Tiểu ban Tuyên truyền của Ủy ban bầu cử TP.HCM xác định 11 nội dung tuyên truyền trọng tâm và được triển khai theo 3 đợt.
Đợt 1: Từ ngày ban hành Kế hoạch số 01/KH-TBTT (2/3/2021) của Tiểu ban Tuyên truyền đến ngày 17/4: Tập trung tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy; các quy định của pháp luật, kế hoạch, hướng dẫn về bầu cử; tiêu chuẩn về ĐBQH, ĐB HĐND các cấp; quy định về giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.
Đợt 2: Từ 18/4 đến 23/5: Tập trung tuyên truyền tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền và trách nhiệm của cử tri; các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử; công tác chuẩn bị bầu cử và tiến hành bầu cử, nhất là tuyên truyền, cổ động cho ngày cử tri đi bầu cử vào Chủ nhật -23/5/2021; dư luận trong nước và quốc tế về cuộc bầu cử.
Đợt 3: Từ 24/5 đến 23/6: Tuyên truyền về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tổng kết công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử.
Phó Trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP Lê Minh Đức đã giải thích rõ thêm về quy định và các điểm mới trong nguyên tắc bầu cử; tuổi ứng cử và tuổi bầu cử; tiêu chuẩn của người ứng cử, người ứng cử ĐBQH chỉ được có 1 quốc tịch; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử và kinh phí tổ chức bầu cử; quy định về dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND; đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu.
Ngoài ra, còn có các quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu nơi khác; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND….