Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - cho biết sự việc trên xảy ra với chuyến bay QH 1177 vào chiều 18/3, tại Cảng Hàng không Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, chuyến bay QH1177 được khai thác bằng tàu Airbus 321 của Hãng hàng không Bamboo Airways được khai thác bằng tàu Airbus 321 dự kiến cất cánh từ Thanh Hóa đi TP.HCM lúc 17h. Tuy nhiên, đến 16h55, trong quá trình chuẩn bị khởi hành thì xảy ra vụ việc.
Hành khách V.V.Đ (59 tuổi), quê ở Yên Định, Thanh Hóa ngồi ghế 9F đã mở cửa thoát hiểm số 2 bên phải làm bung cầu phao máy bay.
Ngay sau đó, tiếp viên trưởng đã lập biên bản và bàn giao sự việc cho đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại sân bay Thọ Xuân. Do máy bay không thể tiếp tục khai thác nên toàn bộ hành khách buộc phải di chuyển quay trở lại nhà ga.
"Quá trình giải quyết vụ việc, hành khách V.V.Đ cho biết đi tìm nhà vệ sinh trên máy bay và không hay biết đó là cửa thoát hiểm. Do nghĩ là cửa nhà vệ sinh nên khách đã giật chốt khóa và gây nên sự việc" - ông Phương thông tin.
Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng cho biết, hiện cơ quan Cảng vụ đã hoàn tất quá trình làm việc với các bên liên quan, làm rõ sự việc. Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng nêu rõ, hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
"Căn cứ điểm a, khoản 3, điều 8 của Nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, nhà chức trách đã ra quyết định xử phạt với ông V.V.Đ số tiền 15 triệu đồng" - ông Trần Hoài Phương cho hay.
Trước đó, đã có nhiều trường hợp hành khách bị xử phạt vi phạm hành chính do tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay. Đây là hành vi vi phạm được quy định rõ và luôn được các hãng thông tin rõ trước mỗi chuyến bay.
Theo thiết kế kỹ thuật, máy bay được bố trí nhiều cửa thoát hiểm, tại vị trí cửa thoát hiểm đều có các xuồng phao cứu sinh để tự động bung ra trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp. Vì vậy, việc mở cửa thoát hiểm khi không có yêu cầu của tiếp viên là vi phạm quy định an toàn hàng không.
Việc tự ý mở cửa thoát hiểm cũng gây thiệt hại lớn cho hãng hàng không vì phải mất khoản chi phí lớn để cuộn lại xuồng phao thoát hiểm. Trong trường hợp cửa thoát hiểm không thể sử dụng thì hãng cũng phải giảm số lượng khách theo tỷ lệ tương ứng để đảm bảo an toàn chuyến bay và phòng ngừa trường hợp khẩn cấp.