Dân Việt

"Dịp 8/3, chỉ mong chồng bớt nóng tính, yêu thương vợ con là mình vui rồi!"

Thùy Anh 06/03/2021 13:22 GMT+7
Dịp 8/3, những người phụ nữ tần tảo, là trụ cột gánh vác gia đình như chị Hiền chỉ mong chồng bớt nóng tính, yêu thương vợ con là cảm thấy vui lắm rồi...

Chưa từng một lần nhận hoa, nhận quà ngày 8/3

Cô Nguyễn Thị Thuận (52 tuổi), quê Nam Định - làm bốc vác tại chợ Long Biên gần 10 năm chia sẻ: "Hai năm nay công việc khó khăn, lúc có việc, lúc nghỉ chơi. Chính bởi vậy, giờ "cày" được ngày nào biết ngày đó, vất vả chút cũng cố. Cứ có việc, có tiền là có ngày mùng 8/3".

Hài hước là vậy, nhưng cũng có những phút giây cô cảm thấy chạnh lòng. Cô chia sẻ, chồng cô ốm nặng, mất sức lao động, một mình cô phải nuôi 3 đứa con. Đứa lớn nhất cũng mới 18 tuổi, còn mấy đứa bé mới học lớp 6 và lớp 8. Để gồng gánh nuôi gia đình, cô phải gửi con và chồng nhờ bố mẹ đẻ chăm sóc rồi lên thành phố mưu sinh.

nữ lao động di cư ngày 8/3

Cô Thuận bên những phút giây nghỉ ngơi hiếm có.

"Mình ở quê chỉ biết đồng với ruộng, lớn lên cưới chồng, chồng nghèo khó nên nào đã biết ngày 8/3. Chưa lần nào nhận quà, nhận hoa. Thấy người khác nói thì biết vậy chứ ít khi tôi để ý đến", cô Thuận nói, khóe mắt đượm buồn.  

Đang è cổ, lên gân để kéo chiếc xe đẩy chứa 3 tạ cam, chị Nguyễn Thị Thúy (Ba Vì, Hà Nội) tranh thủ từng giây để thở. Chị Thúy cho biết, ở đây (Chợ Long Biên) có cả trăm phụ nữ làm nghề bốc vác. Công việc vất vả, kham khổ nên chỉ phụ nữ mới chịu được. Số lượng đàn ông làm ở chợ này vẫn có nhưng không nhiều.

Phút chạnh lòng của những nữ lao động di cư cận ngày 8/3 - Ảnh 2.

Ngày 8/3 của chị Nguyễn Thị Thúy (Ba Vì, Hà Nội) là những ngày tất bật với những cuốc bốc vác tại chợ Long Biên.

Tranh thủ phút nghỉ ngơi hiếm có, chị Thúy chia sẻ về ngày lễ 8/3. "Mấy chị em làm văn phòng thì còn có thời gian kỷ niệm, có điều kiện để nhận hoa, nhận quà. Chúng tôi là dân lao động, nào có thời gian, kinh tế. Chồng con, người có người không, lại khó khăn nên chẳng nghĩ quà cáp gì. Chỉ mong làm đủ ăn, thế là hạnh phúc, còn thích hơn nhận quà ngày 8/3".

Không riêng gì cô Thuận, chị Thúy, nhiều nữ lao động ở chợ Long Biên (Hà Nội) vẫn miệt mài, làm ngày làm đêm để kiếm thêm chút thu nhập lo cho gia đình. Với họ có tiền là có lễ.

"Mong chồng yêu thương vợ con, đó là món quà ngày 8/3 to nhất rồi!"

Chị Nguyễn Thị Hiền - làm nghề nhặt ve chai ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chung tâm sự. Covid-19 kéo tới, công việc thất thường, lúc mua được hàng lúc không mua được nên thu nhập giảm sút.

Bình thường chị cùng chồng và hai con trai thuê một căn gác xép của một căn nhà tồi tàn bên sông Hồng. Người phụ nữ 43 tuổi kể có những lúc cô cảm thấy kiệt quệ cả về tinh thần và tài chính, khi là trụ cột duy nhất kiếm cơm cho gia đình. Chồng chị một người đàn ông khỏe mạnh, nhận làm bảo vệ cho một nhà hàng ở Tây Hồ nhưng nay thì mất việc vì nhà hàng giải tán khó khăn do dịch Covid-19.

Hiện giờ mình chị phải lo chi phí sinh hoạt, tiền học hành cho con và cả tiền hỗ trợ chữa bệnh cho mẹ già ở quê. Tất cả sinh hoạt phí lên tới gần chục triệu đồng của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy cái chai lọ, thùng giấy, dây điện bỏ đi mà chị bới được trong các túi rác trên phố.

Phút chạnh lòng của những nữ lao động di cư cận ngày 8/3 - Ảnh 4.

Chị Hiền tâm sự về ngày 8/3 của chị với PV báo Danviet.vn

Tần tảo là thế nhưng không ít lần chị còn bị chồng nổi giận lôi đình vô cớ. "Có lần kinh tế khó khăn quá, anh ấy cứ cáu suốt. Mùng 8/3, chẳng mong chồng tặng gì, chỉ mong anh ấy bớt nóng tính, yêu thương vợ con thế là mình vui rồi", chị Hiền chia sẻ.