NXB Giáo dục Việt Nam cho biết năm 2020, đơn vị có 4 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có 2 bộ do các công ty thành viên tổ chức, 2 bộ do NXB trực tiếp tổ chức. Có trên 70% số trường tiểu học trên cả nước chọn sách từ 4 bộ này của NXB.
Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn, hoàn thiện các bộ SGK lớp 2, lớp 6, NXB Giáo dục Việt Nam đổi chủ trương, hợp nhất 4 bộ sách còn 2 bộ.
Cụ thể, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" được hợp nhất từ bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và bộ "Cùng học để phát triển năng lực", bộ "Chân trời sáng tạo" được hợp nhất từ bộ "Chân trời sáng tạo" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".
NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, phát triển SGK giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng SGK mới, tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành.
"Việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn SGK, bởi lẽ, mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018", NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định.
Tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi: "Đây là sự hợp nhất hay xóa sổ 2 bộ sách còn lại? Bởi ngay từ tên gọi của 2 bộ SGK được chọn cho năm học tới đã hoàn toàn không thấy có bóng dáng của 2 bộ sách đã bị loại bỏ?".
Theo một văn bản được cho là do chính PGS.TS Trần Diên Hiển - Chủ biên sách giáo khoa Toán 1 bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" chắp bút, sự hợp nhất các bộ sách này không đơn giản. Nhóm tác giả Toán 1 bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi chỉ được chọn 7/175 tiết (tỉ lệ 4%) trong khi thỏa thuận là 50/50.
Bên cạnh đó, sách đem đi thẩm định phải có đủ chữ ký của chủ biên thì chủ biên lại không biết sách có những gì, mình (và nhóm mình) có bao nhiêu bài được chọn. Vì thế, các tác giả Toán 1 bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" đồng loạt kiến nghị rút tên, rút bài khỏi bộ sách mới.
Người dân cần bộ SGK ổn định
NXB Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Việc hợp nhất không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy - học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách. Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết thêm, ở lớp 1, với các địa phương tiếp tục sử dụng SGK "Cùng học để phát triển năng lực" hoặc SGK "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", NXB vẫn tái bản, đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu.
Nhưng dù là sách hợp nhất, thì vấn đề ở đây là giáo viên cần tập huấn khác. Giáo viên lớp 2, thay vì tập huấn sách nối tiếp từ các bộ lớp 1, sẽ lại tập huấn theo hướng của các bộ sách mới, mà thời gian thực hiện mới chỉ cách nhau một năm. Giáo viên phải căn cứ sách để soạn giảng, làm sao để đảm bảo tính liên thông kiến thức từ lớp 1, sang lớp 2 là không dễ dàng.
Không có sự tiếp nối ở các lớp học tiếp sau thì việc các nhà trường, các địa phương quyết định chọn một trong hai bộ SGK lớp 1 đã biến mất ở lớp 2 (và có lẽ cả ở các khối lớp 3, 4…) để tiếp tục giảng dạy ở các năm sau là không khả thi.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho rằng, việc hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam "cho thấy một điều gì đó bất thường". Dù không có quy định nào là phải tiếp tục có SGK lớp 2 sau khi có bộ SGK lớp 1 nhưng đây là năm đầu tiên triển khai chương trình mới, dư luận đã băn khoăn về việc thử nghiệm SGK có nhiều sạn với học sinh thì năm sau, thậm chí sách còn "biến mất" luôn.
Mong muốn chính đáng của người dân và cũng chính là người phải bỏ tiền ra mua SGK cho con học hàng năm, đó là SGK phải ổn định, lâu dài. Về mặt tâm lý, không phụ huynh nào muốn lớp 1 con học bộ SGK này, nhưng lớp 2 lại học bộ SGK khác. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên có quy định về một bộ sách hoàn chỉnh, đầy đủ các lớp, khối cấp, không thể năm sau bớt, rồi lại gộp, rất khó cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.