Dân Việt

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước”

“Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước. Chỉ đơn giản, tôi nghĩ rằng, nếu mình tham gia một diễn đàn lớn như vậy, quan trọng như vậy thì tiếng nói của mình, ý kiến của mình sẽ có tác động rất lớn đến xã hội, sẽ đóng góp được cho đất nước”.
GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 1.

Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước. Chỉ đơn giản, tôi nghĩ rằng, nếu mình tham gia một diễn đàn lớn như vậy, quan trọng như vậy thì tiếng nói của mình, ý kiến của mình sẽ có tác động rất lớn đến xã hội, sẽ đóng góp được cho đất nước”.   

- GS-TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã trải qua 5 năm trong vai trò đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 2016, cả nước có hơn 160 người tự ứng cử. Qua 3 vòng hiệp thương, còn lại 11 người tự ứng cử được tham gia bầu cử. Thật vinh dự, GS Nguyễn Anh Trí là một trong 2 người trúng cử. Tham gia Quốc hội khóa XIV cùng gần 500 đại biểu trong cả nước, GS Nguyễn Anh Trí chưa bao giờ thấy khoảng cách giữa đại biểu tự ứng cử với đại biểu cơ cấu. Ông được đối xử công bằng, tôn trọng và nhận được những khích lệ kịp thời khi chuyển tải những vấn đề dân sinh bức xúc của cử tri đến Quốc hội. Bằng những trải nghiệm thực tiễn của mình, ông mạnh dạn tiếp tục ứng cử Quốc hội khóa XV. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV, ông luôn thể hiện khát vọng muốn đóng góp để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn và nhất định, vào Quốc hội, không phải vì vụ lợi hay chức tước.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 2.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV đang đến gần. Ủy ban bầu cử ở một số địa phương đã chính thức tiếp nhận đơn của người tự ứng cử. Thực tế đó có làm ông nhớ đến thời điểm trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XIV?

Tất nhiên là tôi rất nhớ bởi đó là thời điểm khá đặc biệt. Khoảng tháng 1 năm 2016, tôi có nhận được điện thoại của một anh bạn khi tôi đang tham gia một sự kiện hiến máu. Anh ấy có khuyên tôi nên ứng cử đại biểu Quốc hội bởi những lời nói, hành động của tôi thích hợp để làm đại biểu Quốc hội. Thực tế thì từ khi còn trẻ, tôi đã nung nấu ý định được làm đại biểu Quốc hội. Bởi vậy, khi được khuyên như vậy, tôi cảm thấy rất hào hứng nhưng nghĩ đến tháng 5 mới bầu cử nên tôi cũng chưa vội lắm. Đó là thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, tôi bận rộn với các hoạt động hiến máu mang tên “Ngày chủ nhật đỏ” và Lễ hội xuân Hồng....

Rồi tôi lại bận đi công tác trong và ngoài nước nữa, công việc cứ cuốn tôi đi. Mãi đến tháng 3, chính xác là tối 9/3/2016, khi tôi đang ở Australia, anh bạn lại gọi điện cho tôi hỏi đã nộp đơn ứng cử chưa bởi sắp hết hạn? Thật sự thì tôi cũng chưa kịp tìm hiểu thủ tục, quy trình, thời gian nhận đơn của người tự ứng cử. Xem lại trên mạng thì tôi chỉ còn 5 ngày nữa, tức ngày 13/3 là hết hạn nộp hồ sơ. 1h sáng ngày 11/3/2016 tôi về đến Hà Nội và như vậy, chỉ còn chưa đầy 3 ngày để chuẩn bị hồ sơ. Sau khi hoàn tất hồ sơ, tôi vội đến Ủy ban bầu cử của Hà Nội để nộp. Lúc đó là 16h30 phút, nghĩa là 30 phút sau thì hết hạn (17h). Tôi là người cuối cùng rời khỏi địa điểm nộp hồ sơ. Về đến nhà, tôi mở mạng ra thì đã thấy có tên mình trong danh sách tự ứng cử.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 4.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 5.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 6.

Sau khi nộp đơn tự ứng cử thì tâm trạng ông thế nào?

Sau thời điểm đó, trong lòng tôi đầy cảm xúc. Trước hết là lo lắng bởi tôi biết cả nước có hơn 160 người tự ứng cử, mà tôi lường trước, tự ứng cử sẽ có những bất lợi, những khó khăn nhất định. Tâm lý ai cũng vậy, thà không đăng ký thì thôi, còn đã đăng ký thì tâm trạng phấp phỏng. Rồi tôi theo dõi các ứng cử viên khác xuất hiện trên báo và mạng xã hội, thể hiện rất rõ quan điểm, suy nghĩ, hành động khi tự ứng cử.

Sau quá trình hiệp thương, sàng lọc, tôi thấy nhiều ứng cử viên bị loại (cả những người có tên tuổi trong xã hội). Tôi lại càng lo hơn. Sau đó, tâm trạng tôi dần dần được giải tỏa khi nhận thức được rằng, việc loại bỏ một số ứng cử viên là có lý do. Tôi yên tâm chờ đợi.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 7.

Vậy, lý do để ông tự ứng cử lúc đó là gì?

- Tôi khát khao trở thành đại biểu Quốc hội từ khi là một bác sĩ rất trẻ. Một số người là thày, là bạn cũng động viên tôi nên thực hiện khát khao đó. Người có tác động lớn nhất là bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng- nguyên Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu Nghị, tức là thủ trưởng của tôi khi tôi công tác ở đó. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng cũng có 2 khóa là đại biểu Quốc hội. Mỗi lần gặp, ông đều nói: “Trí, cố gắng phấn đấu để trở thành đại biểu Quốc hội nhé. Vào Quốc hội hay lắm...”. Từ đó, tôi thường đặt ra cho mình những mục tiêu để phấn đấu, trước hết là phải sống thật mẫu mực, từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử với mọi người xung quanh, rồi làm chuyên môn cho tốt, tham gia các hoạt động đoàn thể tích cực. Và tôi chuẩn bị cho mình ngoài kiến thức chuyên môn, thì cả xã hội, luật pháp nữa.  Sau khi hoàn thành lớp lý luận cao cấp thì tôi quyết tâm học đại học luật trong 4 năm (học vào buổi tối). Tôi tự nhủ rằng, muốn làm đại biểu Quốc hội thì phải có kiến thức về luật, hiểu biết về luật. Do vậy, dù bận mấy thì bận tôi cũng quyết tâm học. Lúc đi học luật, tôi đã là Tiến sĩ y khoa. Tôi không phải học thêm luật để có tấm bằng cho đẹp mà học thực sự, học nghiêm túc để có kiến thức.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 8.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 9.

Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước. Chỉ đơn giản, tôi nghĩ rằng, nếu mình tham gia một diễn đàn lớn như vậy, quan trọng như vậy thì tiếng nói của mình, ý kiến của mình sẽ có tác động rất lớn đến xã hội, sẽ đóng góp được cho đất nước.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 10.

Xin được hỏi Giáo sư, khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, ông đang là Viện trưởng của một viện thuộc Bộ Y tế. Ông có nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ hay không? Và bản thân ông có điều gì e ngại?

Vâng, đây là câu hỏi rất hay. Khi ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi đang làm Viện trưởng, là Bí thư đảng ủy Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương. Tôi chịu sự quản lý của Bộ Y tế và là đảng bộ trực thuộc Quận ủy Đống Đa. Khi nộp hồ sơ ứng cử, tôi phải có giấy xác nhận của hai đơn vị này. Tuy nhiên, vì thời gian quá gấp gáp, tôi chưa kịp hoàn thiện thủ tục đó. Và đại diện Ủy ban bầu cử của Hà Nội nói rằng, tôi cứ nộp hồ sơ trước, giống như bất kỳ công dân nào. Còn 2 giấy xác nhận kia, tôi sẽ hoàn thiện sau. Khi Ủy ban bầu cử Hà Nội gọi xuống Quận ủy Đống Đa và Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cả hai đơn vị đều nhiệt tình ủng hộ và giúp tôi hoàn thiện hồ sơ tự ứng cử. Cả Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lúc đó cũng gọi điện, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của tôi.

Trong quá trình tự ứng cử, tôi tuyệt đối không gặp bất cứ sự cấm cản, làm khó, hay khích bác gì. Chưa ai nói trực tiếp hay gián tiếp rằng “tại sao anh lại làm như thế” hay khuyên tôi đừng nên ứng cử...

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 11.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 12.

Trước khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, hình ảnh của ông đã được nhiều người biết đến qua những hoạt động xã hội tích cực vì cộng đồng. Ông có cho rằng, đó là lợi thế đối với những người tự ứng cử hay không?

