Cảm xúc của anh khi nghe tin Nguyễn Huy Thiệp ra đi?
- Tôi rất buồn khi nghe Khoa, con trai thứ hai của anh Nguyễn Huy Thiệp gọi điện. Lúc đó, tôi lại không cầm máy. Khoa gọi hai cuộc, khi tôi gọi lại hỏi Khoa thì Khoa nói: “Bố cháu mất lúc 17 giờ”. Lúc ấy tôi nhìn cuộc gọi nhỡ, Khoa báo với tôi lúc 17 giờ 8 phút. Có lẽ đây là những cuộc gọi báo tin đầu tiên của Khoa đối với những bạn bè của anh Thiệp.
Anh có thể họa chân dung Nguyễn Huy Thiệp theo cách của mình?
- Anh Thiệp đối với tôi là nhà văn lớn, “vua” của truyện ngắn, tên anh lừng lẫy từ khi tôi còn là một sinh viên. Mãi sau này, khoảng 20 năm gần đây, tôi mới được gần anh Thiệp và hay được anh mời đến ăn giỗ bố anh cùng với Lê Thiết Cương và Nguyễn Việt Hà. Nhưng anh Thiệp gần với Nguyễn Việt Hà và Lê Thiết Cương hơn tôi. Có lẽ vì tôi cũng có chút dấu ấn trong hội họa nên anh Thiệp quý. Hai con của anh Thiệp là Bách và Khoa đều vẽ.
Đôi khi anh nói với tôi: Ông thỉnh thoảng xem tranh thằng Bách hộ tôi. Ông hay hỏi tôi nhận xét tranh của Bách. Anh Thiệp rất khiêm nhường. Tôi lúc nào cũng coi trọng anh như người anh, lúc nào cũng gọi “anh”, xưng “em”, song ngược lại anh Thiệp đối thoại với tôi như bằng hữu làm tôi càng ngại, càng kính trọng anh hơn. Nhưng tôi cảm nhận, trong sâu thẳm anh Thiệp là một người rất kiêu hãnh, ít ai thấy được. Thi thoảng, anh đi đâu đó tiện qua chỗ tôi hay ngồi uống cà phê, anh lại ghé vào, kể những câu chuyện đời thường rất có tính triết lí mà lại rất dễ lọt tai. Anh Thiệp luôn bình thường hóa mọi việc quan trọng, làm cho tôi vỡ ra được nhiều điều trong cuộc sống.
Nhà văn lớn có hay tặng sách cho anh không?
- Cuốn sách nào anh cũng tặng tôi, đầy đủ. Trên giá sách của tôi có một góc riêng chỉ để toàn sách bạn bè tặng. Trong đó những tập sách của Nguyễn Huy Thiệp được đặt ở vị trí chính diện.
Nghe nói, cả gia đình anh đều rất quý mến tác giả “Tướng về hưu”?
- Anh Thiệp quý tôi nhưng cũng rất quý vợ tôi vì vài lần cô ấy dẫn anh đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe. Có lúc anh gặp tôi, anh còn nói đùa: Vợ ông còn oách hơn ông. Vì thế, tôi nghĩ, những lời tung hô về anh Thiệp, có lẽ anh ấy cũng đã “mứa” từ lâu rồi. Cá nhân tôi cảm thấy anh không muốn nghe những lời đó. Anh thèm sự chân tình, đời thường, cái sự thật lòng với anh. Anh thấy cách vợ tôi đưa anh đi khám, như một người em chân tình. Vợ tôi là người đọc rất nhiều sách của anh Thiệp.
- Tôi và nhà thơ Khuất Bình Nguyên cách đây 3 hôm đang rủ nhau sang tuần đến nhìn anh Thiệp. Gần đây, 49 ngày vợ Nguyễn Huy Thiệp, tôi đến và đã nhìn anh rồi. Muốn nhìn thấy anh lần nữa bởi biết anh đã không biết gì. Sau cuộc điện thoại của Khoa, anh Khuất Bình Nguyên cũng gọi và nói với tôi: Anh Thiệp mất rồi, Phong ạ! Tôi ngồi thừ người và buồn.
Tất nhiên, tôi xác định rồi. Nhưng vẫn buồn. Chúng tôi đã có với nhau quá nhiều kỷ niệm. Ngay trong cuốn sách của tôi, tôi rất muốn và đã xin phép anh được in những ảnh ngoài đời thường tôi với anh ngồi với nhau ở vỉa hè quán cà phê vì tôi thích những kỷ niệm bình thường.
Một lần, gần đây nhất, gặp Bách, cậu ấy tặng tôi cuốn sách mà tôi đã tham gia vẽ minh họa. Ở những ngày cuối cùng như thế, anh ấy còn viết mấy dòng vào sách và bảo con trai: Khi nào gặp chú Phong thì Bách đưa. Bách đã đưa sách cho tôi ở cửa trường Mỹ thuật, ở phố Yết Kiêu. Bách nói: Những bút tích cuối cùng của bố cháu có nhắc đến tên chú. Đây là cuốn sách vừa được tái bản của anh, trong đó có minh họa của một số họa sĩ. Tôi không biết tôi với anh Thiệp có duyên gì với nhau mà đến những nét bút cuối cùng của anh, anh cũng dành cho tôi một số dòng? Tôi nhớ trên một ấn phẩm báo Tết có in mảnh giấy ghi lại bút tích cuối của anh Thiệp, anh làm một bài thơ nhưng lại như lời cuối cùng, trong đó nhắc đến 5 người, 2 người kia là bạn của anh Thiệp, 3 người sau gồm tôi, Lê Thiết Cương và Nguyễn Việt Hà. Tôi có cảm giác, anh Thiệp đã coi 3 thằng tôi như 3 thằng em. Có lẽ, anh Thiệp tin chúng tôi là những người em tử tế với anh.