Trước kia có một người tình cờ thấy được một pho tượng Phật bên đường, anh ta nghĩ bụng: "Nếu như có người bước qua pho tượng này, chẳng phải là tạo nên ác nghiệp sao?"
Vậy là anh ta thỉnh tượng Phật đặt gọn bên đường. Bởi động cơ của anh ta thuần thiện, cho nên đã tạo thiện nghiệp.
Sau đó, có một người khác đi ngang qua chính nơi đó, anh ta phát hiện thấy tượng Phật bên đường, nghĩ bụng: "Trên tượng Phật này chẳng có bất cứ thứ gì che đậy cả, trải qua mưa nắng lâu ngày chắc chắn sẽ hỏng mất."
Vì muốn bảo vệ tượng Phật, anh ta bèn tìm kiếm quanh đó, thấy được một chiếc giày cũ mèm bên cạnh pho tượng, vậy là anh ta cầm chiếc giày để lên đầu bức tượng.
Ở trong tình huống thông thường, hành động như vậy chắc chắn không thể chấp nhận được, nhưng bởi vì động cơ khi ấy của anh ta vô cùng thuần thiện, nên cũng đạo tạo nên thiện nghiệp cho anh ta.
Không lâu sau, lại có một người đi ngang qua, anh ta thấy chiếc giày trên tượng Phật, nghĩ bụng: "Người nào đặt giày lên tượng Phật vậy? Đúng là quá đáng giận."
Vậy là, anh ta vội vàng ném chiếc giày đi. Động cơ của người này thuần thiện, cũng coi như đã tạo thiện nghiệp.
Ngay sau đó lại có một người đi tới, anh ta nhìn thấy tượng Phật bị đặt bên đường, nghĩ bụng: "Thật là thiếu tôn kính, không nên đặt tượng Phật ở chỗ này."
Vậy là anh ta tiện tay đặt tượng Phật lên chóp tường gần đó. Do đó, anh ta cũng đạo tạo thiện nghiệp.
Cuối cùng có một người nữa đi tới, anh ta nghĩ: "Tượng Phật nên được đặt ở nhà thành kính cúng dường mới phải chứ." Vậy là anh ta thỉnh tượng Phật về nhà, lau rửa sạch sẽ, tìm được một nơi thanh tịnh rồi bắt đầu cúng dường, mỗi ngày đều thắp hương vái lạy cúng dường.
Người này cũng đã tạo nên thiện nghiệp.
Nghiệp mà con người tạo ra chủ yếu nằm ở động cơ của họ, hành vi chỉ được xếp ở phía sau. Suy nghĩ của con người chính là nghiệp.
Bởi vậy, muốn để nghiệp của mình thanh tịnh, nhất định phải có một suy nghĩ thanh tịnh trước.
Chỉ cần ý niệm thuần thiện, thân nghiệp, khẩu nghiệp cũng sẽ dễ đạt tới sự thanh tịnh.
Pho tượng Phật bị bỏ bên đường tượng trưng cho chính tấm lòng của chúng ta. Có người sợ bị giẫm đạp, bèn đặt lòng mình ở bên cạnh; có người muốn bảo vệ lòng mình, lại đậy một chiếc giày cũ lên; có người thích tấm lòng vô tư, bèn vứt chiếc giày đi; lại có người đặt lòng mình ở trên chóp tường cao cao để đối xử với thế gian này.
Người cuối cùng, anh ta nhặt lại lòng mình, trân trọng lòng mình.
Ở một nơi thanh tịnh, anh ta dùng bồ đề và đại bi cúng dường, để lòng mình có được một nơi trú ngụ yên bình. "Tâm chính là Phật" là như vậy đấy.
Có một cô giáo làm việc ở một ngôi trường vùng núi xa xôi nọ, vì thức ăn trong nhà ăn quá tệ, ngoài cải thảo và củ cải ra chẳng còn thứ gì khác, mà sức khoẻ của cô giáo lại rất kém nên cô thường tới một thôn nhỏ cạnh trường để mua trứng gà.
Người bán là một bà cụ đã quá sáu mươi tuổi, bà bảo cô tự ra giá, cô giáo bèn quyết định giá mỗi quả 5 hào. Thật ra, cô giáo đã thầm tăng thêm 5 xu. Ở quê của cô giáo, trứng gà giá 4 hào 5 xu, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Cô giáo thấy bà cụ tội nghiệp, không con cái, chỉ sống nhờ vào việc nuôi mấy con gà, vậy là cô tăng thêm 5 xu cho mỗi quả trứng. Bà cụ này đáng thương, thôi thì cô giáo làm một thí chủ vậy!
Lạ một điều là bà cụ không hề mặc cả gì, cuộc mua bán cứ thế được quyết định.
Mua được một khoảng thời gian, cô giáo cảm thấy bà cụ quả thật đáng thương, bèn đơn phương tăng giá lên 5 xu, một quả trứng gà 5 xu 5 hào.
Lần này bà cụ lên tiếng, khăng khăng không chịu tăng giá, nhưng cô giáo vẫn muốn đơn phương tăng giá cho bằng được. Giằng co mất một lúc lâu, cuối cùng bà cụ cũng chịu.
Ngày hôm ấy, cô giáo đến chỗ bà cụ mua trứng như thường lệ, đúng lúc một người buôn trứng đang mặc cả với bà cụ. Người buôn trứng ra giá 6 hào mỗi quả để lấy hết số trứng đi, bà cụ không chịu.
Người buôn trứng nói, cái giá này đã cao lắm rồi, ở trong núi toàn lấy giá này cả.
Bà cụ nói: "Không phải vì giá tiền, mà là chỗ trứng này để bán cho cô giáo gầy gầy. Người ta vượt đường sá xa xôi tới chỗ chúng tôi dạy học, lại còn gầy như thế. Tôi mong cô ấy mập lên, tiếp tục dạy học lâu dài ở ngôi trường tiểu học này. Bọn trẻ cần cô ấy."
Cô giáo bỗng ngẩn ngơ, còn tưởng mình là một thí chủ, không ngờ thí chủ chân chính lại là bà cụ…
Mọi việc bạn làm với người khác đều là làm cho chính mính. Bởi vậy, bất cứ thứ gì bạn mong mình có được, hãy để người khác có được trước.
Sinh mệnh là một tiếng vọng, bạn trao sự thiện lương cho người khác, cuối cùng cũng sẽ nhận được tiện ý từ họ. Dù bạn tốt với ai, nhìn về lâu dài đều là tốt với bản thân mình. Hãy cứ mãi thiện lương, chỉ cần hỏi lòng mình, chớ so đo được mất.
Sống như đoá hoa, hương thơm sẽ mãi theo sau bạn. Mọi điều phúc lành đều không thể tách khỏi cái tâm. Khi chúng ta gieo xuống hạt giống thiện lương trong lòng mình, rồi sẽ có một ngày, hạt giống ấy sẽ đơm hoa kết trái.
Lương thiện là gốc rễ, là nền tảng cơ bản không thể thiếu trong việc làm người. Chỉ khi lương thiện, con người ta mới có thể bỏ qua cho những thiếu sót của nhau, giúp đỡ chia sẻ với nhau không vụ lợi… cuộc sống cũng nhờ vậy mà trở nên dễ dàng, thanh thản hơn.
Tăng Tử từng nói: "Con người thích làm việc thiện, dù phúc lành chưa tới, nhưng tai hoạ sẽ cách rất xa." Vậy thì tại sao mỗi chúng ta không tích cực làm việc thiện để tránh xa những điều tồi tệ, nhận về những điều tử tế để thế giới xung quanh mình ngày càng tốt đẹp hơn?