà mọi người thường biết, liệt kê. Không biết có phải vì khá đông dân nhập cư không thể về quê, mà tôi thấy Hà Nội đêm 30 lại đông khác lạ. Qua cửa đền Quán Thánh - một trong "Thăng Long tứ trấn", thơ thới tâm hồn theo lối Cổ Ngư lướt chậm giữa đôi hồ Lãng Bạc, Trúc Bạch. Thật thơ mộng và lãng mạn hơn khi gọi tên cổ cho hồ Tây và đường Thanh niên.
Tối mồng 1, tôi đưa các con đi "ngắm trâu". Người bạn nhà nông vốn ở nông thôn, lần đầu "tha thẩn" trung tâm Hoàn Kiếm. Trâu ở cổng phố sách phía Hai Bà Trưng, vườn hoa Cổ Tân, Tràng Thi và đẹp nhất là đàn trâu bên hồ Gươm, phía phố Hàng Khay.
Đàn trâu này là "trâu thiên sứ", "trâu ước mơ". Chúng béo, khỏe, lại nhiều màu, họa tiết bướm - hoa.. mơ mộng. Chúng không còn là gia súc chuyên bị khai thác sức kéo và bị xẻ thịt, mà hiện ra như bảo chứng của thảnh thơi, no đủ, vững chãi. Chúng tôi ngắm, đếm hết bầy trâu như muốn cộng niềm vui sống chậm. Không có trâu xám, trắng như thực tế mà là trâu xanh lá, xanh nước biển, đỏ, hồng.
Con trâu đỏ có mục đồng tinh nghịch ở góc hồ gần ngã 4 Đinh Tiên Hoàng, có làm sân khấu tiểu cảnh cho nhân dân chụp ảnh. Hẳn là nhiều người tạo dáng hay bục nền làm "hàng mã" mà tối mồng Một đã bị bung sàn. Đối diện tiểu cảnh quen thuộc đồng quê lần đầu tọa bờ hồ Lục Thủy, là 2 xe rác to sụ. Ko hề gì. Tôi và 5 bà mẹ khác cùng các con đều có khẩu trang, nhẫn nại chờ nhau để ôm, tựa trâu chụp ảnh. Phần không thể thiếu là ăn kem Tràng Tiền. Thương hiệu kem từ năm 1958 này là dấu ấn đời sống của người Thủ đô và ai xa, ai về Hà Nội, tới đây cứ phải" làm chầu kem" thì mới là "đóng dấu visa" Bờ Hồ. Hàng kem nằm trong sân Công ty Kem Tràng Tiền, không nghỉ ngày nào, kể cả hôm rét cóng. Bảo vệ gọi loa nhắc người - xe để đúng quy định. Sân cửa hàng cũng đặt chú trâu đỏ lực lưỡng cho khách chụp lưu niệm ngày Xuân. 10 nghìn đồng/ que các loại,13 nghìn/ốc quế chọn tùy khẩu vị, khách ăn kem nô nức xếp hàng. Chắc đây là món duy nhất Hà thành đạt kỉ lục người mua chịu khó xếp hàng đông và liên tục nhất. Hỏi chuyện anh Hải bảo vệ đã gắn bó tại đây, anh cho biết: "Hàng kem Tràng Tiền cứ gọi là bán...366 ngày ấy chứ. Đêm giao thừa bán tới gần 2h sáng mới nghỉ, doanh thu hôm 30 Tết 600 triệu, lãi ròng cũng phải 50%". Trời, sức ăn... kem thật kinh ngạc!
Ăn kem xong, chúng tôi lại được nghe đàn, hát từ người đàn ông ngoại quốc tóc vàng. I.Frost mở hộp đàn dưới chân, kiếm từng đồng lẻ. Thật không ngờ người hát rong này đến từ New Zealand, cầm cự cuộc sống tại Việt Nam thế này. Anh vẫn thấy may mắn vì Việt Nam an toàn, 100 triệu dân mà chỉ hơn 2000 ca nhiễm. Anh hát không hay, vẫn lác đác người cho tiền. Đúng là thời Covid, mọi thứ đều có thể xảy ra. Ta sang quốc gia giàu làm thuê thì đã đành, người từ xứ giàu tối tối hát vỉa hè ở ta, lần đầu tôi gặp. Theo người dân nhà cạnh đó, chị nói: "Đội này có 5 thằng Tây thay phiên nhau".
Tết Tân Sửu không mưa phùn bay, thứ mưa Xuân tươi mát dịu trong, mà ấm. Ngoài ấm thời tiết còn ấm tình người. Cả nước nỗ lực chống dịch, dù khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế phát nhiều lần mỗi ngày trên các kênh truyền hình, thì tinh thần tương thân tương ái không thể bị áp chế bởi nỗi sợ hãi, cảnh giác, đề phòng kiểu "nhà nào biết nhà ấy". Bị phong tỏa cách ly, cả nghìn ha đất nông nghiệp của Hải Dương rộ mùa thu hoạch rau, củ, quả. Hải Dương không liền kề Hà Nội (cách qua Hưng Yên), nhưng người Hải Dương sống ở Thủ đô, người Hà Nội quan tâm Hải Dương, tình của kinh đô với Xứ Đông thật ấm áp. Cứ nói dân ra giờ khấm khá hơn, Tết ko nặng chuyện ăn, vui chơi là chính, mà khi cần chung tay giải cứu giúp bà con thu hồi vốn và công sức chăm trồng, Hà Nội đã tạo nên chiến dịch nghĩa đồng bào thật cảm động. Giá rau quả, trứng, gà.. thấp hơn thị trường, nhưng không vì giá rẻ hơn, mà ở khí thế "giúp một tay" lan khắp mọi tầng lớp xã hội. Nông sản Hải Dương vào các siêu thị, được ưu tiên bày ở nơi thu hút nhất; hàng chục điểm bán hàng khắp Hà Nội đều tiêu thụ nhanh, người mua hồ hởi cầm sẵn tiền, lấy nhanh nhưng túi đồ đóng sẵn, không ai mặc cả.
Cuộc sống số, chính quyền - Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, những danh từ 5- khái niệm đặt ra là mục tiêu phấn đấu của xã hội công nghiệp thời đại 4.0, không thể chiếm, tước đi những tập quán văn hóa không chỉ của nền văn minh lúa nước, mà là khao khát nhân văn của cả nhân loại lúc này. Ở nhà lâu, không được ngồi cà phê, không được đến Nhà hát, rạp chiếu phim, có thể chịu đựng. Nhưng không thể không gặp nhau, không thể "mũ ni phớt lờ" nhưng đồng loại, đồng bào khi họ gặp rủi ro, nguy khốn. Xông nhà- cắt. Cúng cầu an - trực tuyến. Mừng tuổi bằng tin nhắn chuyển tiền. Siêu thị tận nhà, có dịch vụ đi chợ, giao hàng vào... bếp... những ưu việt của thương mại điện tử không thay thế đc sự kết nối giao lưu. Nhân viên vệ sinh nghỉ mồng Một, mồng Hai đẩy xe rác chưa gõ kẻng thì các bà các cô các ông các cháu đã nháo nhác tập nập ra vứt rác rồi tâm sự vài câu bên xe rác: "Chỉ chờ chiều đi đổ rác, được gặp nhau thế này... thích thật".
Ôi niềm vui bé nhỏ lại được nối, nhân khi mẹ tôi và các cô bác về hưu, các bà nội trợ rủ nhau đi "giải cứu rau củ quả Hải Dương". Không ai sợ lo vì mọi xe nông sản đều được phun khử khuẩn và cũng vì tình người lửa ấm phấn chấn. Triệu người góp sức, Hải Dương không đơn độc, rồi nước ta sẽ khống chế được dịch bệnh, kì tích sẽ xảy ra như một "Hiện thực - Phép màu"!