Ai cũng thấy là những người tự ứng cử sẽ bất lợi hơn những người được giới thiệu trong cơ cấu. Nhưng cá nhân tôi thì cũng rất may mắn, vì những hoạt động của tôi với tư cách là một Viện trưởng thì gắn với những nhu cầu thiết yếu của người bệnh, của nhân dân trong cả xã hội. Đó là những vấn đề về máu, về khám chữa bệnh, về bệnh thiếu máu huyết tán, về tế bào gốc... Thông qua các hoạt động như vậy trên báo chí, mà nhiều người đã biết đến tôi. Đó thực sự là một lợi thế. Và công việc của tôi với tư cách là một nhà khoa học đầu ngành, một giáo sư y học, một bác sỹ cao cấp thì cũng là cơ hội để tôi quen biết khá rộng, kể cả một số vị cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên, xin khẳng định chắc chắn rằng, tôi không nhờ bất kỳ mối quan hệ nào để tác động. Tôi lấy danh dự để đảm bảo rằng, không có chuyện tiêu cực ở đây.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 13.

Những người tự ứng cử như ông có được đối xử công bằng như những ứng cử viên được giới thiệu?

Với cá nhân tôi thì tôi không thấy có gì khác nhau giữa các ứng cử viên trong quá trình hiệp thương hay tiến hành các quy trình bầu cử. Còn những người tự ứng cử khác thì tôi không biết nhiều. Nhưng ai cũng thấy, những ứng viên khác thuộc các cơ quan, tổ chức nhất định, họ được giới thiệu thì sẽ thuận lợi hơn. Cử tri cũng cảm thấy yên tâm hơn khi bầu những người này. Những người tự ứng cử phải có cách nào để “quảng bá” bản thân. Mà làm không khéo thì thành ra phản tác dụng. Khó thế đấy. Riêng tôi, thật may mắn. Lúc đó các hoạt động hiến máu diễn ra rộng khắp nên hình ảnh của tôi cũng được nhiều người biết đến. Cử tri nhìn tôi qua công việc tôi làm, chứ tôi cũng không phải lên tiếng hay phát biểu gì.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 14.

Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV, ông có bằng lòng với những đóng góp của mình trong Quốc hội?

Tôi rất hài lòng với những gì mình đã làm suốt 5 năm qua. Thứ nhất, tôi đã thực hiện được mơ ước của mình. Tôi vinh dự và tự hào được làm đại biểu Quốc hội. Tôi đã chuẩn bị đủ tâm thế để làm đại biểu Quốc hội nên khi gánh trọng trách đó, tôi đau đáu với công việc nhằm phát triển xã hội, phát triển đất nước. Với cái tốt thì mình ủng hộ để nhân rộng lên. Còn với những cái chưa hoàn thiện, cái tiêu cực, tôi cũng thẳng thắn nêu vấn đề trong đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, tại Ủy ban các vấn đề xã hội, thậm chí ngay tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội trên tinh thần xây dựng, không chỉ trích, bới móc, không nói lấy được.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 15.

Đến bây giờ, tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn cử tri đơn vị bầu cử số 9 của Hà Nội gồm huyện Đông Anh và quận Long Biên. Tôi cảm ơn vì họ đã tín nhiệm, bầu cho tôi. 5 năm qua, cử tri thực sự là người thầy của tôi. Chính họ đã cho tôi biết những vấn đề cần quan tâm, ý kiến nào cần phải phát biểu. Bởi vậy, tôi rất hào hứng với những cuộc tiếp xúc cử tri, những buổi tiếp dân, những chuyến đi giám sát. Dù bận thế nào tôi cũng không bao giờ bỏ. Chính những cuộc như vậy, tôi lắng nghe và nắm được nhiều vấn đề. Có hiểu được vấn đề thì tôi mới tự tin phát biểu trước Quốc hội. Đó là những vấn đề mang đậm hơi thở cuộc sống như y tế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, những vấn đề về môi trường, giáo dục, giao thông….

Đó là những vấn đề sát sườn của cuộc sống. Nhưng tôi cũng phải nói thế này, không phải tất cả những vấn đề cử tri nêu ra, tôi đều phản ánh hết tại diễn đàn Quốc hội bởi có đến 500 đại biểu cơ mà. Thời gian mỗi kỳ họp thì eo hẹp. Thứ hai, không phải tất cả những vấn đề mà đại biểu nêu đều được khắc phục ngay lập tức. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, những ý kiến quan trọng đã được tiếp thu. Đó là điều hạnh phúc nhất của một đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ, trong một khóa Quốc hội, nếu ý kiến của một đại biểu nào đó mà được tiếp thu và sửa chữa khoảng 30% thì cũng là hạnh phúc lắm rồi.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 16.

Có khi nào, ông cảm thấy áp lực khi mình là đại biểu tự ứng cử?

