Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/3 của Ban Dân nguyện cho thấy, Bộ GD-ĐT giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại.
Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.
Về vấn đề này, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không?
Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.
Thực hiện linh hoạt
Trao đổi với PV Dân trí sáng 16/3, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT cho biết, tại Điều 37 của Thông tư 32/2020 về điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về những hành vi học sinh không được làm.
Theo đó, học sinh không được sử dụng điện thoại và các thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập cũng như không được sự cho phép của giáo viên.
Ông Thành cũng cho hay, so với quy định trước đây là cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ thì hiện nay sẽ thực hiện linh hoạt.
"Ở từng trường hợp cụ thể, một nơi cụ thể, một bài học cụ thể với một giáo viên cụ thể thấy rằng, việc khai thác thông tin bài học bằng điện thoại là phù hợp và tốt cho học sinh thì tại sao lại cấm hết?
Không phải tất cả học sinh đều phải dùng điện thoại. Để khai thác những thông tin, tranh ảnh hoặc ngữ liệu bài học nào đó phục vụ trực tiếp cho hoạt động học ở tại một thời điểm đấy, lúc đó người giáo viên sẽ là người quyết định", vị vụ trưởng nói.
Ông Thành ví dụ, học sinh cần tham khảo một đoạn video clip ngắn cụ thể liên quan đến bài học mà giáo viên đã lên kế hoạch sẵn từ trước thì tại sao lại cấm?
Thực tế trường lớp ở nước ta là chưa đồng bộ về cơ sở vật chất. Có nơi trong lớp chỉ có bàn ghế, bảng viết, máy chiếu mà không có internet.
Nếu chiếc máy tính trên lớp được kết nối internet giúp học sinh nghe được một câu chuyện/bài hát nào đó liên quan đến nội dung dạy học về đức tính cần kiệm của con người trong giờ học môn Giáo dục công dân.
Khi nghe xong, học sinh ghi vào vở những từ ngữ thể hiện đức tính cần kiệm.
Nếu một vài em có điện thoại thì có thể mở ra cho một nhóm bạn cùng nghe bài hát đó. Sau đó phải cất điện thoại đi để tập trung học.
Rõ ràng, trong trường hợp này nếu không có phương tiện hỗ trợ thì hoạt động này trở nên rất vất vả.
Phương pháp dạy học không thể theo kiểu "đồng phục"
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, phương pháp dạy học của giáo viên phải đa dạng, không thể theo kiểu "đồng phục" được.
Nếu cô giáo không có điều kiện để cho học sinh nghe bài hát đấy thì buộc phải dùng cách khác nhưng kết quả thì vẫn tương tự.
Cô có thể hát trực tiếp hay cho học sinh đứng lên hát bài hát đó, hoặc đọc lời bài hát đó lên để cho học sinh nghe rồi viết vào vở.
Những điều này đòi hỏi chuyên môn về dạy học, dạy học cũng là một môn khoa học.
"Hoàn toàn không có chuyện Bộ quy định bắt buộc mỗi học sinh phải có một cái điện thoại để đi học trên lớp. Hơn nữa, Điều 37 của Thông tư 32/2020 là học sinh không được dùng điện thoại nếu không phục vụ cho việc học và không được sự cho phép của giáo viên. Người dân cần hiểu rõ bản chất của câu chuyện này để tránh hoang mang không cần thiết", ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thêm.