Dân Việt

Vụ phá rừng khiến Thủ tướng chỉ đạo ở Khánh Hòa: Mất 7.000 m2 rừng, ai là thủ phạm?

Công Tâm 20/03/2021 12:15 GMT+7
Qua kết quả kiểm tra, xác minh của các lực lượng chức năng tại tiểu khu 231, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) các cây gỗ đã bị chặt hạ, cắt khúc, riêng cành nhánh và gốc cây vẫn còn nguyên tại hiện trường.

Ngày 20/3, nguồn tin từ Chi Cục kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng chặt phá rừng tại địa bàn xã Suối Tân, ngày 19/2/2021, Hạt Kiểm lâm Cam Lâm đã phối hợp với UBND xã Suối Tân tổ chức kiểm tra hiện trường khu vực thuộc lô 3 khoảnh 231, xã Suối Tân, phát hiện có 7.307m2 rừng tự nhiên bị chặt phá trái phép.

Khánh Hòa: Hơn 7.000m2 rừng bị chặt phá trái phép, ai là thủ phạm? - Ảnh 1.

Rừng tại tiểu khu 231, xã Suối Tân bị chặt, đốt trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra, các cây gỗ đã bị chặt hạ, cắt khúc, cành nhánh và gốc cây vẫn còn nguyên tại hiện trường. Theo kết quả kiểm tra, đo đếm, xác định toàn bộ diện tích 7.307m2 khu vực rừng bị chặt phá nêu trên là rừng tự nhiên được phân loại là rừng sản xuất do UBND xã Suối Tân quản lý.

Clip rừng bị chặt phá tại Suối Tân

Còn theo thông tin do Công ty TNHH TMDV Mỹ Hằng cung cấp, ông Nguyễn Nhật Chiêu, cụ ngụ tại thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) là người thực hiện việc chặt phá rừng tại khu vực này.

Khánh Hòa: Hơn 7.000m2 rừng bị chặt phá trái phép, ai là thủ phạm? - Ảnh 2.

Hiện trường chặt phá, xâm hại rừng tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm Cam Lâm đã phối hợp với UBND xã Suối Tân, huyện Cam Lâm làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Nhật Chiêu và vợ ông Chiêu là bà Trần Thị Phùng. Tuy nhiên, tại buổi làm việc ông Chiêu và bà Phùng không thừa nhận việc chặt phá rừng tại khu vực thuộc lô 3 khoảnh 231, xã Suối Tân mà chỉ cho răng ông có làm rẫy tại khu vực gần với khu vực bị chặt phá vừa nêu và không biết ai là thủ phạm phá rừng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, diện tích rừng bị chặt phá nêu trên đã vượt quá khung xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, và có dấu hiệu tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 243 Bộ Luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/ 2017.

Khánh Hòa: Hơn 7.000m2 rừng bị chặt phá trái phép, ai là thủ phạm? - Ảnh 3.

Nhiều loại cây gỗ quý đã bị các đối tượng chặt hạ.

Như đã thông tin, các cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng phá rừng, đốt than, làm nương rẫy của một số đối tượng tại khu vực này. Cùng với đó, việc thiếu chặt chẽ trong phân loại rừng, công tác bảo vệ, quản lý rừng dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chặt phá, xâm hại để trồng chuối, xoài...

Tại tiểu khu 231, núi Đá Hang, một khoảng rừng tự nhiên tái sinh rất lớn vừa bị đốn hạ. Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 – 40 cm vừa bị cưa hạ ngổn ngang; xung quanh là hàng loạt cây gỗ nhỏ, chất thành đống chuẩn bị cho vào lò đốt than.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hằng -Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Mỹ Hằng cho biết: Rừng khu vực núi Đá Hang là nguồn tài nguyên quý hiếm, gồm cây rừng từ nhóm 1 đến nhóm 8 và thảm thực vật rất phong phú nên các loại khỉ, vọoc chà vá, vọoc đuôi dài... về ở khá nhiều. Đơn vị được chính quyền địa phương giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc 355 ha rừng tái sinh tự nhiên tại đây khoảng 15 năm.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh.