Sáng ngày 6/3, trao đổi với PV Dân Việt, Đại đức Thích Minh Đức, Trụ trì chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đã nắm được thông tin thành phố Hà Nội có chủ trương mở cửa di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng bắt đầu từ 8/3.
Theo Đại đức Thích Minh Đức, chùa Phúc Khánh mọi năm vào những ngày tháng Giêng hoặc rằm tháng 7 âm lịch luôn đông khách thập phương, phật tử đến chiêm bái cầu an, dâng sao giải hạn…
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chùa cùng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác phải tạm đóng cửa, dừng đón tiếp phật tử đến chiêm bái. Lễ cầu an nguyên tiêu rằm tháng Giêng là lễ được đông đảo phật tử, đồng bào theo dõi nhất được tổ chức trực tuyến.
"Nhà chùa sẽ tuân thủ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của thành phố. Khi mở cửa, phật tử sẽ được sát khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang, đảm bảo an toàn cho chính mình, cộng đồng… Các lối ra vào chùa sẽ được dán thông báo khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế…", Đại đức Thích Minh Đức thông tin.
Trụ trì chùa Phúc Khánh nhấn mạnh, khi mở cửa chùa, khách có thể đến chiêm bái. Tuy nhiên các nghi thức lễ tập trung đông người đều phải dừng lại. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng sẽ phát loa thông báo mọi người giữ khoảng cách tránh tập trung đông người. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chen lấn, tập trung đông nghịt người.
Ông Đặng Việt Quân, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay, phía chính quyền quận đã chuẩn bị tất cả các phương án phòng ngừa dịch Covid-19 khi thành phố có quyết định mở lại cửa di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng.
"Việc phòng tránh dịch cho du khách tham quan, chiêm bái chùa… được thực hiện theo đúng quy định của thành phố. Cụ thể, khách đến tham quan sẽ được sát khuẩn, đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách… chuẩn bị hết phương án; cùng với đó sẽ chuẩn bị nhân lực đảm bảo giãn khoảng cách, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người", ông Quân nêu rõ.
Quận Tây Hồ là địa bàn có chùa Trấn Quốc và Phủ Tây Hồ, hằng năm vào ngày cao điểm tiếp đón hàng vạn du khách đến dâng hương. Như những năm trước, tình trạng người dân dâng lễ cầu lộc, cầu tài… ở phủ Tây Hồ luôn đông nghịt, thậm chí xảy ra tình trạng chen lấn. Các lối ra vào phủ không còn chỗ trống.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết đã lên phương án cụ thể phòng chống dịch nếu thành phố đồng ý phương án mở cửa cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Theo ông Khuyến, để chủ động phòng chống dịch, trước tiên du khách thập phương phải thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 1m, đeo khẩu trang,…
"Tại phủ Tây Hồ là nơi tập trung rất đông người dân dâng lễ. Chính vì vậy để đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách, chúng tôi sẽ cử lực lượng túc trực. Bình thường vẫn để người dân vào cửa tự do. Tuy nhiên, nếu đông người vào cùng một lúc sẽ tạm thời đóng cửa phủ để phân chia từng đợt khách vào, tránh tình trạng ồ ạt.
Việc quản lý tại đây rất vất vả, tuy nhiên quy định phòng chống dịch phải thực hiện đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, quán xá đảm bảo quy định giãn cách, các bàn có tấm che để làm sao vừa phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo quy định phòng chống dịch", ông Khuyến nhấn mạnh.
Thượng toạ Thích Thanh Huân - Uỷ viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân cho hay, nhà chùa cũng đã chuẩn bị các phương án phòng chống dịch khi mở cửa.
Tất cả lối ra vào chùa đều được dán khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Mọi người đến chùa tự do chiêm bái nhưng phải giữ khoảng cách an toàn cho bản thân. Nhà chùa cũng không tổ chức các khoá lễ, chỉ mở cửa để người dân đến dâng hương…
Chiều 5/3, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, nếu đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, các di tích trên địa bàn Hà Nội sẽ được mở lại ngày 8/3 theo phân cấp quản lý của các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, với các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh đầu năm của nhân dân cần có sự sắp xếp phù hợp về quy mô; khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm tín ngưỡng tổ chức tập trung các nghi lễ dưới hình thức trực tuyến online, đồng thời chia nhỏ quy mô cuộc lễ, vừa bảo đảm sự tôn nghiêm vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Trước đó, các điểm di tích, đền chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở thủ đô đóng cửa từ 0h ngày 16/2 để ngăn nguy cơ Covid-19 lây lan. Từ ngày 2/3, thành phố cho phép nhà hàng kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo giãn cách một mét với khách, hoặc có tấm chắn giữa chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang về.