Cụ thể, ở tập phim này, bố con ông Vụ (NSND Công Lý) đã quyết chơi một đòn chí mạng với mẹ con bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà) khi tung clip Vũ (Mạnh Cường) cưỡng bức Châu (Hồng Diễm) lên trang nội bộ của tập đoàn Cao Dược.
Ngay lập tức, đoạn clip này đã làm dậy sóng toàn bộ công ty. Đa số nhân viên trong tập đoàn khi thấy xuất hiện đoạn clip đã “tụm năm tụm ba” bàn tán, chỉ trỏ, tiếng nhỏ tiếng to… Thậm chí, khi Châu vào siêu thị mua rượu, nhân viên siêu thị ở đây cũng bàn tán công khai về đoạn clip nhạy cảm này.
Tuy nhiên, phân cảnh này đã gây nên nhiều tranh cãi gay gắt trên một số diễn đàn. Một nhà báo cho rằng, chi tiết này không phù hợp với bối cảnh thực tế bởi thời đại 5.0 rồi không thể có chuyện nhân viên túm tụm lại bàn tán về một việc nhạy cảm của sếp. Nhất là không gian làm việc của những tập đoàn lớn luôn bố trí kiểu “open” nên chuyện đó lại càng không có.
Thường ở môi trường người người giao tiếp với nhau thông qua phương tiện điện tử thì họ sẽ bàn luận với nhau thông qua màn hình trò chuyện trực tuyến, còn gọi là nhóm “chat”.
Khán giả Nguyễn Sơn Nguyên cũng bức xúc trên trang cá nhân rằng, biên kịch đang cố kéo dài kịch bản ra dẫn đến lan man và phi logic. Riêng chi tiết Châu đang đứng chờ thanh toán ở siêu thị thì có nhân viên lao ra chìa điện thoại cho đồng nghiệp để “buôn” về việc tiểu thư nhà họ Cao lộ clip nóng cũng không thuyết phục.
“Dăm ba cái tình tiết bất hợp lý cứ lôi ra thụt vào, tranh cãi, đấu đá. Biên kịch cạn ý tưởng hay đang lấp liếm cho việc hết ý tưởng, cố tình lôi kéo người xem vào những mâu thuẫn kiểu trẻ con”, vị khán giả này phát biểu.
Đi sâu vào phân tích nội dung, nhiều khán giả cũng phản ứng ra mặt vì kịch bản có quá nhiều lỗ hổng. Đa số đều cho rằng, càng đến phần cuối, phim càng cho thấy các tình tiết xoắn xít, vẹo vọ, không mang thông điệp cụ thể. Đặc biệt, phim như góp phần cổ súy cho “con giáp thứ mười ba” khi bà Diễm Loan (Vân Dung) là nguyên cớ gây nên mớ bồng bông thì lại “bình an vô sự”, còn bà Bạch Cúc là nạn nhân lại phải hứng chịu mọi bi kịch.
Khán giả Anh Trần bày tỏ: “Tại sao mọi tội lỗi lại đổ lên đầu bà Bạch Cúc như thế? Từ việc ông Đạt ngoại tình, ông Sơn ngoại tình rồi mẹ Kiên bị bệnh chết. Xây dựng kịch bản như thế chẳng khác nào kiểu con gái bị sàm sỡ là do mặc đồ hở hang chứ không phải tại đàn ông đê hèn. Bà Diễm Loan lăng loàn, vớ vẩn... thì chỉ thấy ăn chơi.
Bà Bạch Cúc chịu bao nỗi khổ tâm vì chồng gây ra lại phải hứng trọn mọi mũi nhọn oán thù. Vẫn biết nhân vật Diễm Loan thuộc tuyến hài cho phim nhưng xây dựng quá hời hợt, thiếu trọng tâm. Thêm cái đoạn Châu cứ mười lần ra đường thì chín lần gặp Kiên (Hồng Đăng) đi với Minh (Lương Thu Trang) đã thấy vô lý tới mức sượng sùng rồi”.
Khán giả Thu Hà cũng lên tiếng: “Tôi đến “ạ” bà biên kịch lẫn ông đạo diễn. Trong phim xây dựng nhân vật Kiên từ đầu tới cuối học rộng, hiểu cao mà đến đoạn xem clip của Châu lại biểu hiện ghen tuông theo kiểu bị phản bội, một cách không thể ngờ nghệch hơn. Bình thường, xem xong biết Châu bị cưỡng bức sẽ chạy ngay đến táng cho Vỹ một trận. Ở đây, Kiên vừa xem clip đã vội nghĩ Châu phản bội, trong khi đó yêu nhau 4 năm trời lại không hiểu tính nhau.
Rồi lấy sự phản bội ra nói đạo lý trong khi mình thì đốn mạt. Xây dựng nhân vật Minh thông minh, tài giỏi, sành sỏi... mà tay Hoàng (Việt Anh) muốn nuốt cả gia sản họ Cao lại không biểu cảm hay phẫn nộ gì mà còn tùng rung rinh. Có lẽ khán giả yêu thích các diễn viên quá nên gần như bỏ qua những “hạt sạn” to đùng này”.
Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Vũ Trường Khoa cho biết: “Chi tiết các nhân viên “tụm năm, tụm ba” (tranh thủ khi chưa vào làm việc hoặc đang nghỉ trưa hoặc lúc sếp chưa đến văn phòng) khi xem được clip Châu bị Vỹ cưỡng bức rò rỉ trên mạng thì thời đại nào cũng có chuyện đó, không nhất thiết thời đại 5.0 sẽ phải khác đi.
Ở một xã hội nào, môi trường nào cũng có những người nhiều chuyện. Vì thế, không thể đem một môi trường cụ thể nào ra để làm thước đo và áp đặt môi trường đó vào phim ảnh. Không thể cứng nhắc kiểu thời đại 5.0 thì chuyện đó không còn tồn tại.
Ngoài chuyện giao tiếp trên mạng thông qua các phương tiện điện tử ra thì bản thân mỗi người đều có nhu cầu tương tác trực tiếp với nhau để bàn luận hoặc thông tin cho nhau về một vấn đề gì đó. Nó cũng giống như việc chúng ta đọc báo qua mạng nhưng vẫn có những người thích đọc báo giấy. Thời đại 5.0 thì cũng không ai cất bỏ hết mọi thói quen giao tiếp truyền thống đi.
Riêng về câu chuyện nhân vật Kiên mà nhiều khán giả bình luận là trí thức, học rộng hiểu sâu nhưng hành xử lại không phù hợp với lai lịch thì tôi cho rằng, việc học hành thuộc về nghề nghiệp. Nghề nghiệp không thể hoàn toàn chi phối mọi ứng xử của con người. Có những người làm lao động chân tay nhưng họ lại ứng xử rất bặt thiệp, văn minh. Có những người lao động trí óc nhưng họ cư xử rất thô lỗ. Đó là những thực tế rất phổ biến trong đời sống.
Văn hoá sống và ứng xử của mỗi cá nhân được hình thành từ môi trường sống của người ta. Bên cạnh đó là ý thức tiếp nhận văn hoá hoá ứng xử. Cho nên không thể nói Kiên học rộng, tài cao… mà ứng xử càng ngày càng không phù hợp.
Người ta bảo “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Khi bản chất được hình thành từ lý lịch, môi trường sống và trưởng thành thì họ sẽ có những ứng xử đúng với quan điểm của họ chứ không phải với quan điểm của người khác. Vì thế, trước khi đưa ra nhận định, chúng ta cần phải xâu chuỗi và soi rọi mọi thứ dưới góc nhìn đa chiều chứ không thể nhìn từ một chiều”.