TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, trường vốn có Phân hiệu Đại học Nông lâm tại Ninh Thuận thành lập 11 năm trước. Trong khi đó, trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận hiện đào tạo một ngành sư phạm Giáo dục mầm non, 2 ngành cao đẳng chính quy Tiếng Anh và Công nghệ thông tin cùng một số ngành liên thông vừa làm vừa học (liên kết với các trường đại học).
Sau khi trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận được sáp nhập, trường sẽ bổ sung nguồn lực, nhân sự cho Phân hiệu Ninh Thuận để tiếp tục đào tạo các ngành có nhu cầu lớn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trường đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép mở 4 ngành sư phạm bậc đại học trong năm sau.
Trước mắt, khoảng 600 sinh viên đang học tại trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận sẽ tiếp tục được đào tạo để ra trường, bằng cấp do trường ĐH Nông lâm cấp.
Năm nay, ĐH Nông lâm TP.HCM dự kiến tuyển gần 5.000 chỉ tiêu tại cơ sở chính và hai phân hiệu ở Ninh Thuận, Gia Lai. Phân hiệu Ninh Thuận tuyển 400 chỉ tiêu với 8 ngành. Trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GDĐT; xét kết quả học tập 5 học kỳ bậc THPT (trừ học kỳ II lớp 12); xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Việc xét học bạ THPT được mở rộng cho cả thí sinh đã tốt nghiệp hai năm 2019 và 2020. Điều kiện nộp hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp từ 18 trở lên, không môn nào điểm dưới 5.