Dù là đại biểu tự ứng cử hay là đại biểu được giới thiệu thì tôi nghĩ, ai cũng phải đặt lên vai mình trách nhiệm với cử tri. Họ có áp lực phải làm tròn trách nhiệm, trong đó có việc phải thể hiện chính kiến trước nhiều vấn đề mà Quốc hội thảo luận. Đó là bổn phận. Ai mà không làm được điều đó thì không nên làm đại biểu Quốc hội. Khi tôi ngồi ở hội trường Diên Hồng thì càng cảm nhận sâu sắc điều đó. Riêng cá nhân tôi, tôi có sự chuẩn bị tâm thế để trở thành đại biểu Quốc hội nên tôi thường hào hứng, hăng hái với những vấn đề của Quốc hội. Tôi chưa bao giờ nghĩ đó là áp lực.

Khi sửa Luật Quốc hội, tôi đã phát biểu thẳng thắn rằng, một đại biểu Quốc hội, dù được cơ cấu hay tự ứng cử thì trước hết phải nhìn nhận lại mình về kiến thức, trình độ, năng lực, mong muốn, nguyện vọng và đặc biệt là phải sắp xếp được quỹ thời gian của mình.

Nhưng thực tế, khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, ông đang là Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương. Công việc của ông chắc bận rộn và ông sắp xếp quỹ thời gian như thế nào?

Vâng, đúng là lúc đó tôi đang là Viện trưởng nhưng tôi chỉ còn hơn 1 năm nữa là nghỉ hưu và tôi chọn đúng điểm rơi đó để ứng cử. Tôi đã dành một quỹ thời gian khá nhiều để làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội. Tôi làm Viện trưởng lúc đó gần 3 nhiệm kỳ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ. Công việc ở Viện lúc đó đã đi vào ổn định, nề nếp, quy củ, tập thể thì đoàn kết nên mỗi ngày thông thường tôi chỉ cần khoảng 3 tiếng để giải quyết công việc điều hành, quản lý Viện. Sau hơn 1 năm thì tôi nghỉ quản lý và lúc ấy tôi có nhiều thời gian hơn để làm đại biểu Quốc hội.

Thưa ông, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 11 đại biểu tự ứng cử được bầu cử và chỉ 2 người trúng cử. Ông có nghĩ rằng, đây là con số khá khiêm tốn hay không?

Đúng là ít thật! Nhiều đại biểu tự ứng cử trong Quốc hội thì tốt hơn. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng, không phải vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn. Quan điểm của Ủy ban bầu cử, tôi hoàn toàn ủng hộ. Dù là tự ứng cử, đại biểu ngoài đảng hay đại biểu người dân tộc, đại biểu nữ… nhất định phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Chúng ta đặt ra cơ cấu như vậy nhưng không phải lúc nào cũng đạt được nếu không đảm bảo chất lượng.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Tôi mong muốn vào Quốc hội không phải vì vụ lợi hay chức tước” - Ảnh 18.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV đang đến gần. Xin hỏi Giáo sư, ông có tiếp tục ứng cử hay không?

Có, tôi đã chuẩn bị hồ sơ tự ứng cử để nộp cho Ủy ban bầu cử Hà Nội. Lần này, tôi tin rằng, sẽ có nhiều đại biểu chất lượng tự ứng cử. Số lượng có thể nhiều, có thể ít nhưng sẽ chất lượng hơn bởi lẽ, Luật Quốc hội mới đã cởi mở hơn rất nhiều. Trong đó, tạo mọi điều kiện cho những chuyên gia, những người sắp nghỉ hưu (quá tuổi) được tham gia Quốc hội. Đây là một ý rất hay. Thứ hai, về phía ứng viên, họ cũng nghĩ khác. Họ đã thấy chúng tôi tham gia Quốc hội, sôi nổi, tích cực, được đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng, được tạo điều kiện để làm việc. Đó cũng là động lực để họ mạnh dạn ứng cử làm đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, ai muốn tham gia Quốc hội thì trước hết phải nhìn lại mình về kiến thức, trình độ, năng lực, quỹ thời gian. Và nhất định, tham gia Quốc hội không phải vì vụ lợi chính trị. Cử tri họ tinh lắm. Họ sẽ biết mình nên chọn ai và không chọn ai.

Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ là một nhiệm kỳ mà ở đó có nhiều đại biểu chất lượng, dù tự ứng cử hay cơ cấu. Tham gia Quốc hội luôn là một cơ hội rất lớn để đóng góp vào xây dựng đất nước nói chung và xây dựng địa phương mình nói riêng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!