- Dạ, dạ, mời anh Sếp - Lái hai tay bưng tách trà đặt trước mặt Sếp Bự - Trà Bắc chính hiệu đó anh Sếp. Biết anh Sếp cố cựu nên em luôn có thứ nước chát chính hiệu để dành cho anh Sếp. Các cậu - Lái quay sang Toán, Thư và Văn Nông - nên bắt chước anh Sếp. Lăn lóc qua bao trận chiến, bao đổi mới, anh Sếp vẫn chung thủy với thứ nước chát này như người ta chung thủy với vợ mình. Phải nói tầm cỡ anh Sếp chỉ thiếu gan trời nhưng vẫn không bỏ nó, nhất là sau một chầu lúy túy có nó vào thì cứ y như là tỉnh hẳn cả người.
Sếp Bự điềm nhiên bưng tách trà chiêu một ngụm, lim dim mắt thưởng thức. Toán và Thư thấy Sếp Bự lim dim thì cũng lim dim chứ thật ra hai chàng chả khoái tí nào. Riêng Văn Nông thì chẳng việc gì phải dõi theo dự báo nắng mưa trên mặt Sếp Bự, lão chu miệng thổi phù một cái rồi nuốt ực luôn, một hớp thứ hai nữa là cạn tách nước. Với tay rút cây tăm xỉa răng, lão rủa thầm Lái: "Mả cha mày! Tao không đáng bố đẻ mày thì cũng đáng bố vợ mày chứ cậu cậu tớ tớ. Khúm na khúm núm... Rõ là đồ Lái!".
- Thôi. Ông tâng tôi vừa vừa thôi. Uống gì thì tùy khẩu vị mỗi người. Trà bắc cũng tốt mà gì gì cũng tốt. Mình chẳng trà đạo trà đàm, quốc hồn quốc túy gì mà ép người ta. Uống trà tuy tốt nhưng cũng dễ nghiện, mà cánh trẻ thì đừng nên nghiện gì cả.
- Dạ...Dạ...- Toán và Thư làm một màn tung hứng tuyệt diệu với lời nói của Sếp Bự - Anh Sếp nói chí phải chí phải. Chơi gì cũng được nhưng chớ ghiền gì ngoài tiền.
- Hai cậu này! May mà anh em nhà cả - Sếp Bự cười cười, nụ cười khuấy động lòng người. Bởi ở lứa tuổi ngoại lục tuần mà hai hàm răng của Sếp đều sin sít, bên ngoài khuôn lại vành môi tái bầm theo màu thời gian dưới hàng ria mép xén tỉa cẩn thận tạo nên nụ cười chắc sẽ làm mê hồn những chị em đa tình ở độ tuổi hồi xuân mà đấng lang quân đã thuyền tình rẽ lối. Và cầm chắc sẽ run rẩy đắm đuối nếu thuận cho Sếp đáp nhẹ nụ hôn tuy không là đầu đời thì cũng là đầu tiên của đấng nam nhi chưa từng hôn mình. Nếu có vậy thì xin mạn phép nhắc nhỏ chị em cho đáp nhẹ thôi, bởi là một sự không thể nào tha thứ được nếu trong giây phút cực kỳ mê đắm Sếp ta dừng lại nửa chừng để sửa chữa cái phương tiện đầu tiên xé nghiền thức ăn thì sự tức giận của chị em bảo đảm sẽ đến cực điểm.
Bình trà đã nhạt phải thay trà mới. Lái đổ xác thay trà, nói với Văn Nông:
- Đã cân hết rồi thì mai sớm thanh toán nhé! Nếu quá 10 giờ sáng mai mà chưa thanh toán thì tớ bắt đầu tính lãi đó. Qui luật mà! Cậu cũng đã rõ.
- Được rồi, mai tôi đến trả tất. Mẹ cha cái thời vận khốn kiếp! Coi như làm không công cho...- Văn Nông kịp dừng lại và ực một cái cạn hết tách nước trà nóng bỏng cổ như muốn nhờ ngụm nước đẩy trôi cục tức vừa mới dâng lên. Mà không tức sao được? Mười tạ heo giá thị trường 80, Lái chỉ tính giá 65 chỉ vì heo mới lơ ăn mà lão thiếu vốn sợ buổi rủi; 10 tấn thóc mới cân cho hắn giá 62, 10 ngày sau đã vọt lên giá 68, còn nhiều, nhiều nữa... Lão trách hắn, hận hắn nhưng chỉ nhất thời bởi lão là nông dân thuần túy. Trong thâm tâm lão vẫn phục hắn, cái thằng Lái trời đánh bà con cách ba tầm đại bác của lão.
Nhờ Lái đỡ đầu nguồn vốn lúc khó khăn, gia đình lão đã có cái ăn cái mặc. Bữa cơm hằng ngày miếng cá miếng thịt nhiều hơn. Thi thoảng lão dám bỏ ra một ngày nhắp tí cay với bầu bạn mà vợ con vẫn vui vẻ. So với mươi năm trước đây lão đã đỡ khổ hơn nhiều.
Nhưng có đi thì phải có lại, đúng như lời Lái nói khi làm ăn với lão: "Chúng ta làm ăn hai bên cùng có lợi. Tôi giúp ông đồng vốn lúc khó khăn thì khi thu hoạch vừa xong, heo gà đến lứa xuất, ông phải bán ngay sản phẩm cho tôi như giá thị trường, không được bán cho ai khác. Nếu chậm một ngày thì tôi tính lãi 5%." Thế là Lái bao tiêu sản phẩm cho lão. Nhưng mẹ cha nó! Khi thu hoạch thì cứ y như giá thị trường xuống thấp, sản phẩm về kho Lái rồi thì giá lại tăng lên.
Lão tức lộn ruột. Khốn thay! Lão giỏi giang là thế, là tấm gương sản xuất giỏi cho bà con noi theo là thế mà vẫn chưa giàu được. Với lão, giàu là con lão có xe đời mới đi học; giàu đó là lão cất được ngôi nhà chưa phải nền gạch men, tường ốp lát như bà con nhưng cũng đủ phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách; giàu đó là sau một vụ lúa, một lứa heo gà vợ chồng lão đóng cửa đếm tiền cất vào tủ mà không phải đem đi thanh toán nợ nần gần hết. Lão mơ hồ nhận thấy cứ làm ăn theo kiểu ăn trước trả sau thế này đến cuối đời lão cũng không cất được ngôi nhà mơ ước.
Lão tức, lão hận, nhưng lão vẫn nhớ ơn Lái là thế.
***
Nếu chú ý sẽ thấy thời gian gần đây thiên hạ, nhất là các đấng mày râu, phốp pháp hẳn ra. Khổ nỗi, các ông không mập toàn diện với số đo ba vòng tương xứng nhau mà chỉ phình cái bụng. Cơ thể phát mập, đó là biểu hiện của ăn nên làm ra. Sau bao nhiêu năm kham khổ, có cũng chẳng dám ăn càng. Giờ sang thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh, người ta mặc sức phô diễn sự giàu có của mình: tranh nhau ăn, tranh nhau uống. Món ăn, thức uống được chế biến từ đơn giản đến cầu kỳ để phục vụ túi tiền của những thượng đế ông, thượng đế bà, và luôn cả thượng đế nhí. Nói chung là phục vụ cho một mớ tạp hổ lốn thượng đế hiện nay.
Các ông sau khi ăn uống no say thì hay sinh nhăng nhít. Mới đầu đối tượng rất thích số đo vòng giữa vượt trội của các vị, bởi đi kèm theo đó là những tờ polymer có mệnh giá rất lớn. Nhưng rồi cái bụng lặc lè của con ểnh ương không gợi cảm bằng sức bật của cặp đùi ếch, một cơ thể cường tráng với bụng thon vai nở tràn đầy sinh lực vẫn được ưu ái hơn. Dù chăng mua bán vẫn có chút tình riêng!
Thế là các vị tìm đến các phòng tập thể dục dụng cụ, chí ít cũng xà đơn, xà kép ở nhà. Cơ thể bấy lâu quen được tẩm bổ nay tự tẩm quất lấy mình. Ôi chao là khổ! Nhưng thử hỏi trên đời này có gì hơn "Nhất mua duyên, nhì giỡn tiền", thì khổ vì cái nhất ấy cũng đáng lắm chứ!
Sếp Bự cũng thế. Trong công việc làm ăn hay thú chơi bời, Sếp Bự nắm bắt rất nhanh nhu cầu của thời đại để mà đáp ứng. Tên cúng cơm cha mẹ đặt cho Sếp là Văn Sếp. Tên đệm Bự là do mọi người gán cho khi Sếp là một trong vài người có vai vế ở huyện phát mập. Cơ thể phát mập đúng vào lúc Sếp ngồi vào ghế thủ trưởng một cơ quan. Sếp Bự mặc nhiên đón nhận tên ghép như đón nhận một lời chúc tụng.
Nhưng giờ đây Sếp Bự quyết định từ giã với cái bụng bự của mình. Một quyết định thật dũng cảm, bởi là một cực hình với sếp ! Sếp phải giảm các món ăn giàu calo, giảm bia rượu... Sếp giảm gần hết cái nhất khoái trong tứ khoái nên khổ thân Sếp. Điều an ủi duy nhất là Sếp biết sẽ tăng cường độ một trong ba khoái còn lại.
Hằng ngày Sếp dành ra một tiếng đồng hồ vàng ngọc chơi tennis, bò càng trên nhà với máy "tình yêu". Thủ trưởng là đầu tàu nên trong cơ quan Sếp rộ lên phong trào "Vì một cơ thể đẹp", chiều chiều tất cả mọi người trong cơ quan Sếp đều ra sân. Thật đáng khen!
Hôm nay Sếp Bự đang nhễ nhại mồ hôi với máy "tình yêu" thì có khách đến. Văn Nông, anh em con bác của Sếp đến viếng thăm để nhờ và mượn một phần thông minh của Sếp để làm ăn.
- Thế nào? Vẫn miệt mài với "tình yêu" đó à? - Văn Nông xởi lởi trong khi chà thật kỹ hai bàn chân trên tấm thảm bên ngoài cửa phòng khách - Chà ! Bữa nay trong săn chắc hẳn ra đó nghe. Coi chừng thím nó ghen đó. Chăm sóc vợ cho chu đáo vào!
Sếp Bự khăn lông vắt vai, mình trần, mở tủ kính lấy ra hủ rượu ngâm thuốc Bắc đen sánh, nói:
- Nói thật cũng thấy khỏe nhiều. Làm một ly thập toàn đại bổ nghen anh Nông! Anh đến chơi hay có việc gì không? Hỏi vậy chớ tôi biết ông anh có khi nào bỏ thời gian đi nói chuyện phiếm đâu, chắc có việc rồi.
- Ấy, cái thằng siêng năng như tôi ba đời cũng không men lại chú Sếp. Siêng năng lắm vào rồi cũng đủ nuôi mấy anh lái.
Văn Nông ngửa cổ ực hết ly rượu thuốc. Men rượu nóng ran làm lão thấy phấn chấn hẳn lên.Hôm nay lão phải dốc hết bầu tâm sự với Sếp Bự dù lão biết hắn là một tay ma mảnh có cỡ. Chả thế mà những năm 90, hắn còn nghèo rớt mồng tơi, qua lại hơn mươi năm sau sống với đồng lương nhà nước, hắn đã tạo cho mình một cơ ngơi khang trang vào bậc nhất xã. Nghe đâu bà con trong họ xầm xì với nhau là hắn có phần hùn ở những cơ sở công thương nghiệp trong xã nữa. Nhưng hơn ai hết lão biết Sếp Bự là thằng có văn hóa, hắn nói năng, cư xử ân cần với bà con họ mạc, hắn có tên trong các công trình phúc lợi dân sinh nhưng không bao giờ là người đóng góp cao nhất, vị trí danh dự ấy hắn âm thầm nhường lại cho nay người này, mai người khác. Nói chuyện với hắn lão luôn thấy dễ chịu và tự tin.
Văn Nông chồm qua bàn nắm lấy bàn tay Sếp Bự:
- Chú Sếp này! Anh phục chú nên mới đến chú, gì cũng là anh em nhà. Đúng! Anh là thằng sản xuất giỏi. Nhưng đổ mồ hôi, sôi nước mắt cả năm cũng đủ chi tiêu dè sẻn và lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Làng xã mình nhiều người sản xuất chẳng ra gì nhưng chúng nó cứ phất lên vù vù. Mình nghĩ nát óc mà chẳng biết chúng làm giàu bằng cách nào.
- Thôi được. Anh tin tôi thì...chỉ vẻ tôi không dám, tôi chỉ gợi ý với anh thế này. Anh dám làm chuyện mà luật pháp cấm như nhận bán lẻ,vận chuyển ma túy, chứa gái, chứa bạc, chủ đề không?
Đang ngồi cong lưng, Văn Nông bật ưỡn thẳng người như chiếc lò xo, mở to mắt nhìn chòng chọc Sếp Bự:
- Chú nói chơi à? Tôi vái cả nón!
- Vậy sản xuất theo kiểu công nghiệp?
- Nghe hấp dẫn nhưng mình không vốn không dám mơ tới.
- Nếu có nơi cho mượn vốn?
- Có thóc mới cho mượn gạo,người ta dại gì giúp thằng nghèo như tôi. Vay ngân hàng thì họ bảo phải có tài sản tương xứng thế chấp mới cho vay. Còn giúp như thằng Lái thì tôi xin chào!
Sếp bự cười tủm tỉm. Nếu Văn Nông biết được việc làm ăn của Lái có 1/3 phần hùn của hắn không biết ông anh nghĩ thế nào.
- Vậy thì thật khó cho anh...Nếu ngoài làm ruộng, chăn nuôi anh còn làm được gì nữa? Như chạy máy phay, máy gặt, mở quán nhậu, mở quán cà phê kèm bàn bi da, làm bánh, làm bún, làm đồ chơi trẻ em, trồng cây kiểng chờ cơ hội...
- Thôi thôi chú ơi...Mấy chuyện đó thì có cái được có cái không. Nhưng - Văn Nông nhíu mày, nhíu mũi, nhăn nhó - ngoài không vốn mình cũng đã có tuổi rồi, lũ nhỏ đi học, mẹ nó thì việc nhà cũng đã hết ngày.
- Ôi ông anh của tôi! Cái gì anh cũng không. Sao anh không ăn, không uống luôn cho xong! - Sếp Bự đẩy ly rượu sang bên, hai tay bắt tréo các ngón vào nhau để trên bàn, chồm người về phía Văn Nông - Để tôi nói có đúng tim anh không nhé. Có phải mọi việc làm ăn khác ngoài cày sâu cuốc bẫm, thái rau, khuấy cám như ông cha ta ngày xưa anh đều sợ phải không?
...Anh đừng có nóng. Thương anh tôi mới nói. Có phải vậy không?
- À...chú nói cũng đúng - Văn Nông chống cùi chỏ lên bàn,bàn tay đỡ lấy trán, mấy ngón tay day day thái dương - Cũng tại mình nghèo qua...mà những việc đó mình không quen.
- Thôi đi anh ơi ! Anh đừng biện chứng ! Tiếng nghèo cứ gắn chặt trên môi thì làm sao anh thoát khỏi nó được. Nhìn người ta làm giàu anh cũng muốn mà tay chân không chịu nhúc nhích. Nói vui chứ ngày xưa tình anh thích chị mà tay chân không động cựa thì làm gì tôi có bà chị dâu đảm đang như bây giờ - Sếp Bự đổi tư thế ngồi ưỡn người ra lưng ghế - Anh phải thay đổi đi! Không nói đâu xa, tôi chỉ khái quát về xã ta thôi. Cách đây vài mươi năm, thời hợp tác xã, làm ăn mỗi năm một vụ lúa, mơ no còn chưa dám nói chi mơ giàu. Bây giờ nước đập đầu nguồn dẫn về, đồng ruộng mỗi năm tăng ba vụ lúa, năng xuất tăng, sản lượng tăng. Thu nhập một năm bây giờ bằng sáu năm trước đây gộp lại. Mà tuổi thọ của con người ta cũng bấy nhiêu đó thôi. Của mình làm ra tội gì không thụ hưởng. Tôi nói có đúng không?
- Đúng. Tình hình kinh tế phát triển của xã mình chú nói rất đúng.
Sếp Bự rút một điếu thuốc trong lon Capstan để trên bàn, đánh diêm mồi thuốc. Sau khi rít một hơi dài, Sếp Bự tiếp:
- Được! Anh nghe tiếp đây. Đây sẽ là công việc làm ăn của anh, cũng là trả lời câu hỏi của anh do đâu người ta làm giàu nhanh. Như tôi đã nói, bây giờ người ta ăn no mặc ấm rồi thì nghĩ tới ăn ngon mặc đẹp bởi nhu cầu hưởng thụ của con người là vô tận. Sống cái nhà, già cái mồ. Đã có dư thì thiên hạ đua nhau xây nhà. Cái xây sau của anh B không lớn hơn thì cũng bằng cái anh A xây trước. Tính ganh đua đố kỵ của con người mà. Thế là để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của con người tất có cung ứng. Cung ứng! Làm ăn của anh ở hai chữ đó đó . Anh nghe được chưa?
Sếp Bự ngừng nói, chăm chú nhìn Văn Nông. Xem ra thì đầu óc của một chủ nhiệm hợp tác xã một thời nổi tiếng chẳng lạ gì những điều hắn vừa nói, bởi sắc mặt của Văn Nông chẳng có gì thay đổi. Chơi với nhau từ khi còn bé tí, Sếp Bự còn lạ gì Văn Nông. Thật thà như đếm nên làm chủ nhiệm một hợp tác xã trên 2000 nhân khẩu, hơn 500 héc-ta ruộng ngọt, ruộng mặn mà nhà vẫn nghèo.Thẳng như ruột ngựa nên những chuyện lươn lẹo chẳng ai dám đặt vấn đề làm ăn với lão. Quanh năm vợ lão chẳng bao giờ ngửi thấy mùi say xỉn của chồng. Ngoài làm ruộng chăn nuôi ra lão còn nổi tiếng về đọc sách. Nói không ngoa chứ thư viện trường phổ thông và quầy cho thuê truyện ở trung tâm xã không còn sách để lão đọc. Nói của đáng tội, Văn Nông chẳng phải tuýp người Sếp Bự thích quan hệ làm ăn. Nhưng vợ chồng con cái hắn cảm cái ơn những năm tháng cưu mang của lão. Cái thời mà Sếp Bự còn là cán bộ tòn teng của huyện, đạp chiếc xe đạp lóc cóc ba chục cây số đi về mỗi ngày mà lương tháng không đủ nuôi vợ. Văn Nông đã giúp vợ con hắn có cái ăn dù là khoai củ trong quyền hạn của lão. Bát cơm "Xíu mẫu" ngày nào Sếp Bự luôn canh cánh bên lòng mong có ngày đền đáp, đền đáp đúng tính cách của Sếp Bự. Nên hôm nay hắn sẵn lòng trải một phần gan ruột ra với Văn Nông.
- Mình nghĩ được thì người ta cũng nghĩ được. Hơn nhau ở chỗ có gan, có chịu chơi hay không? Đoán trước được thời cuộc hay không? Được biết anh là người đọc nhiều sách. Thằng em không bằng anh nhưng xin được mạo muội góp ý với anh thế này. Đọc một quyển sách nên rút lại một trang, một dòng, thậm chí là một chữ có ích cho mình thôi. Đừng nên cái gì hợp với mình thì khen hay, không hợp với mình thì chê tất. Phải lấy kiến thức của thiên hạ phục vụ cho việc làm ăn của mình. Sao? Anh thấy thế nào?
- Ừ, chú Sếp nói đúng quá ! Quả thật trước đây xã mình có mấy hàng quán đâu, bây giờ mọc lên như nấm sau mưa. Rồi máy cày, máy gặt đập, lò bánh, lò bún đua nhau rền vang suốt ngày... Chắc mình cũng thử làm một việc gì đó xem sao. Mà tôi thấy nó khó khó sao đó chú Sếp à! - Văn Nông gãi gãi đầu, làm như món tóc rễ tre lốm đốm bạc cản trở quyết tâm làm giàu của lão.
- Khó gì mà khó ! Mà không phải thử ! Anh phải xắn tay áo lên, lao cật lực vào. Phải yêu việc làm giàu như yêu người yêu của mình, xem đó là trách nhiệm của anh với vợ con, với bà con họ tộc... Tôi chẳng giàu có gì nhưng tình nguyện giúp anh 1/3 vốn. Yên tâm đi, không có phần trăm lãi gì ở đây. Sau một năm anh hoàn vốn lại cho tôi. Nếu anh nghĩ đến ngày hôm nay thì thay vì lấy tiền về, anh cho tôi hùn 1/3 vốn với anh. Làm ăn bây giờ không thể đơn thương độc mã được. Sức mạnh của tập thể anh thừa biết rồi đó. Tôi chờ anh trả lời vào ngày mai cũng vào giờ này. Anh Nông làm một ly nữa nhé? À! Sáu giờ rồi, tôi bận ít công việc, anh Nông cảm phiền về nhé. Mai anh em mình gặp lại.
