Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh năm Kỷ Sửu 1829. Ông là một trong số các vị vua Việt được người đời ca ngợi về học vấn uyên thâm và tài văn chương thiên phú. Ảnh: Hồ Lưu Khiêm ở lăng vua Tự Đức, Cố đô Huế.
Tương truyền, từ thuở nhỏ Hồng Nhậm đã tỏ ra là một cậu bé sáng dạ, chăm đọc sách nên được vua cha yêu hơn dù chỉ là con thứ. Ông thường được vua cha cho vào chầu riêng để dạy bảo thêm. Năm 19 tuổi, Hồng Nhậm lên ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Ảnh: Ngai vàng của vua Nguyễn.
Trong sự nghiệp học thuật của mình, vua Tự Đức làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong sử Việt. Ảnh: Ấn ngà "Đọc thư bất cẩu thậm giải" (Đọc sách không cần suy diễn sâu xa) của vua Tự Đức, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Ngoài ra, ông làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như Luận Ngữ diễn ca, Thập điều, Tự học diễn ca. Ảnh: Ấn ngà "Hóa cửu thành đạo" (Dạy lâu thì thành đạo) của vua Tự Đức, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Rất yêu thích nghệ thuật, vua Tự Đức đã tập trung nhiều người soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế, trong đó có những vở tuồng lớn như vở Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy... Ảnh: Nhà hát Minh Khiêm ở lăng Tự Đức, một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn tồn tại.
Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam, Tự Đức là một vị vua có đóng góp to lớn cho việc phát triển nền văn hoá nước nhà. Ảnh: Nhà bia ở lăng Tự Đức.
Dù tài năng, tiếc rằng Tự Đức đã sinh ra không đúng thời. Ông lên ngôi giữa lúc Việt Nam đứng trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và phải chịu trách nhiệm trong việc để mất Nam Kỳ vào tay quân Pháp. Ảnh: Điện Thái Hòa, biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn.
Ở ngôi 36 năm, Tự Đức mất năm 1883 trong bối cảnh đất nước ngổn ngang trăm bề. Ngày nay lăng Tự Đức là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của Cố đô Huế. Ảnh: Phần mộ của vua Tự Đức.