Thời gian gần đây, PV Dân Việt nhận được phản ánh của người dân về công trình mương thoát nước thôn Tân Hải ra cống thoát nước ngang tỉnh lộ 36, đoạn Km29+600 thuộc địa bàn xã Dương Huy, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Công trình mương thoát nước này là nguyện vọng của người dân các thôn Tân Hải, Thác Cát. Bởi tuyến mương thoát nước cũ được xây dựng từ rất lâu, nhiều khu vực cống hẹp, lòng mương hẹp lại bị bồi lắng, xuống cấp.
Khu vực rừng thượng nguồn của 2 thôn này giờ chủ yếu là trồng cây lấy gỗ, nên mỗi khi mùa mưa về, lượng nước chảy xuống rất lớn kết hợp với mương thoát nước nhỏ hẹp, thường gây ngập lụt. Thậm chí nhiều lần lũ lớn, nước dâng cao làm chia cắt hoàn toàn tuyến tỉnh lộ 36 từ TP.Hạ Long qua xã Dương Huy rồi sang phường Mông Dương, TP.Cẩm Phả, gây thiệt hại về hoa màu và ô nhiễm môi trường.
Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, sau thời gian khảo sát, thiết kế, công trình thủy lợi nêu trên được TP.Cẩm Phả triển khai vào đầu quý IV năm 2020. Công trình được triển khai khiến người dân ở thôn Tân Hải, Thác Cát vui mừng. Nhiều hộ dân còn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất phục vụ nắn tuyến, vận chuyển vật liệu xây dựng.
Đối với xã Dương Huy, đây một trong những dự án thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao cho địa phương sau khi hoàn thiện chương trình xây dựng NTM.
Niềm vui chưa trọn vẹn, ngay khi dự án chưa hoàn thành, nỗi lo đã kéo đến đối với người dân các thôn Tân Hải, Thác Cát.
Dẫn PV Dân Việt tới tận chân công trình, anh T.V.L (xóm Bù Lỳ, thôn Thác Cát, xã Dương Huy) trăn trở, khi chứng kiến việc xây dựng mương thoát nước, người dân phát hiện có nhiều vấn đề bất cập. Người dân phản ánh tới thợ xây, người giám sát và cả đến xã nhưng không có gì thay đổi.
"Rất nhiều đoạn dù có người dân chứng kiến nhưng họ vẫn làm rất ẩu. Nhiều đoạn chỉ dùng toàn cát xoa lên mặt rồi lại đắp đá lên trên. Lượng vữa nếu có thì rất mỏng, không đủ độ kết dính," anh này nói.
Cũng theo anh L, nhiều đêm anh phải thức bơm nước để chống ngập đoạn kè vừa xây dựng xong, ngăn không cho nước chảy xối đoạn vữa mới đắp.
"Thấy chỗ khác, họ cứ làm xong bỏ đấy mặc kệ nước chảy. Ở đoạn nhà mình, tôi thấy có nguy cơ chất lượng kém sẽ kéo theo đổ kè, sạt lở đất nên đành phải thức đêm ra bơm nước", anh L cho biết.
Theo chân người dân, PV đi kiểm tra gần 2km tổng chiều dài con mương vừa xây dựng, nhiều đoạn mương không được làm đáy. Theo người dân, khi lưu lượng nước chảy xiết, do chân kè không được gia cố tốt từ mặt đáy sẽ có thể bị xoáy mòn và đổ sập.
Ở gần khu vực cuối tuyến mương thoát ra suối Cao Vân, dù đoạn kè mới được xây dựng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang, dọc lớn. Tác động nhẹ vào mặt bờ kè nơi xuất hiện nhiều vết nứt, các mảng vữa đã bở vỡ, lộ rõ những mảng đá thiếu xi măng kết dính.
"Tôi cũng có kinh nghiệm về xây dựng, nên khi thấy đơn vị thi công chỉ đắp bờ, không lu lèn, chờ lún, nén gì mà đã đắp đá, trát vữa lên, tôi đã mấy lần thắc mắc, nhưng chẳng ai có ý kiến gì. Cứ nhìn vào chỗ này là thấy ngay chất lượng thi công không ổn.
Vừa qua mới chỉ có trận mưa nhỏ mà kè, móng đã lún rõ như này tôi lo rằng, khu vực này sẽ không trụ được nổi qua một mùa mưa lũ lớn tới đây!" - anh H.V.M, nhà ngay gần cuối tuyến mương thoát ra suối Cao Vân, nói.
Theo một số hộ dân, trong suốt quá trình thi công, đá xây dựng mương thoát nước chủ yếu được khai thác, vận chuyển từ trên đồi cách đó vài cây số, hãn hữu lắm mới thấy chở đá xanh từ khu vực TP.Hạ Long vào.
Tìm hiểu của PV Dân Việt, loại đá mà nhà thầu thi công sử dụng cho công trình này chủ yếu lấy từ các bãi thải khai thác than lân cận. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, đá ở trên mỏ than đã bị mìn bắn phá nên "ăn vữa" rất kém.
Tại buổi làm việc với ông Bùi Hải Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dương Huy, khi PV Dân Việt đề nghị cung cấp hồ sơ về dự án mương thoát nước thôn Tân Hải, ông Sơn trả lời: "Thực ra công trình này là của Thành phố, xã không có hồ sơ. Một số lần dân có ý kiến chúng tôi cũng trao đổi ngay với chủ đầu tư, Thực ra những chỗ vữa viếc các thứ là không tránh được, thợ xây không đảm bảo thì yêu cầu phải xử lý thợ".
Khi PV đặt câu hỏi nếu không có hồ sơ thì chính quyền địa phương giám sát như thế nào, căn cứ vào đâu để giám sát, ông Sơn không trả lời.
Trong quá trình tìm hiểu tại xã Dương Huy, một người thuộc Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thôn Thác Cát (xin giấu tên), cho biết: "Đúng là trong quá trình thi công công trình mương thoát nước này, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã có một số lần xuống yêu cầu đơn vị đang thi công phải khắc phục ngay những hạn chế, cũng như yêu cầu lập biên bản. Tuy nhiên, việc thi công ẩu, sử dụng vật liệu kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra".
Để có thông tin đa chiều, PV Dân Việt đã liên hệ làm việc với Ban Quản lý dự án công trình TP.Cẩm Phả. Tại buổi làm việc với PV Dân Việt vào ngày 26/1, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Ban Quản lý dự án công trình TP.Cẩm Phả, nói: "Cái này chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại vật tư, vật liệu, nghiệm thu, hóa đơn, xuất xứ nguồn gốc, sau đó sẽ phản hồi lại".
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, sau nhiều lần liên hệ đề nghị cung cấp hồ sơ cũng như trả lời về những dấu hiệu thi công ẩu, gian lận vật liệu trong thi công dự án, ông Dũng vẫn liên tục khất lần.
Dân Việt tiếp tục thông tin tới bạn đọc.