Văn Nông ra về tinh thần phấn chấn, không biết do mấy ly rượu hay do gợi ý của Sếp Bự. Chuyện làm ăn hắn nói nghe trơn tru thế nào ấy. Mà đúng thôi, những cách làm như vậy ai làm chả được. Hắn còn bảo giúp vốn cho mình mà không tính lãi. Đương nhiên rồi, làm ăn có anh có em hơn hẳn đơn thân một mình. Nếu xuôi chèo mát mái thì một năm sau hắn hùn vốn với mình. Có một người hiểu xa trông rộng như hắn một bên thì mình còn lo gì nữa. Thôi khỏi cần đến mai, mình quay lại trả lời dứt khoát với hắn là mình đồng ý. Mà không được! Phải tính làm chuyện gì đã chứ... Thật đúng là chẳng ra làm sao cả !
Tự độc thoại với mình như thế, Văn Nông về đến cổng nhà tuy không liêu xiêu cũng đủ để lão thấy mọi vật trên đường đáng yêu hơn, và cuộc đời vẫn đẹp sao khi vợ lão, một phụ nữ đẫy đà ngoài 40 đang vãi thóc cho đàn gà trên trăm con trước sân nhìn lão với miệng cười tươi rói..
***
Hôm nay Văn Nông làm mâm cơm cúng "Ông chuồng Bà chuồng" và "Các Bác" ngoài sân. Sau khi xuất lứa gà thịt và gà con, tính ra lãi ròng được 58 triệu. Khách được mời chỉ có Văn Sếp là đến sớm nhất vì là anh em nhà.
Ở quê người ta không gọi Văn Sếp là Sếp Bự. Nghe đâu trong một đợt thanh tra về việc phân chia diện tích nuôi trồng thủy sản, cơ quan quyền lực không có chứng cớ xác thực về Văn Sếp tham ô, nhưng về mặt quản lý Văn Sếp bị kết tội quản lý kém đã để cho cấp dưới lạm quyền nên bị kỷ luật và buộc thôi việc. Bà con ở quê chẳng biết thực hư thế nào vẫn sẵn lòng đón nhận Văn Sếp như đón nhận một người con quê hương đi xa trở về. Và cũng bởi trong thời gian còn tại chức, ít nhiều Văn Sếp cũng đã đóng góp cho quê hương và chưa gây ác cảm với một ai. Thế mới biết "Tiền tài như phấn thổ, nghĩa quí tựa thiên kim". Tuy không còn được trọng vọng săn đón như khi còn chức quyền, nhưng với những phần hùn trong những trọng điểm hoạt động công thương nghiệp trong xã, Văn Sếp vẫn có cuộc sống ung dung nhàn nhạ của kẻ lắm tiền. Và người ta thường được nghe trong những câu chuyện tâm tình Văn Sếp kết thúc bằng câu nói "Gặp thời thế thế thời phải thế".
Khách mời lần lượt đến bằng đủ loại xe khác nhau, toàn xe đời mới cả. Duy chỉ có Lái Thẹo cưỡi chiếc DH mục dè, niềng găm rỉ sét lốm đốm.
Năm Lủi đang nói chuyện cùng Văn Nông thấy Lái Thẹo đến liền cà khịa:
- Chà! Tám vụ đìa mới mua được món đồ cổ đó hả ông Lái?
Lái Thẹo lặng im dựng xe dưới tán xoài rồi bước lên thềm, quắc mắt trừng Năm Lủi:
- Này! Tao chẳng chọc ghẹo gì mày nghe oắt con. Tám vụ chứ tám chục vụ thằng Lái Thẹo này vẫn chịu được! Mẹ họ... mới tanh tanh tí chút đừng lên mặt. Mẹ kiếp! Cười người chẳng được cười lâu đâu nghe Năm Lủi!
Văn Nông đang đốt giấy vàng mã dưới sân nghe khẩu khí của hai người có phần căng thẳng liền lên tiếng:
- Thôi mà hai chú, căng thẳng với nhau làm gì, anh em cả mà
- Ông nghe rồi đó. Tôi đâu có chọc nó. Tôi làm ăn thua lỗ là do thời vận chứ phải do cờ bạc hay cho đĩ ăn đâu mà nó khịa tôi. Nó là hàng xóm của ông, tôi nể ông lắm đó.
- Thôi mà chú Lái. Một câu nhịn chín câu lành. Mà chú Năm đừng đùa chú Lái nữa. Tám vụ tôm mất gần ba tỉ bạc chứ ít đâu. Xót lắm chứ.
Văn Nông nói vậy vì lão rất hiểu Lái Thẹo và Năm Lủi. Tên đệm kèm tên chính không phải vô cớ mà người ta gán cho. Một vết sẹo kéo dài từ mang tang đến cằm làm cho khuôn mặt của Lái Thẹo lệch chuẩn. Đã thế, hàm râu quai nón tua tủa làm cho nét mặt thêm dữ dằn. Trong lý lịch đời tư của mình, Lái Thẹo có một quãng đời là dân anh chị ở miền Nam. Đến ngày giải phóng 30/4/1975 Lái Thẹo về lại quê làm đủ mọi nghề: phá sơn lâm, đâm hà bá, đãi đất tìm vàng, luồn rừng tìm trầm... Những công việc mang tính may rủi, được ăn cả ngã về không đều có Lái Thẹo. Nhưng ghi đề, chứa gái, chứa bạc thì hắn không dám nhúng tay vào. Hắn sợ cho cái lý lịch một thời của mình.
Thế rồi chẳng hiểu vì sao hắn trụ lại đất này lần nữa. Hắn dựng nhà máy xay xát to nhất xã, thu mua nông sản, mua bò, mua heo chở đi bán các nơi. Những chủ máy gạo nhỏ, những lò mổ cò con không tự rút thì cũng thất điên bát đảo vì hắn. Không như những người sống cố cựu ở nông thôn, hắn không giấu diếm sự giàu có của mình. Và ở đất này có mấy người làm ruộng và mua bán lẹt đẹt không nợ hắn, hàm ơn hắn. Vậy mà cách đây bốn năm hắn nhượng nhà máy xay xát lại cho Văn Sếp, dẹp nghề thương lái, gom góp của cải mua đìa nuôi tôm xuất khẩu.
Liên tục tám vụ liền bốn đìa tôm của hắn gần như mất trắng. Họa vô đơn chí, con trai hắn lái xe tông người chết phải bồi thường và đi tù. Tài sản của hắn còn lại bây giờ là ba cái đìa tôm và căn nhà hai tầng duy nhất ở địa phương cũng đã thế chấp cho nhân hàng. Còn Năm Lủi thì đơn giản hơn. Biết cày ruộng, gieo giống từ khi còn nhỏ. Nhưng làm ăn làng nhàng chỉ giỏi trốn vợ đi hát karaôkê ôm và uống rượu gây gổ đánh lộn. Trong những cuộc nhậu với mọi người, hắn luôn lủi sớm để khỏi đóng góp. Con người ta mấy ai cùng một việc dại quá ba lần. Chẳng qua mọi người chìu hắn do cha hắn là chủ tịch xã, anh trai hắn là phó công an huyện.Người dân nông thôn vốn lo xa mà !
Cỗ bàn được dọn xuống. Mâm cơm thì phần nhà dưới. Con gà luộc tréo cánh vàng lườm to tổ chảng đặt giữa mâm cùng con dao Thái và ba chén muối tiêu chanh với ba tệp giấy lau. Chai rượu trắng mới chiết ra từ can rượu mười lít còn sủi tăm.
Văn Nông rót rượu ra ly mọi người rồi nói:
- Nào mời anh em! Cũng như mọi lần, mình cúng tạ trên đầu trên cổ và mời anh em thân hữu cùng chia vui với gia đình mình. Ly đầu tiên mời anh em cạn hết với mình để cùng chúc nhau may mắn nhen. Mời !
Chẳng biết những con người ngồi đây đã được liệt vào hàng bợm nhậu chưa, nhưng nhìn con gà tươm mở vàng lườm và nghe lời mời chí tình của gia chủ hỏi ai từ chối được.
Lái Thẹo ngửa cổ "ụp gàu" hết ly rượu, nhăn mặt, nói:
- Kiếm đâu ra Bầu Đá chính hiệu vậy ông Nông?
- Tửu vị của Lái Thẹo ghê thật ! - Năm Lủi vừa nhăn mặt uống hết ly rượu rồi cầm con dao Thái cắt ngang cổ gà lấy cái đầu để riêng, tiếp - Cái đầu để lại sau xốc dĩa nghen anh em.
- Một con này nhậu mệt nghỉ rồi. Mày định làm một con nữa hả Năm Lủi?
Năm Lủi nhướng mày, mở to mắt nhìn Lái Thẹo:
- Việc gì phải làm con nữa?
- Thì Năm Lủi mày phải hỏi anh Nông tao mua con nữa làm cúng xin thay tên. Có khi nào Năm Lủi ngồi với anh em đến cùng đâu mà để đầu gà xốc dĩa. Nếu vậy thì đâu xứng danh Năm Lủi!
Mọi người đang theo dõi cuộc đấu khẩu giữa hai người nghe vậy bùng cười ha hả.
- Ha..ha...
- Ha..ha... Giỏi lắm. Giỏi lắm Lái Thẹo !
- Biết dân giang hồ nghe Năm Lủi. Đừng cà khịa nữa. Đừng đụng vào lửa mà bỏng tay.
Văn Nông rót rượu vào ly mọi người, nói:
- Hai chú này hễ gặp nhau là như nước với lửa. Bây giờ xin phép anh em cho tôi nói với chú Sếp một câu - Văn Nông xoay sang Văn Sếp ngồi bên cạnh - Ly rượu thứ hai này anh đặc biệt mời chú Sếp. Anh được như hôm nay là nhờ chú mọi bề. Ấy! Chú đừng bảo sao anh cứ nói mãi. Anh thường bảo vợ con là oán thì nên quên bởi nhớ sẽ tự làm khổ mình vì thù hận, nhưng ơn thì phải kết cỏ ngậm vành mà nhớ. Rất cảm ơn chú về những gì chú đã giúp anh. Mời! Anh em mình cùng cạn hết nhen. Dô chú !
Văn Sếp cạn hết ly rượu cùng Văn Nông rồi xé một miếng da gà chấm muối tiêu chanh, lòng vui khi nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy...
Sau khi đưa ra nhiều mô hình làm ăn mà Văn Nông cứ mãi ngập ngừng đến khó chịu khiến hắn đã muốn bỏ cuộc thì tiếng gà cục tác trái lệ bên nhà hàng xóm xẹt qua óc hắn như một luồng điện bởi một ý tưởng: chăn nuôi gà! Văn Nông hội đủ điều kiện để làm một chủ trại chăn nuôi cỡ vừa! Hắn đề nghị với Văn Nông và hắn không ngờ ông anh không dám chạm vào những nghề mới lạ với mình nhưng nghe nói chăn nuôi gà là bập ngay vào.
Ông anh thao thao bất tuyệt vẽ ra trước mắt hắn một triển vọng khả quan như một cán bộ khuyến nông thứ thiệt; và cái làm hắn thích thú là ông anh đã chạm vào mấu chốt của vấn đề: nguồn gà con thuần nội đang khan hiếm với chăn nuôi qui mô lớn. Nhưng rồi hắn bật cười khi sau một hồi làm diễn giả ông anh chợt ỉu xìu. Hỏi ra thì ông anh bảo không dám mơ vì vốn ban đầu bỏ ra rất lớn, ông anh không có khả năng. Tưởng gì! Hắn đã cảm phục tri thức của con người hiền lành này. Thật không uổng một thời đọc sách! Cái khó của ông anh chỉ là lực bất tòng tâm, trong khi hắn... Vậy thì còn chờ gì nữa. Hắn đề nghị cho ông anh mượn 200.000 triệu không tính lãi trong vòng một năm để triển khai chăn nuôi gà với điều kiện hắn được giám sát từ A đến Z và sau đó cho hắn hùn 1/3 vốn cơ bản. Ông anh mở to mắt nhìn hắn ngạc nhiên như hắn xa lạ lắm rồi lắp bắp "Chú nói thật? chú..chú...chú cho tôi mượn mà không tính lãi?!!" Hắn gật đầu. Và ông anh lại thao thao vẽ ra trước hắn một kế hoạch triển khai từ xây dựng chuồng trại đến kế hoạch chăn nuôi không chê được... Và hắn đã không nhìn nhầm người.
Sau một năm đầu tiên, ngoài cơ sở chuồng trại trị giá 100.000 triệu, còn dôi ra 500 gà mái đẻ và 200.000 triệu tiền mặt để trả cho hắn. Theo đúng giao ước bằng miệng, ông anh đem tiền trả cho hắn và chấp nhận 1/3 phần hùn của hắn. Nhưng vì là anh em trong nhà nên hắn không hùn để ông anh có thêm lợi nhuận. Nhưng ông anh tha thiết mong hắn hùn vì so về quan hệ xã hội ông anh thua đứt hắn đồng thời có hắn ông anh an tâm hơn. Sự thật thà và thành tâm của ông anh con bác ruột đã cho hắn có cái nhìn về cuộc đời tươi hơn và tin tưởng vào huyết thống hơn. Đến hôm nay cơ sở chăn nuôi gà thịt và sản xuất gà con của anh em hắn đã có giá trị tài sản cố định cả tỷ bạc.
Hắn nghĩ về Văn Nông như một chiếc máy cày đại bảo hoạt động trong miếng ruộng bằng bàn tay thì chỉ có rỉ sét thành đống sắt phế thải, nhưng nếu đưa ra đồng rộng, cho dầu mỡ bôi trơn cùng tay lái giỏi thì sẽ thấy công suất làm việc, năng suất đạt được. Đã bốn năm nay, từ khi chịu kỷ luật nghỉ việc nhà nước, hắn thầm cảm ơn ông anh đã cho hắn cơ hội để hiểu thêm về cuộc đời, và trả được ơn xưa. Vậy mà ông anh cứ bộc bạch là chịu ơn hắn. Sao ông anh không nghĩ đến những tháng ngày còn cơ hàn vẫn cưu mang vợ con hắn nhỉ?...
Tiếng gà cục tác sau nhà vọng lên cắt đứt suy nghĩ của Văn Sếp. Mới đầu chỉ vài con rồi cả đàn hơn 500 con rộ lên như dàn hợp xướng tiếng gà nghe đinh tai nhức óc.
Lái Thẹo hai tay bịt chặt hai tai, nói với Văn Nông:
- Sao mà ồn dữ thế! Vầy mà hằng ngày ông chịu được sao ông Nông?
Văn Nông cắt một mấu cánh gà đặt vào chén Lái Thẹo, nói:
- Ăn đi chú Lái! Đừng bịt tai làm gì, một lát sẽ quen thôi. Tôi nghe riết rồi không thấy ồn mà còn vui nữa. Hôm nào có việc đi đâu không về là nhớ không chịu nổi.
Cuộc nhậu kéo dài gần hai tiếng thì mọi người xin kiếu về chỉ còn lại Văn Sếp, Lái Thẹo và chủ nhà Văn Nông. Năm Lủi đã giả vờ xin đi tiểu tiện rồi lủi mất từ sớm.
Văn Nông gọi vợ lấy bầu rượu hai lít dành sẵn đưa cho Lái Thẹo.
- Đây là rượu bầu đá chính hiệu mua tại lò, tôi dành biếu chú đem xuống đìa uống cho ấm bụng. Tình hình tôm phát triển tốt không?
Lái Thẹo ngửa cổ "ụp gàu" hết ly rượu đầy rồi dằn mạnh ly xuống chiếu. Và dường như nhận thấy sự lố bịch của mình, hắn nhìn Văn Sếp và chủ nhà, nói:
- Tôi vô ý quá. Xin lỗi hai ông nhé. - Lái Thẹo đặt tay lên bầu rượu biếu - Quà này tôi xin nhận và rất cảm ơn ông. Ông tốt với tôi quá. Nghĩ lại trước đây khi còn làm ăn ngon lành, vì công việc phải nghiệt ngã với ông, tôi thật thấy ân hận khi bây giờ nhận lòng tốt của ông.- Lái Thẹo lấy chai rượu rót đầy ly cho mình và ly của hai người kia rồi tiếp - Hai ông uống với tôi một ly nữa đi. - Lái Thẹo nâng ly "ụp gàu" lần nữa rồi nói tiếp - Thật khi làm ăn thua lỗ, sa cơ thất thế mới hiểu hết thế thái nhân tình. Trước đây, xin lỗi hai ông nhé, tôi cứ nghĩ dân quê hiền lành nên rất dại. Tôi trụ lại trên đất này cũng vì nghĩ thế. Hóa ra hiền lành thì có nhưng không dại. Cũng có những kẻ ranh ma nghĩa hiệp như dân tứ chiếng, cũng có những thằng ăn cháo đái bát, sức bằng bắp tay dựa hơi quyền lực sẵn sàng đạp người khác xuống bùn như Năm Lủi. Nói chung mọi người chuộng điều nhân nghĩa, thích sống hòa bình...Có được người anh em, người bạn như hai ông, Lái Thẹo tôi nếu có trắng tay đi ăn mày cũng thấy cuộc đời còn đáng sống chứ chưa tự tử được.
Lái Thẹo ngừng nói. Và hai người bạn, hai anh em bỗng nhói lòng khi nhìn thấy trên khuôn mặt dữ dằn đờ đẫn ra vì rượu lăn dài hai giọt nước mắt từ đôi mắt đỏ hoe.
- Nhưng sống mà như thế này thì khổ lắm hai ông ạ - Lái Thẹo tiếp - Nói thật, trước khi đi ngủ mà không làm hai xị thì tôi không thể nào ngủ được.
Văn Sếp cầm lấy cánh tay gân guốc đen sạm của Lái Thẹo, nói:
- Đừng nản chí Lái Thẹo à. Phải cố mà đứng vững mới được. Làm ăn có khi được, có khi mất. Nếu chẳng may mà chú trắng tay thì chú vẫn còn có anh em, chỉ cần chú còn ý chí. Tôi với anh Nông, hai anh em tôi không bỏ chú bơ vơ đâu! Dù sao chúng ta cũng có tiếng là bà con xa với nhau. Nói thật nhé! Nếu ngày nào chú muốn trở về làm ăn như xưa thì tôi sẵn sàng làm ăn cùng chú với nhà máy xay xát. Lời tôi nói là lời của người đã có tuổi và có anh Nông làm chứng.
Lái Thẹo kiếu từ, xách bầu rượu ra về.
Nhìn cái dáng cao lớn của Lái Thẹo lầm lũi dắt xe ra cổng, Văn Nông bỗng trào dậy lòng thương cảm. Một con người mới ngày nào luôn được mọi người chào hỏi, săn đón để nhờ vả tiền nong, nay đến cỡ oắt con như Năm Lủi cũng dám giỡn mặt. Lão nói với Văn Sếp mà như nói với chính mình
- Nhìn chú ấy bây giờ tôi nghĩ đến mình ngày xưa dù nghèo vẫn còn sung sướng hơn nhiều.
- Cái sai của Lái Thẹo là dồn hết vốn liếng vào một việc làm ăn. Hắn đã từng là dân giang hồ mà không hiểu được lẽ thịnh suy. Xử thế thì đừng bao giờ cạn tàu ráo máng, phải chừa cho người một con đường sống. Không duy tâm đâu. Dù trước đây tuy hắn dùng đồng tiền dồn người ta vào thế buộc có lợi cho hắn, nhưng cũng nhờ hắn mà bao gia đình đã vượt qua khó khăn, tuy chưa giàu nhưng cũng no đủ. Hy vọng cái phần âm đức nhỏ nhoi ấy giúp hắn khỏi phải trắng tay để làm lại từ đầu và tỉnh ngộ ra.
Tôi chẳng biết câu chuyện làm ăn, sinh hoạt của Sếp Bự, Văn Nông và Lái Thẹo sẽ tiếp diễn như thế nào, bởi từ ấy đến nay tôi vì bận mưu sinh không về thăm quê được. Làm thân khách ở đất người, quê hương luôn trĩu nặng bên lòng: Khi vui nhớ hội đình chùa, khi buồn nhớ võng đong đưa sau hè. Nhưng dù không chắc thật, tôi vẫn dự đoán được về họ. Do đặc thù công việc của tôi là luôn quan sát chung quanh để tìm ra mối liên hệ, tìm hiểu so sánh đời sống tâm lý tình cảm của mọi người, nên tôi thấy câu chuyện về họ không phải là cá biệt mà đâu đâu cũng có. Thời buổi kinh tế thị trường mà !