Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều chuyện ly kỳ phía sau sự ra đời của một ca khúc. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn tên tác giả có vẻ như phổ biến hơn cả. Điều đáng nói, mỗi một sự nhầm lẫn là một câu chuyện hy hữu mà đôi khi người trong cuộc cảm thấy “dở khóc, dở cười”.
Mới đây, ông bầu Hoàng Tuấn – quản lý của ca sĩ Đan Trường đã phải công khai nói lời xin lỗi nhạc sĩ Minh Tâm vì nhầm tên ông với nhạc sĩ Chu Minh Ký. Sự việc tai hại này đã xảy ra cách đây hơn 20 năm nhưng gần đây ông Hoàng Tuấn mới phát hiện ra.
Theo ông Hoàng Tuấn, hơn 20 năm trước, do sơ suất của nhân viên phòng hành chính dẫn đến sai sót về tên tác giả viết lời Việt ca khúc “Tình đơn phương”. Đây là ca khúc được biết đến như bản “hit” đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của Đan Trường.
Cụ thể, có hai bản lời Việt do nhạc sĩ Minh Tâm và nhạc sĩ Chu Minh Ký gửi đến. Trong đó, bản lời Việt do nhạc sĩ Minh Tâm viết lấy tựa đề là Tự bạch (Tình đơn phương). Bản này được phía Đan Trường chọn thể thu âm và ghi hình.
Tuy nhiên, khi phát hành thì nhân viên của công ty lại ghi nhầm tên tác giả lời Việt là nhạc sĩ Chu Minh Ký. Về phía nhạc sĩ Chu Minh Ký, do không kiểm tra lại nên nghĩ bài “Tình đơn phương” sử dụng lời Việt mà mình viết. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn về tên tác giả viết lời Việt cho ca khúc suốt hơn 20 năm qua.
Ngay khi phát hiện ra sự nhầm lẫn này, đích thân ông Hoàng Tuấn đã gặp và nói lời xin lỗi trực tiếp đến nhạc sĩ Minh Tâm. Đồng thời, ông cũng gửi thông báo đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cùng nhiều trang nhạc trực tuyến để điều chỉnh tên tác giả phần lời.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có sự nhầm lẫn đáng tiếc này. Trong dòng chảy nhạc Việt, từng có việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” kéo dài cho đến tận bây giờ. Cụ thể, khi nghe câu hát: Chuyện tình của tôi tan vỡ từ lâu rồi, tưởng không bao giờ còn nhớ…, nhiều người vẫn đinh ninh rằng tựa đề ca khúc là “Đôi mắt người xưa”. Trên bìa các băng đĩa đang lưu hành, nhiều trang nghe nhạc trực tuyến hiện nay, đa số đều ghi như vậy với tên nhạc sĩ sáng tác bài này là Trúc Phương. Tuy nhiên, đây là ca khúc của nhạc sĩ Ngân Giang.
Theo lời một ca sĩ hải ngoại, nhạc sĩ Trúc Phương có sáng tác ca khúc “Đôi mắt người xưa” nhưng ca khúc này hoàn toàn khác với ca khúc có lời mở đầu: Chuyện tình của tôi tan vỡ từ lâu rồi… Nội dung ca khúc “Đôi mắt người xưa” của Trúc Phương bắt đầu bằng lời hát: Nắng đã tắt, mây trời dật dờ, gieo bùi ngùi khi chiều hoang khơi nhớ...
Lần tìm lại các tư liệu cũ thì nhiều người phát hiện trong đĩa nhạc chủ đề “Thuở ban đầu” phát hành năm 1972, ca sĩ Chế Linh có hát bài này với tựa đề “Tình nào trong mắt em” và trên bìa băng nhạc có ghi rõ ca khúc này của nhạc sĩ Ngân Giang. Những người quen biết và thân cận với nhạc sĩ Ngân Giang cũng đều xác nhận điều này.
Cùng chung số phận, ca khúc nổi tiếng “Thương về miền Trung” với lời hát “Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em” do cố nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác cũng bị nhầm tên tác giả một thời gian dài.
Theo đó, sau năm 1975, tên tác giả của ca khúc bị nhầm sang cố nhạc sĩ Minh Kỳ. Các sản phẩm băng đĩa, các chương trình ca nhạc trong nước lẫn ngoài nước đều ghi sai tên tác giả. Và từ đó trở đi, từ ca sĩ cho đến khán giả đều nghĩ bài này là do nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác.
Mãi cho đến năm 2016, chương trình “Tình khúc vượt thời gian”, bà Châu Huyền Khanh – con gái nhạc sĩ Châu Kỳ mới giải thích rõ ràng về sự nhầm lẫn này. Ca khúc được nhạc sĩ Châu Kỳ viết vào khoảng thập niên 1940. Tuy nhiên, khi đó ông đã lấy tên người học trò Duy Khánh ký ở phần tác giả và giao bài hát cho nam danh ca thể hiện đầu tiên.
Con gái của nhạc sĩ Châu Kỳ kể thêm rằng, tuy tên tác giả để sai trên nhiều sản phẩm, phương tiện thông tin đại chúng nhưng hơn 10 năm qua, gia đình cô đều nhận được tiền tác quyền ca khúc “Thương về miền Trung” đầy đủ từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), chỉ là tên tác giả chưa được đính chính rộng rãi.
Tương tự, ca khúc “Vùng lá me bay” thực tế do nhạc sĩ Anh Việt Thanh (tên thật Đăng Văn Quang) sáng tác. Ca khúc này trước năm 1975 từng được danh ca Giao Linh thể hiện. Đến năm 2011, khi ca sĩ Như Quỳnh làm mới lại thì ca khúc đã trở thành một “hiện tượng” của dòng nhạc bolero suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, có một sự nhầm lẫn đáng tiếc là trên sân khấu hải ngoại, một người dẫn chương trình đã giới thiệu ca khúc này do nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác. Sự nhầm lẫn này kéo dài trong gần 10 năm.
Nghe lại bản thu âm ca khúc "Vùng lá me bay" trước năm 1975 do danh ca Giao Linh thể hiện.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà hiện nay vẫn còn chuyện nhầm lẫn tên tác giả ca khúc. Đây là một điều đáng tiếc vì có những sự nhầm lẫn gây ra hệ luỵ. Thậm chí, có nhiều nhạc sĩ đã qua đời từ rất lâu nhưng ca khúc do mình sáng tác vẫn chưa được đính chính. Đa phần các ca khúc bị nhầm lẫn tên đều có tuổi đời cách khá xa so với hiện tại. Bởi lẽ đó, người đời sau cứ mặc nhiên nối tiếp sự nhầm lẫn của người đời trước.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, những người thân, bạn bè, ca sĩ... nếu biết những sự việc như thế này thì nên lên tiếng để trả lại đúng tên tác giả cho mỗi ca khúc. Đó không chỉ là một lẽ tất yếu công bằng mà còn là một cách để thể hiện sự biết ơn đối với đúng nhạc sĩ đã sản sinh ra ca khúc.